Chống người thi hành công vụ: Vì sao ngày càng phức tạp?

Thứ 4, 23.09.2020 | 13:45:41
659 lượt xem

Chống người thi hành công vụ là sự xuống cấp về ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm để răn đe.

Thời gian gần đây, số vụ chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng cảnh sát giao thông đang có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Thực trạng này đòi hỏi phải có một giải pháp đủ sức răn đe, đảm bảo yêu cầu thượng tôn pháp luật.

Ngày 14/9 vừa qua tại cao tốc Hà Nội – Bắc Giang thuộc địa phận xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tổ công tác gồm Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành dừng xe ô tô 16 chỗ để kiểm tra nghi vấn vận chuyển hàng lậu.

Hiện trường vụ lái xe 16 chỗ đâm hất chiến sĩ cảnh sát cơ động Nguyễn Văn Mạnh khiến anh tử vong.

Hiện trường vụ lái xe 16 chỗ đâm hất chiến sĩ cảnh sát cơ động Nguyễn Văn Mạnh khiến anh tử vong.

Thay vì chấp hành hiệu lệnh dừng xe, lái xe 16 chỗ là Trần Văn Dũng, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đã điều khiển xe lao thẳng về phía tổ công tác, đâm hất Trung sĩ Cảnh sát cơ động Nguyễn Văn Mạnh lên nắp capo.

Trung sĩ Mạnh đã bám vào cần gạt nước của xe, song Dũng vẫn liều lĩnh điều khiển xe chạy với tốc độ cao trên đường cao tốc khiến Trung sĩ Mạnh bị ngã xuống đường, bị bánh ô tô chèn qua người và hy sinh.

Trước đó, ngày 27/08 Tổ công tác Đội cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội làm nhiệm vụ tại ngã tư Lê Trọng Tấn, Quang Trung, phát hiện xe ô tô do Điêu Mạnh Cường (trú tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông) điều khiển vượt đèn đỏ nên đã ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Khi xuống xe, Cường đã hành hung một cán bộ trong tổ công tác.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian gần đây. Ông Phạm Trường Giang ở phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho rằng các vụ việc chống người thi hành công vụ cần phải xử lý nghiêm mới có sức răn đe.

“Người thi hành công vụ là người đại diện cho pháp luật để thi hành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho. Người dân thượng tôn pháp luật thì không được phép chống đối, những đối tượng chống đối phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật để răn đe cho những người khác”, ông Phạm Trường Giang nói.

Theo Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an, từ đầu năm đến nay trên đường bộ xảy ra 22 vụ chống người thi hành công vụ là cảnh sát giao thông, làm 9 đồng chí bị thương, 1 người hy sinh.

Hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp, nhẹ là chửi bới, lăng mạ, nguy hiểm hơn là dùng đến vũ khí, hung khí, thậm chí điều khiển phương tiện đâm thẳng vào người thi hành công vụ. Qua các vụ việc cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, các quy định của pháp luật hình sự về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ chủ yếu mới xử lý những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ bị xử lý hành chính.

Hành vi chống người thi hành công vụ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ như trong lĩnh vực giao thông, khi nâng mức xử phạt hành chính theo Nghị định 100, có nhiều đối tượng vì sợ bị phạt tiền nên chống đối, cản trở việc thi hành công vụ để bỏ chạy, trốn tránh việc xử lý của pháp luật.

Khi xử lý các đối tượng tham gia giao thông có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bỏ chạy, bỏ trốn hoặc những đối tượng chở hàng cấm, hàng lậu thì những đối tượng này sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ngoài ra, có những đối tượng do mức độ nhận thức và trạng thái tâm lý không tốt dẫn đến có những bức xúc, chống trả.

Tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng đã và đang là vấn đề nghiêm trọng, phức tạp cần phải đấu tranh, ngăn chặn kịp thời để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong công tác, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó có việc tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ, được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những tình huống cụ thể được pháp luật quy định.

Theo ông Đỗ Thanh Bình, trong tình huống xảy ra hành vi chống người thi hành công vụ, ở các nước đều cho phép lực lượng thực thi công vụ có quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn kịp thời. Điều này chưa rõ trong quy định của pháp luật hiện nay.

Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, lãnh đạo Bộ cũng đã yêu cầu phải nâng cao năng lực, nâng cao văn hóa ứng xử khi tiếp xúc và sử dụng các vũ khí, công cụ hỗ trợ để áp dụng trong những tình huống cụ thể.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường phạt nguội thay cho dừng phương tiện, trừ những trường hợp buộc phải dừng phương tiện mới phát hiện được vi phạm như nồng độ cồn, ma túy./.


Quang Chính/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-vi-sao-ngay-cang-phuc-tap-780585.vov

  • Từ khóa