Hiện nay các địa phương tại ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều phương án ứng phó với triều cường, nhằm giảm hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra.
Dự báo của Tổng Cục Khí tượng thủy văn, từ cuối tháng 9 năm 2020 đến tháng 2/2021, tổng lượng mưa tại ĐBSCL sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 15 - 30%. Theo đó, lưu lượng nước Mekong đổ vào sông Tiền, sông Hậu sẽ gia tăng, trùng với đợt triều cường diễn ra trong những ngày cuối tháng 9. Triều cường dâng cao, kèm theo mưa lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hoa màu và hệ thống kết cấu hạ tầng, gây ngập cục bộ ở các tuyến dân cư. Hiện nay các địa phương tại ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều phương án ứng phó với triều cường, nhằm giảm hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra.
Nhà dân ngập nước tại nội ô thành phố Cần Thơ.
Theo Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, thành phố bắt đầu bước vào thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh bởi các đợt triều cường, mực nước trên các sông rạch sẽ lên cao dần vào các tháng 9, 10 và 11. Mực nước cao nhất trong các đợt triều cường lên ở mức xấp xỉ và vượt mức báo động III. Trên sông Hậu tại Cần Thơ, mực nước cao nhất năm 2020 có khả năng ở mức 2,15 m – 2,25 m (vượt báo động III là 0,15 – 0,25m), xuất hiện vào trung tuần tháng 10 tới.
Ông Nguyễn Qúy Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi thành phố Cần Thơ cho biết: Hàng năm, triều cường thường gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của các hộ dân ngay tại nội ô thành phố. Chỉ tính riêng quận Ninh Kiều, có hơn 60 tuyến đường ngập nước, với mức độ từ 0,5 – 0,7 m. Do vậy, năm nay, thành phố chú trọng việc kiểm tra các van ngăn triều, hạn chế tối đa nước chảy ngược từ sông vào thành phố.
Hàng quán tại thành phố Cần Thơ đóng cửa vì triều cường dâng cao
"Quan tâm kiểm tra các tuyến phố đặc biệt là nắp hố ga trên các vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đối với các tuyến đường ngập sâu thì cũng phải tổ chức rà soát trên địa bàn và cắm các biển báo tạm thời, dây cảnh báo để người dân phát hiện, không đi vào. Đặc biệt, khi triều rút phải cử lực lượng tổ chức kiểm tra, thu gom rác tại các cửa thu thoát nước, để nước có thể thoát một cách nhanh nhất, để hệ thống giao thông đưa vào vận hành bình thường cách nhanh chóng", ông Nguyễn Qúy Ninh thông tin.
Nước ngập xe không thể lưu thông trong nội ô quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Vĩnh Long là tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, hệ quả cũng như Cần Thơ, khi có triều cường thì một số tuyến đường trong thành phố bị ngập nước, cao nhất gần 0,5 m. Bên cạnh đó, trên quốc lộ 1, có hai đoạn bị ngập nặng nhất là đoạn qua xã Tân Phú, huyện Tam Bình và đoạn qua ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An, thị xã Bình Minh, ngập hơn 0,5 mét. Các phương tiện tham gia giao thông di chuyển qua khu vực nội ô và quốc lộ 1 rất khó khăn.
Không chỉ giao thông đường bộ, triều cường còn gây thiệt hại nặng cho hoa màu. Để ứng phó với triều cường và lũ, hàng năm, hàng trăm tỷ đồng được đầu tư cho nạo vét kênh mương, nâng cấp đê bao, xây dựng hệ thống cống đập. Trên tuyến quốc lộ 1, mùa khô vừa qua, Bộ giao thông vận tải cũng đã đầu tư nâng cấp cao hơn. Đặc biệt, tuyến kênh Mai Phốp – Ngã Hậu (thuộc huyện Vũng Liêm), cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh (thuộc huyện Trà Ôn) sau khi xây dựng xong đã và đang phát huy tác dụng ngăn triều cường, trữ ngọt bảo vệ gần 113.000 ha đất nông nghiệp của địa phương.
Triều cường làm ngập vườn cây tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: "Hiện nay chúng ta có những công trình cống để giữ ngọt nhờ vậy đã giúp cho công tác sản xuất của chúng ta được duy trì. Những vùng ảnh hưởng bởi nước lũ thì không còn. Chúng ta có thể duy trì để sản xuất được 3 vụ lúa trên năm".
Tiền Giang - Bến Tre là 2 địa phương cuối nguồn, ven biển nên bị ảnh hưởng rất nặng nề khi có triều cường. Khi lượng nước tràn về từ thượng nguồn kết hợp với nước biển dâng, gây ngập các tuyến đê bao ven sông, rạch dẫn đến vỡ đê là khó tránh khỏi. Để chủ động phòng chống triều cường, tỉnh Bến Tre đang khẩn trương huy động lực lượng đắp, gia cố các tuyến đê bao đã bị vỡ như: tại cồn Tam Hiệp (huyện Bình Đại), cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách), khu vực ven sông rạch của xã Tân Phú (huyện Châu Thành)...
Tỉnh Tiền Giang đầu tư xây kè chống sạt lở do triều cường tại xã Bàn Long, huyện Châu Thành.
Tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng chống thiên tai để khắc phục nhiều đoạn đê bị sụp lún ven sông Cái Bè, sông Trà Lọt, kênh 28 (huyện Cái Bè), sông Ba Rài (huyện Cai Lậy), sông Phú Phong, Rạch Gầm (huyện Châu Thành)… Các công trình đang được thi công khẩn trương để có khả năng ngăn nước phòng ngừa triều cường tiếp diễn. Với nguồn kinh phí 24 tỷ đồng do tỉnh đầu tư đến nay đã cơ bản khắc phục được ¾ điểm sạt lở. Riêng các đê bao cục bộ ven sông, rạch đã được chính quyền và người dân địa phương xây dựng đã đảm bảo ngăn nước khi triều cường xảy ra, nhằm bảo vệ khoảng 900 ha vườn cây đặc sản.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bàn Long cho biết thêm: "Nói chung thời gian qua, hệ thống đê bao rất hiệu quả, đã bảo vệ vườn cây ăn trái trên địa bàn xã, đặc biệt tập trung cho cây sầu riêng, vú sữa, sa pô… Lúc trước mình vận động dân tức là thu đầu công, sau này nhà nước có chủ trương hỗ trợ từ nguồn kinh phí thủy lợi phí ở trên, chỉ vận động dân hiến trợ đất, hiến hoa màu. Triều cường thì hiện nay, trên địa bàn xã chỉ gây ra 1 điểm sạt lở chủ đầu tư là Ban quản lý dự án cũng đã vào cuộc rồi. Qua xem lại, khảo sát các tuyến đê bao thì tương đối ổn".
Cống đập ngăn mặn, chống triều cường tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre chuẩn bị hoàn thành.
Các tỉnh khác trong khu vực như Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng mỗi khi có triều cường dâng cao đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt tại các tuyến đê có cao trình thấp đều bị ngập nước làm thiệt hại nhiều tài sản lúa và hoa màu. Để hạn chế thiệt hại, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đều có phương án phòng chống triều cường.
Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề phòng chống và giảm thiểu tác động tiêu cực của triều cường ở góc độ khu vực nằm trong tổng thể bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thì vấn đề quy hoạch đô thị, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nói riêng của ĐBSCL, vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu... lại là bài toán lớn hơn nhiều. Đài TNVN sẽ đề cập nội dung này trong loạt bài khác./.
Hồng Phương/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/dbscl-trien-khai-nhieu-phuong-an-ung-pho-trieu-cuong-780542.vov