Thương mại điện tử giúp tăng cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ 5, 24.09.2020 | 03:57:59
685 lượt xem

Chuyển đổi số, hoạt động thương mại điện tử tích cực giúp các doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng mới từ đó gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá, công tác xuất khẩu (XK) nửa cuối năm 2020 này có thể có thể tiếp tục gặt hái những thành quả lớn từ việc thực thi Hiệp định EVFTA. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và ở cấp độ cao hơn là số hoá các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ là cuộc cách mạng vĩ đại trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Các DN còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Đánh giá về hiệu quả xuất khẩu qua thương mại điện tử thời gian gần đây của các DN Việt Nam, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB, Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ XK Việt Nam (VESA) cho biết, thời gian qua, đã có nhiều DN Việt Nam khi tích cực hoạt động thương mại điện tử, đã ký được những hợp đồng với giá trị lớn. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, các DN XK của Việt Nam đã biết tận dụng tốt thương mại điện tử để giành lấy những cơ hội xuất nhập khẩu trực tuyến.

“Bản chất của ứng dụng thương mại điện tử là rút ngắn khoảng cách, tạo cơ hội cho người mua, người bán gặp nhau. Một trong những rào cản của DN khi tham gia môi trường trực tuyến hiện nay là nhiều DN năng lực cạnh tranh còn yếu. Có nhiều DN hoạt động rất tích cực nhưng do sản phẩm thực sự thiếu năng lực cạnh tranh hoặc giá thành cao hơn các nước láng giềng khác”, ông Toản nhận xét.

Ứng dụng thương mại điện tử đang được đẩy mạnh trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Đưa ra bí quyết giúp các DN có thể làm tốt công tác XK thông qua qua thương mại điện tử, ông Toản cho rằng có 5 yếu tố. Thứ nhất là DN phải có những điều kiện đủ để XK được. Trong đó có hai yếu tố rất quan trọng là sản phẩm của DN phải có khả năng, tiềm năng XK và giá thành phải cạnh tranh. Nhiều DN hoạt động tích cực nhưng thiếu yếu tố đó thì DN cũng không thể có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, DN phải có nhân sự và nhân sự chuyên trách càng tốt. Hiện nay, chúng tôi đang có những chiến dịch đào tạo DN, thậm chí mong muốn đào tạo DN trở thành những người đào tạo, nghĩa là DN tự có thể đào tạo cho DN.

DN phải có gian hàng chuyên nghiệp và phải đăng nhiều sản phẩm. Có thống kê là số lượng sản phẩm của DN Việt Nam trên Alibaba.com chỉ bằng 50% so với số lượng trung bình của các nhà bán hàng toàn cầu khác. Tuy nhiên, lượng hỏi hàng trên tỷ lệ “click” của DN Việt Nam lại ở “top” đầu. Điều này thể hiện hai yếu tố, một là sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; hai là dư địa để DN Việt Nam có thể đẩy mạnh, tăng XK thông qua kênh trực tuyến như Alibaba rất cao.

Ngoài ra, DN cần hoạt động tích cực. Điều này giúp cho DN nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tiếp cận nhà NK một cách toàn diện nhất. Chúng tôi vẫn nói "dễ người dễ ta", thương mại điện tử dễ với chúng ta và cũng dễ cho tất cả đối tác khác. Tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt.

Một yếu tố quan trọng nữa là chuyển đổi số. DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc mà DN sử dụng để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ cho công tác bán hàng tốt nhất từ khâu marketting, bán hàng, cho tới chăm sóc khách hàng...

“Trên thực tế, có nhiều DN mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, tuy nhiên người NK lại tiếp cận DN qua các kênh khác như Email, website của DN, thậm chí gặp trực tiếp DN… Nếu DN chuẩn hóa, số hóa tất cả các kênh thì khả năng "bao vây" những kênh tiếp cận của người NK rất lớn. Chúng tôi coi những DN được chuyển đổi số giống như trên bệ phóng. Nếu bệ phóng tốt sẽ giúp DN XK trực tuyến có kết quả cao, nhanh và thậm chí là tối ưu hiệu quả”, ông Toản khuyến cáo.

Theo ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thời gian qua Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động XNK, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Đối với các DN XNK, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị, cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định EVFTA và các xu hướng/mô hình chuyển đổi số phù hợp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của EVFTA mà của cả thị trường EU”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-giup-tang-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-xuat-khau-780560.vov

  • Từ khóa