Giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do

Thứ 5, 24.09.2020 | 03:57:52
618 lượt xem

Chiều 23/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, đến nay Việt Nam đã tham gia và đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã thực thi, 3 FTA đang trong quá trình đàm phán.

Kết quả cho thấy, đa số kim ngạch xuất nhập khẩu của các ngành đều tăng, đặc biệt là đối với thị trường mà Việt Nam có FTA.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường FTA năm 2019 là 123,11 tỷ USD, trong khi đó năm 2004 Việt Nam có 2 đối tác FTA có tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ 7 tỷ USD. Việc tham gia các FTA góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo nền tảng đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do ( FTA) đã có tác động tích cực nhiều mặt đến nền kinh tế nước ta. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tăng 5 lần so với năm 2007, môi trường kinh doanh tăng 23 bậc, đứng thứ 5 trong ASEAN, thứ 8 về phát triển doanh nghiệp, năng lực lao động tăng…thành quả hội nhập xen kẽ với kết quả thúc đẩy quá trình đổi mới , lan tỏa tác động trong mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên,  theo đoàn giám sát, các doanh nghiệp của Việt Nam chưa khai thức triệt để cơ hội FTA mang lại, chưa tận dụng các ưu đãi về thuế quan, sản phẩm chế biến còn hạn chế, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu với giá trị thấp…doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức về sơ sở hạ tầng, chi phí logistics lớn, khó khăn về công nghệ, nền tảng số và chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, từ đó giảm tính cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc hưởng lợi từ FTA qua Chứng nhận xuất xứ (C/O) còn hạn chế.

“Có nhiều nguyên nhân bởi vì có nhiều nước chúng ta đã tận dụng hết rồi nhưng tỷ lệ rõ ràng chỉ có Ấn Độ và Chile là chúng ta đạt C/O ưu đãi khoảng 70%, còn lại là các quốc gia khác chỉ khoảng 30%. Tôi rất mong Chính phủ quan tâm đến những khu vực mà chúng ta có tỷ trọng xuất khẩu lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Ngân đề xuất.

“Hiện chúng ta xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD sang Hàn Quốc nhưng hưởng C/O ưu đãi chỉ khoảng 24%, hay Nhật chúng ta đang xuất khẩu 20,3 tỷ USD thì C/O được ưu đãi chỉ 8% nhưng Ấn Độ chúng ta xuất khẩu chỉ có 6,6 tỷ USD nhưng được ưu đãi lên tới 68%, như vậy là thiếu cân đối”, ông Ngân phân tích.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại buổi làm việc về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại buổi làm việc về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do có sự đồng thuận lớn của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân và đạt hiệu quả tích cực đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội. 

Việc giám sát về tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) là cần thiết. Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của đoàn giám sát, đồng thời có báo cáo nhằm thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA tốt hơn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa để tận dụng các cơ hội của FTA.

“Sự chủ động của doanh nghiệp cần nâng lên thành văn hóa thời kỳ hội nhập. Một mặt chính phủ, bộ, ngành thông tin, nhưng doanh nghiệp phải chủ động. Thời gian qua, EVFTA ngay khi ký, Thủ tướng đã nói chuyện với các doanh nghiệp rõ từng lợi thế, vấn đề thách thức, nhưng hiệp hội ngành nghề cũng phải tham gia, trực tiếp là các doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ về tổng quan cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó nhấn mạnh: Việc tham gia các FTA đã tác động tích cực đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên vẫn còn những mặt hạn chế như Việt Nam chủ yếu xuất thô, chưa chế biến tinh, doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặt phải cố gắng nhiều để có thể vươn ra thế giới, pháp luật tiếp tục hoàn thiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố bộ máy tổ chức quản lý, điều hành hiệu quả, phân rõ chức năng; Chính phủ và các bộ ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về các FTA tới doanh nghiệp và người dân. Đẩy nhanh xuất khẩu tận dụng các ưu đãi từ các FTA Việt Nam tham gia. Chú ý rào cản phi thuế quan, giúp đỡ mặt hàng trong nước; chú ý quan tâm các ngành có chất lượng, sản phẩm trong nước có ưu thế./.


Phương Thoa/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/giam-sat-viec-thuc-hien-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-780839.vov

  • Từ khóa