SUV hạng D 'đua' công nghệ an toàn tại Việt Nam

Thứ 5, 24.09.2020 | 14:35:26
625 lượt xem

Everest đi tiên phong, Santa Fe, Sorento, CX-8 nối tiếp để cạnh tranh khiến những Fortuner, Pajero Sport không thể bảo thủ.

Xe gầm cao hạng D tại Việt Nam phân hóa thành hai nhóm rõ rệt dựa trên đặt điểm thiết kế. Nhóm crossover với kết cấu unibody (thân liền khung) có Hyundai Santa Fe, Kia Sorento và CX-8. Nhóm SUV thực thụ với chassis rời (body-on-frame) có Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Isuzu mu-X, Nissan Terra.

Nhóm crossover phù hợp chạy đô thị, trong khi SUV sẽ là lựa chọn cho những người phải đi tỉnh, đường khó, đèo núi. Tuy vậy, đô thị, đường trường vẫn là dạng địa hình của số đông người dùng. Thói quen vận hành, điều kiện đường sá ngày càng tốt, khách hàng khó tính hơn và mức độ cạnh tranh gay gắt khiến các hãng phải chăm chút nhiều công nghệ an toàn hơn, trong khoảng hai năm trở lại đây.

Ford Everest trong lần ra mắt hồi tháng 8/2018, mở ra cách tiếp cận mới với khách hàng tại Việt Nam khi trang bị một loạt công nghệ an toàn đầu tiên trong phân khúc như cảnh báo va chạm trước, cảnh báo chệch làn, tự động phanh, kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ đậu xe tự động.

Everest, mẫu xe tiên phong áp dụng loạt công nghệ an toàn mới lên SUV. Ảnh: Đức Huy

Everest, mẫu xe tiên phong áp dụng loạt công nghệ an toàn mới lên SUV. Ảnh: Ngọc Tuấn

Hãng nhận thấy thước đo về giá, không phải là chìa khóa để mở cánh cổng mới tiếp cận người dùng. Thay vào đó, hãng tạo dựng hình ảnh một chiếc SUV đầy công nghệ, thông minh, di chuyển tốt ở đô thị lẫn địa hình khó. Dẫu doanh số Everest chưa bứt phá trong phân khúc nhưng đã tốt hơn so với chính mình. Sau 8 tháng năm nay, Everest cùng xe bán tải Ranger là hai sản phẩm chiến lược, mang về doanh số bán hàng cao nhất của Ford, khi mà EcoSport đang mất dần sức hút.

Nửa năm sau đó, Hyundai Santa Fe thế hệ mới ra mắt thị trường với sự lột xác từ trong ra ngoài. Ở tính năng an toàn, mẫu xe Hàn cũng không kém cạnh Everest khi có hỗ trợ phanh khẩn cấp tự động, kiểm soát hành trình, hỗ trợ đỗ xe. Santa Fe mang xu hướng đô thị chứ không việt dã với những tính năng như phanh tay điện tử, hỗ trợ giữ phanh, cảnh báo phương tiện cắt ngang, khóa cửa thông minh để hướng đến không gian chật hẹp, hay dừng ngắt quãng.

Nhiều công nghệ, thiết kế trẻ trung, Hyundai Santa Fe đang dẫn đầu phân khúc tại Việt Nam. Ảnh: TC Motor

Nhiều công nghệ, thiết kế trẻ trung, Hyundai Santa Fe đang dẫn đầu phân khúc tại Việt Nam. Ảnh: TC Motor

Loạt trang bị mới và thiết kế trẻ trung nhờ kết cấu unibody cho phép tạo hình nhiều góc phức tạp, uyển chuyển thay vì thô cứng, mạnh mẽ như kết cấu body-on-frame, Hyundai Santa Fe từng bước lấy lòng khách Việt. Mẫu xe Hàn đã vượt qua Toyota Fortuner từ giữa 2020 để nắm giữ ngôi vương doanh số phân khúc. Chuẩn mực được Ford Everest đặt ra, nối tiếp bởi Santa Fe và sau đó là Mazda CX-8.

CX-8 trên một cung đường ở Vũng Tàu. Ảnh: Thaco

CX-8 trên một cung đường ở Vũng Tàu. Ảnh: Thaco

Gói i-Activsense trên các phiên bản cao cấp của CX-8 chứa hàng tá chức năng như cảnh báo điểm mù, điều khiển hành trình thích ứng (tự giữ khoảng cách với xe trước thông qua radar), cảnh báo vật cản phía trước, cảnh báo chệch làn, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, hỗ trợ phanh thông minh, hỗ trợ phanh trong thành phố và nhận diện người đi bộ, hỗ trợ phanh thông minh khi lùi.

Trường Hải cũng áp dụng cách lấy công nghệ làm điểm nhấn cho Kia Sorento thế hệ mới ra mắt hôm 14/9, mẫu xe Hàn cũng lao vào cuộc đua công nghệ và trang bị tiện nghi như đối thủ đồng hương.

Sorento trong lần ra mắt thế hệ mới tại Quảng Nam hôm 14/9. Ảnh: Đắc Thành

Sorento trong lần ra mắt thế hệ mới tại Quảng Nam hôm 14/9. Ảnh: Đắc Thành

Mức giá 1,079-1,349 tỷ của Sorento cao hơn Santa Fe và chen vào nhóm xe đắt nhất, gồm Everest 1,39 tỷ, Fortuner 1,426 tỷ. Đi kèm mức giá tăng hàng trăm triệu so với bản cũ, Kia Sorento cũng đầy công nghệ: camrera 360, cảm biến hỗ trợ đỗ xe, hiển thị điểm mù, cảnh báo chệch làn, hỗ trợ giữ làn đường, hỗ trợ tránh va chạm trước, cảnh báo va chạm phía trước.

Doanh số suy giảm, công nghệ an toàn phong phú từ các đối thủ là những sức ép vô hình, khiến Toyota trình làng một Fortuner được xem là mới mẻ nhất từ lần ra mắt đầu tiên 2016. Với mẫu xe của Toyota, việc chậm cập nhật công nghệ và trang bị tiện nghi gần như được khỏa lấp bởi sức mạnh thương hiệu trong quãng dài trước 2020 khi doanh số luôn đứng đầu và bỏ xa các đối thủ. Nhưng sự vươn lên của Santa Fe hay những sản phẩm khác với hình ảnh trẻ trung, nhiều công nghệ, Toyota buộc phải nhìn lại mình.

Legender, phiên bản nhiều công nghệ nhất của Toyota Fortuner. Ảnh: TMV

Legender, phiên bản nhiều công nghệ nhất của Toyota Fortuner. Ảnh: TMV

Gói công nghệ TSS bao gồm những tính năng như cảnh báo chệch làn, cảnh báo tiền va chạm, điều khiển hành trình chủ động xuất hiện trên Fortuner 2020 sau Corolla Cross và Hilux. Xe còn có thêm mở cốp rảnh tay, camera 360 độ để tăng độ phong phú về "option" so với các đối thủ, nuôi hy vọng trở lại ngôi đầu doanh số.

Dù chưa ra mắt chính thức nhưng Mitsubishi Pajero Sport 2020 được hãng xác nhận sẽ đầy ắp công nghệ. Những tính năng như chống tăng tốc ngoài ý muốn, hỗ trợ chuyển làn, cảnh báo phương tiện cắt ngang, hệ thống giảm thiểu va chạm phía trước sẽ xuất hiện trên Pajero Sport sắp ra mắt vào đầu tháng 10 tới.

Pajero Sport 2020. Ảnh: Mitsubishi

Pajero Sport 2020. Ảnh: Mitsubishi

Luôn được đánh giá cao về động cơ và hệ dẫn động hai cầu linh hoạt, nhưng Pajero Sport trước đó lại đuối doanh số hơn Fortuner hay Everest, một phần bởi giá cao, cũng như hình thức thiếu sự trau chuốt, thành thị. Điểm này được khắc phục ở phiên bản mới, khi xe áp dụng triết lý thiết kế Dynamic Shield đã thành công trên Xpander. Hãng xe Nhật kỳ vọng có thể cạnh tranh sòng phẳng với Fortuner.

Phân khúc SUV 7 chỗ hạng D còn những cái tên khác như Nissan Terra, Isuzu mu-X. Trong số này mu-X ít được chú ý vì nhận diện thương hiệu ở mảng xe con của Isuzu mờ nhạt. Mẫu SUV này có công nghệ an toàn dừng ở mức vừa phải, tương ứng với mức giá rẻ hàng đầu phân khúc nhưng doanh số cũng kém nhất.

Nissan Terra sở hữu nhiều công nghệ an toàn, ngang ngửa với nhiều đối thủ trong phân khúc nhưng sức hút mờ nhạt sau khi mở bán từ đầu 2019. Số phận thương hiệu Nissan ở thị trường trong nước vẫn chưa rõ khi tập đoàn Nissan Nhật Bản và Tanchong (Malaysia) chấm dứt hợp tác kinh doanh tại Việt Nam kể từ 19/9.

Với cục diện phân khúc hiện thời, không dễ đưa ra bất kỳ thước đo nào quan trọng nhất giữa những lựa chọn về giá, thiết kế hay trang bị tiện nghi, để lý giải cho thành, bại của một sản phẩm cụ thể trong cuộc đua doanh số. Từ những biến động về thị hiếu tiêu dùng gần đây, công nghệ nhiều không đồng nghĩa sức tiêu thụ tương ứng, nhưng là yếu tố đang khiến cho cuộc đua giữa các hãng trở nên quyết liệt hơn và gần như không có chỗ cho sự bảo thủ.


Thành Nhạn/vnexpress.net

https://vnexpress.net/suv-hang-d-dua-cong-nghe-an-toan-tai-viet-nam-4166048.html

  • Từ khóa