“Cần tiến tới học sinh sử dụng laptop, smartphone thay SGK”

Thứ 7, 26.09.2020 | 08:30:38
754 lượt xem

Ths Nguyễn Sóng Hiền cho rằng quy định mới của Bộ GD-ĐT cho phép học sinh sử dụng smartphone trong lớp là phù hợp với sự phát triển của giáo dục hiện đại. Tiến tới học sinh đi học chỉ cần laptop, smartphone và có thể thay thế SGK để bảo vệ môi trường.

Quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học thuộc Điều lệ các trường THCS, THPT của Bộ GD-ĐT đang gây nhiều tranh cãi trái chiều. 

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền – thành viên liên đoàn các nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Australia cho rằng, việc Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 32/2020 về điều lệ trường THCS, THPT, trong đó quy định những việc học sinh không được phép làm cụ thể như: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Điều này đồng nghĩa với cho phép học sinh được sử dụng các thiết bị công nghệ trong quá trình học tập với sự đồng ý của giáo viên.

Quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Thanh niên)

Quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Thanh niên)

Ths Nguyễn Sóng Hiền đánh giá, đây là những quy định thể hiện sự cầu thị của Bộ GD-ĐT, tiếp thu, điều chỉnh trong chính sách nhằm bắt kịp những thay đổi do yêu cầu thực tế phát triển của đất nước cũng như tiếp cận gần hơn với các nền giáo dục tiến bộ khác.

Quy định cho phép học sinh dùng smartphone cũng từng gây tranh cãi tại các nước phát triển...

Với kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới, Ths Nguyễn Sóng Hiền cho biết, nhiều nước đã từng cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trong lớp để phục vụ quá trình dạy và học và cũng đã vấp phải những phản ứng trái nhiều từ phụ huynh cũng như những nhà giáo dục.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, việc đưa công nghệ như laptop, máy tính bảng hay smartphone vào phục vụ cho quá trình dạy và học mang lại nhiều tác động tích cực hơn là tiêu cực.

Ths Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn các nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Australia.

Ths Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn các nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Australia.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã tác động làm thay đổi mạnh mẽ thế giới hiện đại, làm chuyển dịch không gian sống của con người từ thực tại sang một không gian ảo và đã thu hẹp thế giới chỉ trong một màn hình chỉ bằng bàn tay. Những tác động to lớn mà điện thoại smartphone mang lại không chỉ đối với xã hội nói chung mà ngay đối với hoạt động giáo dục khi tạo ra một môi trường giáo dục hoàn toàn mới, trường học online, hay lớp học online.

... nhưng học sinh lại hứng thú với học tập hơn nhiều khi có smartphone

Dẫn lại nghiên cứu của tiến sĩ Tami (2014) về Ứng dụng sư phạm trong việc kết hợp smartphone trong quá trình dạy học đã điều tra về quan điểm của giáo viên, giảng viên, sinh viên và học sinh trong sử dụng smartphone khi dạy học tại trường trung học và cao đẳng.

Theo đó, nghiên cứu này chỉ ra rằng có tới hơn 70% học sinh trung học sử dụng điện thoại trong lớp học để phục vụ cho việc học của chúng và chúng cho rằng việc sử dụng điện thoại trong quá trình học khiến giờ học thú vị hơn và có động lực để học hơn. Trong khi đó, những sinh viên cao đẳng và giáo viên với độ tuổi trung bình 52 thì thấy khó khăn trong việc ứng dụng smartphone trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, các sinh viên cao đẳng và học sinh trung học đều cho rằng việc sử dụng smartphone giúp học tốt hơn và hộ trợ nhiều hơn trong quá trình học.

Từ nghiên cứu trên, Ths Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, đang có sự khác biệt về quan điểm trong vấn đề sử dụng smartphone giữa 3 thế hệ X-Y-Z. Những thế hệ X (sinh từ 1965 đến 1980) được xem là thế hệ bắt đầu tiếp cận với công nghệ. Thế hệ Y (sinh từ 1981 đến 1995) thuộc về thế hệ công nghệ số. Thế hệ Z (sinh từ 1996-2010) được gọi là thế hệ của thời đại công nghệ 4.0.

“Đặc trưng của thế hệ này là yêu thích smartphone và xem đó là một phần không thể thiếu trong đời sống. Thế hệ này nhiều trẻ trước 10 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo một chiếc smartphone và đã biết ứng dụng nó vào việc học. Từ những nghiên cứu và đánh giá trên có thể thấy việc cho phép học sinh sử dụng smartphone trong quá trình học của chúng đối với học sinh từ bậc THCS và THPT (có thể được xem là thế hệ Z) là hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại và là một điều tất yếu của sự phát triển của nền giáo dục hiện đại.
Điều chúng ta cần trao đổi và thảo luận ở đây là cách thức và biện pháp để thực thi việc ứng dụng công nghệ số và smartphone trong quá trình dạy và học như thế nào cho hiệu quả”, Ths Hiền nói.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, không nên đơn thuần sử dụng smartphone như một nguồn giúp học sinh khai thác kiến thức mà cần biến nó thành một ứng dụng hỗ trợ trong quá trình dạy và học. Khi nền giáo dục thế giới đã và đang chuyển dịch dần từ giáo dục truyền thống dựa trên sách giáo khoa sang giáo dục hiện đại dựa trên công nghệ, điều này đòi hỏi cách tiếp cận mới trong phương pháp dạy và học từ vai trò thầy cô là trung tâm sang học sinh là trung tâm của mọi hoạt động dạy học. Bên cạnh đó cũng cần lấy cộng nghệ làm nền tảng cho cách tiếp cận mới này. 

Do đó, Ths Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, việc sử dụng các công nghệ số, smartphone, laptop và cả máy tính bảng vào quá trình giáo dục là xu thế tất yếu của một nền giáo dục hiện đại. Tại Australia – nơi ông đang công tác, học sinh Trung học đã được sử dụng laptop cách đây đã cả thập kỷ để thay thế cho sách giáo khoa, tất cả các hoạt động dạy và học đều được cộng nghệ hoá.

Chúng ta cần làm thế nào tiến tới học sinh đến trường chỉ cần laptop, một máy tính bảng, hay smartphone có thể giúp chúng tự học trên đó và có thể thay thế sách giáo khoa, vừa đỡ tốn chi phí hàng năm, vừa có thể bảo vệ rừng. Hàng năm chúng ta phải tiêu tốn hàng triệu bản sách giáo khoa cho các cấp học đồng nghĩa hàng triệu hecta rừng phải bị đốn để làm nguyên liệu sản xuất giấy để in vỡ, in sách giáo khoa”, Ths Nguyễn Sóng Hiền đề xuất.

Mỗi lớp vẫn cần quy định riêng khi sử dụng điện thoại

Khẳng định ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu trong giai đoạn 4.0, tuy nhiên, Ths Nguyễn Sóng Hiền cũng thừa nhận, sẽ khó tránh khỏi sẽ có những học sinh sử dụng điện thoại trong thời gian không được phép. Những lo sợ về việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp như chơi game, chụp hình thầy cô khi đang giảng chỉ, dẫn đến sao nhãng việc học là những mặt trái có thể xảy ra khi thiếu sự giám sát chặt chẽ của giáo viên và thiếu các quy tắc về văn hóa sử dụng không gian mạng.

Để hạn chế tình trạng này, Ths Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, cần có quy tắc cụ thể về ứng xử trên không gian mạng. Những nội dung này cần được đưa vào tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng học sinh THCS – THPT để các em sớm nhận biết được những mặt trái của sử dụng không gian mạng khi không đúng mục đích.

“Bộ GD-ĐT đã thực hiện đúng vai trò ban hành chủ trương chung. Còn việc thực hiện cụ thể, cần căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, nhà trường, lớp học để ban hành những chính sách riêng, phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh, điều kiện văn hóa, xã hội từng địa phương. Thậm chí, mỗi lớp học thầy cô cũng cần có những quy định, quy ước chung, rất cụ thể trong việc sử dụng điện thoại, laptop, máy tính bảng ra sao để hạn chế tối đa việc sử dụng không đúng mục đích”./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/can-tien-toi-hoc-sinh-su-dung-laptop-smartphone-thay-sgk-781291.vov

  • Từ khóa