Kiểm tra chuyên ngành vẫn làm khó doanh nghiệp

Thứ 7, 26.09.2020 | 13:35:39
551 lượt xem

Quy định, thủ tục trong quản lý kiểm tra chuyên ngành đang là rào cản, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Yêu cầu về cải cách quản lý kiểm tra chuyên ngành là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ đặt ra trong những năm qua. Mặc dù đã có sự chuyển biến, song những thay đổi tích cực vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi hiện tại còn nhiều vướng mắc, bất cập về quy định, thủ tục trong quản lý kiểm tra chuyên ngành đang là rào cản, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, sau thời gian triển khai, việc cải cách đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 100.000 (năm 2015), đến nay xuống còn 78.000 mặt hàng; tỷ lệ các lô hàng xuất - nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan chỉ còn 19,4%.

Kiểm tra chuyên ngành vẫn còn phiền hà cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, tính đến tháng 6 vừa qua,  đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia… Những kết quả trên phần nào thể hiện sự chuyển biến trong cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Mặc dù vậy, những thay đổi vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp đang gặp những vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu.

“Vấn đề mã số mã vạch mà chúng ta đang nói ở Nghị định 74, chúng tôi mong muốn rằng trong năm nay sửa đổi trong Nghị định 74 để thực sự có tính xây dựng, có tính pháp lý và không ngăn cản cho các doanh nghiệp xuất khẩu nữa hoặc làm khó cho xuất khẩu nữa”, ông Nam nêu ý kiến.  

Còn ông Nguyễn Quốc Huy, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam mong muốn, vấn đề HS (Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) được làm rõ nhất là về vấn đề dinh dưỡng. Bởi vì hiện nhiều văn bản hướng dẫn mâu thuẫn, nhóm thực phẩm chức năng bao gồm cả thực phẩm dinh dưỡng y tế, trong khi nhóm này thuộc nhóm khác, dẫn tới thuế suất chênh lệnh nhau, khó cho cả doanh nghiệp và hải quan khi thực thi.

Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kiến nghị, ông Huy cho biết: “Chúng tôi đã và đang kiến nghị với Tổng cục Hải quan nên có sự thống nhất với các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xuất - nhập khẩu”.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, sau cao trào cải cách trong 2 năm vừa qua, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã tăng lên hơn 120 văn bản- điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng.

Cùng với đó, chất lượng văn bản lại thường xuyên thay đổi, điều chỉnh dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh một số quy định đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng có văn bản gây trở ngại hơn. Thậm chí có quy định ở văn bản mới còn mâu thuẫn và trái ngược với quy định của pháp luật hiện hành.

“Tới đây, các Bộ cần phải có sự quan tâm hơn nữa đẩy mạnh nhanh và sớm hơn nữa các giải pháp để chúng ta cải cách các quy định, các thủ tục áp dụng các thông lệ quốc tế tốt; áp dụng trên hệ thống Cổng thông tin Một cửa Quốc gia một cách thực chất. Nhờ đó sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phải rà soát lại danh mục các mặt hàng trong diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành để chúng ta xem những mặt hàng nào thực sự cần thiết và có ý nghĩa quản lý chúng ta mới đưa vào danh mục”, bà Thảo nói.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất- nhập khẩu thực tế cho thấy yêu cầu đặt ra trong thời gian tới đó là cần tiếp tục coi trọng cải cách, đơn giản hoá, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục. Tiếp tục thực hiện cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do.

Từ đó để giúp vực dậy doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh bệnh Covid-19, cũng như góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước thời gian tới./.


Nguyễn Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/kiem-tra-chuyen-nganh-van-lam-kho-doanh-nghiep-781286.vov

  • Từ khóa