Chủ tịch Quốc hội: Quảng Ninh cần thúc đẩy khởi nghiệp, ưu tiên đổi mới

Thứ 7, 26.09.2020 | 13:35:32
654 lượt xem

Sáng nay, tại Quảng Ninh, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Đại hội Đại biểu lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 với chủ đề: Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển".

Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự hội nghị, cùng tham dự có  Ủy viên Bộ Chính trị, Hoàng Trung Hải, Phó Trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội 13 của Đảng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Tô Huy Rứa; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình;  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các Ủy viên Trung ương Đảng và 350 đại biểu đại diện cho 102.533 đảng viên trong tỉnh. 

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.

Báo cáo chính trị trước đại hội, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đảng, hệ thống chính trị gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, từ 73,3% năm 2016 lên 96,1% năm 2019.

Triển khai hiệu quả việc sáp nhập, sắp xếp giảm các đơn vị hành chính cấp xã tốt. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Tăng cường thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại 3/13 đơn vị cấp huyện, 119/177 đơn vị cấp xã; bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 100% đơn vị cấp huyện và 150/177  đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình 100% bí thư cấp ủy đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “dân tin, đảng cử”. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển cạnh tranh công khai, minh bạch, dân chủ.

Về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 211.476 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015.

Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ có bước phát triển đột phá thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế; là địa phương đi đầu triển khai có hiệu quả hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư; là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc.

Với 3 bước đột phá ba năm liên tục từ năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng đầu cả nước; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) luôn đứng ở nhóm dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục tiến bộ về điểm số và thứ hạng.

Cho đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15 chỉ tiêu quan trọng trên 17 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra.

Về tầm nhìn định hướng phát triển đến năm 2030 và năm 2045, đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD.

Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh cùng các đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh cùng các đại biểu.

Về quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Quảng Ninh sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, tầm nhìn; đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa, đổi mới và phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - Nguyễn Xuân Ký cho biết: "Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển: “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ."

Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua. Bộ Chính trị cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã nêu trong báo cáo chính trị.

Chủ tịch Quốc hội thăm quan triển lãm các mặt hàng của tỉnh Quảng Ninh.

Chủ tịch Quốc hội thăm quan triển lãm các mặt hàng của tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chỉ ra những mặt còn hạn chế của Quảng Ninh đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; hiệu quả của khu vực đầu tư nước ngoài còn thấp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa có nhiều đột phá. Năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế; còn thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là khâu tổ chức thực hiện. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, kiểm tra, giám sát, kỷ luật chưa thật ngang tầm nhiệm vụ, chưa đồng đều, nhất là ở cấp cơ sở.

Từ những bất cập, hạn chế đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: "Quảng Ninh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn chiến lược; đẩy mạnh thực thi quy hoạch phát triển, các khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển nhanh dịch vụ, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Giải quyết đồng bộ và hiệu quả các mối quan hệ, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Khơi dậy và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế riêng có của Quảng Ninh để tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy khởi nghiệp, ưu tiên đổi mới, sáng tạo với sự đột phá mà xung lực là khoa học công nghệ; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững".

Tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng phát triển. Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, bao hàm nội lực và ngoại lực của các thành phần kinh tế, phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng. Thực hiện tốt hơn công tác thẩm định năng lực nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; tận dụng những chính sách mới về ưu đãi đầu tư đặc biệt trong Luật Đầu tư (sửa đổi), lựa chọn đầu tư có chọn lọc phù hợp với Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, bảo đảm an ninh kinh tế và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo, tỉnh Quảng Ninh phải bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương Tổ quốc. Xây dựng xã hội trật tự, an toàn, dân chủ gắn với giữ vững kỷ cương, thượng tôn pháp luật. Mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại, tạo môi trường, thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội vừa giữ vững chủ quyền biên giới và biển, đảo quốc gia vừa tăng cường hợp tác, cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ và thống nhất với xây dựng và nâng cao năng lực, hiệu lực quản trị của chính quyền các cấp trong tổng thể xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong  muốn: "Các cơ quan Nhà nước, mọi công chức, viên chức phải đặt mình vào hoàn cảnh của Nhân dân để lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết kịp thời lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, sao cho thấu tình, đạt lý, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của Nhân dân. Đây là thước đo danh dự và uy tín của mỗi tổ chức và từng con người trong bộ máy Nhà nước, như Cụ Nguyễn Trãi đã nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Đây chính là cái gốc của mọi sự ổn định và là nhân tố quyết định mọi sự phát triển lâu dài và bền vững".

Nhấn mạnh, cùng với việc thảo luận các văn kiện, công tác nhân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, như lời Bác Hồ đã khẳng định, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Đại hội tập trung trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng và sáng suốt lựa chọn bầu được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV có cơ cấu hợp lý, bảo đảm tính kế thừa, liên tục phát triển, gồm những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một tập thể thực sự đoàn kết, vững mạnh, thống nhất, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội./.


Lê Tuyết/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-quang-ninh-can-thuc-day-khoi-nghiep-uu-tien-doi-moi-781435.vov

  • Từ khóa