Lưu giữ Trung thu truyền thống qua chiếc đèn cù

Chủ nhật, 27.09.2020 | 14:14:55
2,367 lượt xem

Để làm đèn cù, tất cả công đoạn phải thực hiện thủ công, từ chẻ nứa, vót nan cắm vào bánh xe, dán giấy bóng kính, vẽ họa tiết...

Đèn cù là một trong những món đồ chơi truyền thống mỗi dịp rằm tháng tám. Sở dĩ đèn có tên như vậy vì khi di chuyển, nó có thể quay như cái cù (con quay - một loại đồ chơi ngày xưa). Theo lời nghệ nhân, đèn này còn được gọi là đèn ông sư, vì chao đèn trông giống hình dạng chiếc mũ của các vị hòa thượng.

Những chiếc đèn cù được bày bán ở phố Hàng Mã. Ảnh: Ngân Dương

Những chiếc đèn cù được bày bán ở phố Hàng Mã. Ảnh: Ngân Dương.

Cần khá nhiều công đoạn để làm một chiếc đèn cù như chẻ nứa, tiện bánh xe, uốn và trang trí chao đèn. Chao đèn có 6 cánh, được dán giấy bóng kính màu, thường là 2 màu vàng, 2 màu đỏ, 1 màu xanh và 1 màu tím. Việc dán giấy cần sự khéo léo, tỉ mỉ. Lượng hồ phải vừa đủ, phết với lực nhẹ và dùng tay kéo căng, sau đó miết tay nhẹ ở các góc thì đèn mới đẹp. Sau khi hồ đã khô khoảng 5 phút, đèn được vẽ sơn trang trí, với 2 họa tiết chính là hoa đồng tiền và bó lúa, tượng trưng cho văn hóa Việt Nam.

Cuối cùng, nghệ nhân cài then ngang qua chao đèn, buộc lõi dây thép và cắm đế đèn vào một bánh xe gỗ bên dưới. Đây cũng là công đoạn khó nhất bởi nếu cắm không chuẩn, khi sử dụng đèn sẽ bị tuột. Đèn cù có thể quay được nhờ bánh xe một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất. Cán đèn được làm từ cây đay khô dài khoảng 1m, được vót thẳng rồi dán giấy màu xung quanh. Với người có kinh nghiệm, một chiếc đèn sẽ được hoàn thành trong khoảng 20 phút.

"Gần như các công đoạn đều phải làm bằng tay. Sử dụng máy móc sẽ đẹp và nhanh hơn nhưng không có hồn", anh Đỗ Hữu Thăng, con trai ông Đỗ Xuân Kỳ - nghệ nhân làm đèn cù gần 50 năm, cho biết. Anh là thế hệ thứ ba trong gia đình hiếm hoi còn làm đèn cù tại huyện Thường Tín, Hà Nội.

Anh Hữu Thăng (áo trắng) hướng dẫn các công đoạn làm đèn cù trong sự kiện trung thu của Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (VEO). Ảnh: Ngân Dương

Anh Hữu Thăng (áo trắng) hướng dẫn các công đoạn làm đèn cù trong sự kiện trung thu của Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (VEO). Ảnh: Ngân Dương.

Khi chơi, trẻ em thường cắm nến vào giữa chao đèn, cầm cán đẩy đèn trên mặt đất. Ánh sáng chiếu qua giấy bóng kính khi đèn xoay tròn sẽ tạo ra hiệu ứng lấp lánh trên mặt đất.

Trong ký ức của nhiều người, vào mỗi mùa Trung thu, trẻ em khắp các phố phường lại kéo những chiếc đèn cù vừa chạy, cười đùa ríu rít... "Ngày xưa đồ chơi chỉ có đèn ông sao và đèn cù. Mình vẫn nhớ bạn nào có đèn cù là xịn lắm, vì nó có thể đẩy và xoay được. Hội trẻ con trong khu tập thể thường tập trung lại vào đêm rằm để cùng phá cỗ và đua đèn cù từ đầu ngõ đến cuối ngõ", chị Minh Châu (27 tuổi), sống tại Hà Nội, chia sẻ.

Ngày nay, đèn cù vẫn được sản xuất và bày bán vào dịp Trung thu, nhưng với số lượng không nhiều. Tại phố Hàng Mã, món đồ chơi này được bày bán với giá khoảng 30.000 đồng một chiếc. Ngoài ra, những năm gần đây, một số nơi như Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng thành Thăng Long... cũng mời nghệ nhân đến chia sẻ và hướng dẫn du khách làm đèn cù. Đây cũng là cách để góp phần lưu giữ món đồ chơi này.

Các bạn nhỏ chơi với đèn cù sau khi tham gia trải nghiệm làm đèn. Ảnh: Volunteer for Education

Các bạn nhỏ chơi với đèn cù sau khi tham gia trải nghiệm làm đèn. Ảnh: Volunteer for Education

"Ngày càng có nhiều đồ chơi hiện đại, màu mè bắt mắt nên đèn cù không được trẻ em biết đến nhiều. Song gần đây, mọi người có xu hướng trở lại với đồ chơi truyền thống. Dù sức mua không nhiều, mong muốn của gia đình tôi là tiếp tục gìn giữ, giới thiệu sản phẩm truyền thống này đến với trẻ em", anh Hữu Thăng chia sẻ.


Ngân Dương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/luu-giu-trung-thu-truyen-thong-qua-chiec-den-cu-4164831.html

  • Từ khóa