Ngân hàng rầm rộ rao bán tài sản nghìn tỷ để thu hồi nợ

Thứ 2, 28.09.2020 | 15:30:56
632 lượt xem

Loạt tài sản hàng trăm đến nghìn tỷ như tàu biển, trường học, trung tâm tiệc cưới… đang được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ nhưng đỏ mắt chờ người mua.

Trong tháng 9, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) có gần chục khoản nợ và tài sản đảm bảo có giá trị lớn từ vài trăm đến hơn nghìn tỷ đồng, được rao bán hoặc trong quá trình chọn đơn vị đấu giá. Trong số đó, có nhiều tài sản, khoản nợ đã được nhà băng này rao bán nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có người mua.

Mới nhất, BIDV thông báo tìm tổ chức đấu giá cho khoản nợ của Công ty vận tải Biển Đông (Bisco) với tài sản đảm bảo là tàu Biển Đông Victory và trụ sở công ty. Trong dự án đồng tài trợ vốn vay cho Bisco do Agribank làm đầu mối, BIDV đã tài trợ nguồn vốn hơn 10,3 triệu USD (hơn 200 tỷ đồng) cho doanh nghiệp này.

Bisco là doanh nghiệp nhà nước trước đây thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin. Sau khi Vinashin tái cơ cấu, Bisco được chuyển nguyên trạng sang Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tàu Biển Đông Victory. Ảnh: Marinetraffic.

Tàu Biển Đông Victory. Ảnh: Marinetraffic.

Bên cạnh đó, BIDV cũng rao bán nhiều khoản nợ có giá trị khá lớn như khoản nợ của Công ty Việt Can và Doanh nghiệp tư nhân Như Ý hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là khoản nợ được BIDV rao bán lần thứ 9 nhưng chưa thành công.

Nhà băng này cũng bán một số khoản nợ khác của Công ty thức ăn chăn nuôi Trung ương với dư nợ gốc hơn 127 tỷ, bán đấu giá lần 6 khoản nợ của Công ty du lịch thương mại nông nghiệp Việt Nam với dư nợ gốc hơn 330 tỷ, khoản nợ của Công ty thương mại và xây dựng Nam Sơn với giá khởi điểm gần 180 tỷ.

Ngoài ra, trung tâm tiệc cưới Crystal Palace cũng được BIDV đem ra đấu giá trong tháng này với giá khởi điểm hàng trăm tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng là nhà băng đang rao bán nhiều khoản nợ và tài sản có giá trị trên trăm tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Gần đây, SCB bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc một dự án chung cư chậm tiến độ với giá khởi điểm hơn 2.350 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn gần 180 tỷ so với giá khởi điểm trong lần đầu chào bán.

Dự án này là biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long tại quận 7, TP HCM, do Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC) làm chủ đầu tư. Khu biệt thự cao cấp đang bị rao bán này là một trong các dự án chậm tiến độ của BMC ở nhiều tỉnh thành.

Biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long được SCB rao bán cách đây một tháng. Ảnh: SCB.

Dự án chung cư và biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long được SCB rao bán cách đây một tháng. Ảnh: SCB.

Ngoài dự án giá trị vài nghìn tỷ này, SCB cũng bán một số tài sản có giá trị vài trăm tỷ như quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của trường cao đẳng Sài Gòn (Saigontech) với giá khởi điểm hơn 190 tỷ hay kho phước Sơn tại Bình Dương có giá hơn 830 tỷ đồng.

Nhiều nhà băng khác trên thị trường cũng rao bán các tài sản hay khoản nợ giá trị lớn để thu hồi nợ. Cụ thể, trong tháng 9, "ông lớn" Vietcombank phát mại bất động sản nhà xưởng sản xuất gạo tại tỉnh An Giang với giá khởi điểm hơn 220 tỷ đồng, tài sản gắn liền với đất thuộc nhà máy luyện Feromangan chiêm hoá tại cụm công nghiệp An Thịnh, Tuyên Quang giá gần 200 tỷ.

Hay như Sacombank, sau lần đầu đấu giá thất bại, nhà băng này tiếp tục bán khu đất thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Tân Phong với giá khởi điểm 355 tỷ...

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua đã tạo cơ chế để xử lý nhanh nợ xấu cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, giới trong ngành cho biết, không hề dễ để các nhà băng thanh lý những tài sản có giá trị lớn. Một lãnh đạo nhiều năm trong lĩnh vực xử lý nợ cho biết, rao bán những tài sản như nhà xưởng, khu công nghiệp, khách sạn hay trường học... khó hơn nhiều so với thanh lý ôtô hay bất động sản nhà ở giá trị thấp.

Quy định cũng hạn chế đối tượng được phép mua những tài sản giá trị lớn như khu công nghiệp, dự án của doanh nghiệp nhà nước... Cá nhân hay tổ chức đăng ký phải có lĩnh vực và điều kiện tài chính phù hợp để tiếp nhận tài sản mà ngân hàng đấu giá.

Bên cạnh đó, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng từng chia sẻ rằng, một trong những yếu tố khiến ngân hàng trầy trật rao bán nợ, nhất là những khoản nợ trị giá lớn là do năng lực thẩm định giá còn hạn chế trong khi quy định chỉ cho phép điều chỉnh giá khởi điểm 5-10% trong một lần đấu gía tiếp theo.

"Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 công ty định giá, gồm một công ty thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các công ty này đều hoạt động một cách thiếu độc lập và năng lực còn hạn chế", ông nói.


Quỳnh Trang/vnexpress.net

https://vnexpress.net/ngan-hang-ram-ro-rao-ban-tai-san-nghin-ty-de-thu-hoi-no-4167949.html

  • Từ khóa