Cần tìm kiếm các nguồn nhập khẩu với chi phí hợp lý, ổn định, và đầu tư có trọng điểm cho việc khai thác các nguồn năng lượng trong nước.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào năm 2035. Những diễn biến này đang có phần tác động tới mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước.
Trên thực tế, từ năm 2015 đến nay Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng với khối lượng nhập khẩu than ngày càng tăng. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm nay đến hết ngày 15/9, Việt Nam đã nhập khẩu trên 42,5 triệu tấn than với tổng trị giá trên 2,94 tỷ USD. Con số này chỉ kém một ít so với lượng nhập khẩu gần 43,8 triệu tấn than của cả năm 2019.
Trong khi đó, Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 (theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016) cũng nêu rõ, nhu cầu than của cả nước trong năm nay lên đến 86,4 triệu tấn. Sản lượng than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn; xi măng 6,2 triệu tấn; phân bón, hóa chất 5 triệu tấn; luyện kim 5,3 triệu tấn; các đối tượng khác 5,8 triệu tấn.
Để đáp ứng nhu cầu, trong năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu từ 36,4-39,4 triệu tấn than.
Nhu cầu lớn là vậy, song Quy hoạch này cũng chỉ rõ, sản lượng khai thác than trong nước năm nay ước tính đạt từ 47-50 triệu tấn. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu, trong năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu từ 36,4-39,4 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, tính trung bình Việt Nam nhập khẩu trên 5 triệu tấn than/tháng. Nếu vẫn duy trì con số nhập khẩu bình quân này, dự tính sản lượng than nhập khẩu cả năm khoảng hơn 60 triệu tấn, vượt xa dự tính.
Không chỉ có than, nguồn năng lượng khí cũng dần theo chiều hướng phụ thuộc nhập khẩu. Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2010-2019, sản lượng khí khai thác về bờ phục vụ cho các hộ tiêu thụ luôn duy trì mức 8,5-10,2 tỷ m3 khí/năm.
Sản lượng khí này đến nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Theo kế hoạch các mỏ khí lớn như Cá Voi Xanh được đưa vào khai thác từ năm 2024, mỏ khí Lô B đưa vào khai thác từ năm 2023 thì sản lượng khí khai thác về bờ từ năm 2020-2030 được duy trì ở mức từ 11-16 tỷ m3/năm.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nhà máy điện khí tới năm 2030 của Việt Nam đạt trên 27.000 MW. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022 (sản lượng khí Đông Nam Bộ sẽ suy giảm rất nhanh từ mức 11 tỷ m3 năm 2022 giảm xuống còn gần 3 tỷ m3 năm 2030), Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho sản xuất điện. Lượng LNG nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Một số chuyên gia nhìn nhận, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc ngày càng phải nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ giảm khả năng tự chủ về năng lượng của Việt Nam, làm tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Để đảm bảo an ninh năng lượng, một mặt cần tìm kiếm các nguồn nhập khẩu với chi phí hợp lý và ổn định, mặt khác cần đầu tư có trọng điểm cho việc khai thác các nguồn năng lượng trong nước.
Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho sản xuất điện.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đảm bảo an ninh năng lượng thì nguồn và hạ tầng nhập khẩu năng lượng cần hết sức quan tâm.
“Nhu cầu nhập khẩu than trong nước rất lớn nhưng đến nay Việt Nam chưa có cảng trung chuyển than thực sự, việc phối trộn than để đảm bảo chất lượng đến nay cũng chưa đảm bảo. Lượng khí hiện nay phần lớn được cung cấp cho phát điện nhưng hệ thống phân phối lại khá tách biệt, thiếu liên kết. Thời gian tới nếu xem xét cung cấp khí cho các khu công nghiệp, các năng lượng khác cần có đường trộn và hệ thống phân phối khí như các nước phát triển. Muốn nhập khẩu khí LNG thì trong nước lại đang chưa có cảng LNG với quy mô”, ông Anh chỉ ra những khó khăn.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tỷ lệ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, do sản lượng xuất khẩu giảm mạnh và nhập khẩu than tăng mạnh.
“Nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dần cạn kiệt, đã đẩy Việt Nam vào tình thế ngày càng phụ thuộc nguồn nhập khẩu, đặc biệt là than và khí. Điều này đặt ra không ít nỗi lo giảm tính tự chủ trong đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai”, TS. Nguyễn Ngọc Hưng lo ngại./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tang-nhap-khau-than-va-khi-lam-giam-kha-nang-tu-chu-ve-nang-luong-782149.vov