Cơ cấu lại vùng sản xuất cây ăn quả lớn của miền Bắc và cả nước

Thứ 4, 30.09.2020 | 15:07:42
888 lượt xem

Nhiều địa phương ở phía Bắc đặt mục tiêu xuất khẩu tỷ USD các mặt hàng cây ăn trái.

Sáng 29/9, tại Sơn La, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miến núi Bắc Bộ gia đoạn 2021 – 2025”.

Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, là vùng sản xuất cây ăn quả lớn của miền Bắc và cả nước.

Ông Lê Văn Đức – Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2019, tổng diện tích cây ăn quả vùng TDMNPB đạt khoảng 247.900 ha. Tại miền Bắc, TDMNPB là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm 59,11% diện tích cây ăn quả toàn miền (419.300 ha). So cả nước, TDMNPB là vùng cây ăn quả lớn thứ hai (23,23% so cả nước), chỉ sau vùng ĐBSCL (33,83%).

Hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miến núi Bắc Bộ gia đoạn 2021 – 2025”

Trong nhóm các loại quả chủ lực phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, vùng TDMNPB có 8 loại quả có đóng góp đáng kể gồm vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na và dứa; với tổng diện tích đạt 185.960 ha, chiếm 28,27% so cùng nhóm loại quả của cả nước và chiếm hơn 75% tổng diện tích cây ăn quả vùng TDMNPB. Các cây vải, cam hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu cây ăn quả vùng TDMNPB (lần lượt là 14,18% và 14,05% tổng diện tích cây ăn quả của vùng), tiếp đến là nhóm cây chuối, nhãn, bưởi và dứa.

Một số cây ăn quả hàng hóa mới, được quan tâm phát triển, gia tăng mạnh quy mô sản xuất tại một số địa phương như bơ có diện tích 1.300 ha (chiếm 6,3% so cả nước), tăng 96,7% so năm 2017; tập trung chủ yếu tại tỉnh Sơn La (1.070 ha). Chanh leo diện tích 2.190 ha (chiếm 21% so cả nước), tăng 140,5% so năm 2017; tập trung chủ yếu tại tỉnh Sơn La (2.020 ha).

Cho đến nay, nhiều tiến bộ kĩ thuật mới được nghiên cứu, áp dụng thành công đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ sản xuất cây ăn quả trong thời gian qua. Hàng trăm cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển công nhận chuyển giao cho sản xuất ở nhiều địa phương. Nhiều giống cây ăn quả mới được chọn, tạo chuyển giao kịp thời cho sản xuất như vải chín sớm, nhãn chín sớm/chín muộn, cam chín sớm/chín muộn, cam không hạt, hồng không hạt, chanh leo, bơ,…

Đồng thời, với sự quan tâm của các địa phương trong ứng dụng cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác rải vụ đã và đang hình thành rõ nét trong sản xuất cây ăn quả tại nhiều địa phương, góp phần thuận lợi cho tiêu thụ tươi và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tại nhiều vùng tập trung, thời vụ thu hoạch cam, bưởi hiện kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2, 3 năm sau; vải từ tháng 5 tới nửa đầu tháng 7; nhãn từ giữa tháng 7 tới cuối tháng 9, đầu tháng 10... Đơn cử như sự phát triển nông nghiệp Sơn La như một hiện tượng đã được Trung ương và các tỉnh bạn nhắc tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vùng TDMNBB đạt được những kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững, với các thế mạnh về cây công nghiệp, cây ăn quả, lâm nghiệp. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng hàng hóa, chú trọng chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng; giá trị, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông sản dược liệu được quan tâm phát triển.  

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm hơn; trở thành vùng trọng điểm về lâm nghiệp cả nước. Nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị nông sản; thu nhập ngày càng tăng, đời sống không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ, cơ cấu lại ngành và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa trở thành phổ biến. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp; làm cho giá trị, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn chế.

Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các vùng khác của cả nước và gấp 3 lần so với mức trung bình toàn quốc. Kết quả xây dựng nông thôn mới chênh lệch khá lớn so với các vùng khác, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm quan gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản Sơn La.

Từ chia sẻ của các địa phương cho thấy, để nông nghiệp phát triển, khắc phục những yếu kém thời gian qua cần sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

Cùng với đó, cần đổi mới tư duy chiến lược, chuyển dần sang sản xuất kinh doanh theo tín hiệu của thị trường cả trong nước và thế giới. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là bước thay đổi hẳn về chất của tăng trưởng ngành, chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu; xác định đúng vai trò nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng./.


An Nhi/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/co-cau-lai-vung-san-xuat-cay-an-qua-lon-cua-mien-bac-va-ca-nuoc-782262.vov

  • Từ khóa