Sáng 1-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể thứ 17 để thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự phiên họp có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội chủ trì phiên họp. Cùng dự có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng; Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng và các thành viên UBQPAN của Quốc hội.
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội cho biết, UBQPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. UBQPAN đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong một thời gian, tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá tính khả thi trước khi ban hành Luật.
Dự thảo báo cáo thẩm tra cũng nêu ra một số ý kiến về dự án Luật. Trong đó, đề nghị bổ sung quy định để làm rõ nội dung quy hoạch trong xây dựng và bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đề nghị không tuyển chọn vào lực lượng đối với những người đang tham gia dân quân tự vệ, người đã được sắp xếp lực lượng dự bị động viên để tránh chồng chéo trong việc huy động, sử dụng lực lượng, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ. Để việc huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm đúng nguyên tắc và mục đích, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền huy động cũng như điều kiện, quy mô, phạm vi huy động. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức, mức độ thực hiện nhiệm vụ; xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, tránh xảy ra lạm quyền, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật. Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị, cần có chế độ, chính sách phù hợp đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để lực lượng này bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; huy động nguồn lực của xã hội kết hợp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò quan trọng, liên quan tới trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, tác động tới đời sống của nhân dân. Do đó, cần nghiên cứu, chuẩn bị, đánh giá tác động kỹ lưỡng, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ lưu ý, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để thiết kế các điều luật bám sát thực tiễn, xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với vai trò là lực lượng quần chúng, tự nguyện, tránh việc chính quy hóa, làm thay cho lực lượng chính quy, chính quyền địa phương. Cần rà soát kỹ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này liên quan tới quyền con người, quyền công dân, như: Nắm thông tin về nhân khẩu, dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh, tham gia bắt người phạm tội, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật, trật tự giao thông,… Đồng thời, bổ sung thêm trách nhiệm, làm rõ quy trình, cách thức, phương thức thực thi nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả trong bảo đảm an ninh trật tự, tránh lạm quyền. Rà soát chế độ, chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng kinh phí, trụ sở làm việc để bảo đảm tính khả thi phù hợp với tính chất tự nguyện, không thường xuyên của lực lượng này.
Trên cơ sở những ý kiến thảo luận tại phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị, UBQPAN hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức, trình dự án Luật tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV tới đây theo đúng quy trình.
Tin, ảnh: NGUYỄN VŨ/qdnd