Sắp ra mắt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn

Thứ 7, 03.10.2020 | 08:26:41
517 lượt xem

Ứng dụng sẽ ra mắt trong đầu tháng 10 giúp du khách dễ dàng cập nhật độ an toàn, tra cứu thông tin điểm đến, dịch vụ và chính sách.

Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam hiện có 43,7 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và trong top 15 những nước có lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. Đó là một trong những tiền đề chủ chốt, thúc đẩy ra đời ứng dụng di động Du lịch Việt Nam an toàn.

Ứng dụng này được Tổng cục Du lịch kết hợp VietSens nghiên cứu thực hiện, tích hợp đầy đủ tính năng nhằm phục vụ yêu cầu của du khách, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước. Người dùng khi sử dụng có thể tra cứu mức độ an toàn tại điểm sắp đến, xem bản đồ số để biết mức độ cảnh báo an toàn, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi...) và cập nhật thông tin mới nhất về điểm đến cũng như chính sách của ngành du lịch.

Điểm nổi bật của app "Du lịch Việt Nam an toàn" là du khách và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch có thể trực tiếp tương tác với nhau trên hệ thống để kiểm tra thông tin, mức độ an toàn theo các tiêu chí đã đăng ký. Đồng thời hai bên có thể đánh giá lẫn nhau khi kết nối trên hệ thống. Mỗi lượt đánh giá chỉ thực hiện duy nhất trong một lần sử dụng dịch vụ nên sẽ loại trừ được trường hợp đánh giá "ảo".

Phát biểu tại diễn đàn "Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam" ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay: 10 ngày nữa ứng dụng này sẽ được ra mắt để thúc đẩy quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn. Qua đó sẽ tương tác nhiều hơn tới du khách trong và ngoài nước, tạo đà thu hút khách vào các tháng cuối năm và năm sau.

Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Ảnh: Tổng cục Du lịch


Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Ảnh: Tổng cục Du lịch

Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự báo năm 2020, Covid-19 có thể làm khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70%, khách nội địa giảm 50% và khách đi nước ngoài giảm 85% dẫn tới doanh thu giảm trên 61% so với năm 2019. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược để nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng trở lại khi đại dịch được kiểm soát. Chuyển đổi số một cách toàn diện là một phần của chiến lược này.

Cũng tại diễn đàn ngày 30/9, Thứ trưởng đã yêu cầu Tổng cục Du lịch triển khai ngay 5 giải pháp: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho marketing du lịch; quản lý điểm đến du lịch một cách thông minh; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu big data phải lớn để sử dụng chung; kêu gọi các doanh nghiệp cùng phát động, hưởng ứng; lan tỏa công nghệ số đến với mọi cấp mọi ngành, để ai cũng có thể sử dụng, nhằm hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam.

Theo ông Ngô Minh Đức, tổng giám đốc Gotadi: Chuyển đổi số là quá trình đắt đỏ, không dễ dàng, cần nhận thức và cả sự bảo hộ của chính phủ. Nền tảng của Việt Nam rất khó so sánh với các nước có nền công nghiệp mạnh nên còn cần tạo cộng đồng liên kết mạnh hỗ trợ lẫn nhau.

Sau thời gian khảo sát xu hướng, thói quen của khách hàng trong nước, công ty này nhận thấy số người dùng thiết bị thông minh tăng cao, công nghệ và internet phát triển rất nhanh nhưng chỉ có 7% khách hàng tự tin đặt vé trực tuyến, phần còn lại vẫn nhờ người hỗ trợ. Để giải quyết vấn đề của 93% khách hàng chưa mua vé máy bay hay đặt phòng khách sạn trực tuyến, công ty chọn giải pháp phát triển mạng lưới đại lý cá nhân.

Để thay đổi thói quen người dùng quay về với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước như Gotadi không dễ dàng. Ông Đức cho hay, công ty đang tăng cường quảng bá qua các kênh khác như kết hợp với Alpha Books để hình ảnh công ty xuất hiện trên hàng trăm nghìn cuốn sách, người mua sách có mã số đặt hàng rẻ hơn trên Gotadi. Trong thời gian tới, công ty ông Đức sẽ hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, cà phê... để không chỉ người mua sách mà cả khách uống cà phê, mua bảo hiểm, dùng dịch vụ ngân hàng cũng nhận ưu đãi tương tự.

Theo ông Vũ Văn Tuyên, giám đốc TravelLogy, doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty ông ảnh hưởng rất nhiều vì Covid-19 nhưng đại dịch cũng giúp công ty nhận ra yếu điểm về công nghệ. Nhận thức điều đó nên từ đầu năm, công ty bắt đầu tăng cường chuyển đổi số để lấy lại phong độ. Tuy nhiên, để thu hút du khách sau Covid-19 rất khó khăn, ông Tuyên mong muốn chính phủ, các hiệp hội du lịch hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ về mặt tài chính mà cả đào tạo về chuyển đổi số theo định hướng rõ ràng hơn.


Khánh Trần/vnexpress.net

https://vnexpress.net/sap-ra-mat-ung-dung-du-lich-viet-nam-an-toan-4169717.html

  • Từ khóa