Năm đầu áp dụng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên đuối sức vì nhịp độ bài học khá nhanh, học sinh không kịp nhớ mặt chữ.
Gần một tháng sau khai giảng, cô Hạnh (30 tuổi, giáo viên một trường ngoại thành TP HCM) cảm nhận rõ sách giáo khoa mới, nhất là môn Tiếng Việt, có rất nhiều kiến thức hơn chương trình cũ. Trường hiện sử dụng sách Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên Xã hội ở bộ Cánh diều; các môn còn lại ở bộ Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống.
Tại chương trình sách giáo khoa cũ, mỗi ngày với 2 tiết Tiếng Việt, học sinh học 2 âm cùng 4-5 từ đơn giản, một câu ngắn gọn. Nhưng với chương trình mới, các em phải vừa nhận diện âm, đọc tiếng và đọc từ, học các mẫu câu ngắn rồi ghép thành đoạn đối thoại, đoạn văn 3-4 câu.
Trong những tuần đầu, học sinh thường xuyên nhầm lẫn các chữ d với đ, e với ê, o và ô... do không có nhiều thời gian để ghi nhớ, giáo viên cũng không đủ thời gian sửa lỗi. Trong phiếu học tập phát cho phụ huynh mỗi tuần, cô phải liệt kê bài học với các chữ cái, vần để cha mẹ kèm thêm cho con ở nhà.
Ngoài việc sách mới có khối lượng kiến thức nặng hơn, cô Hạnh còn gặp áp lực từ sĩ số lớp đông và trình độ học sinh không đồng đều. "Lớp có 40 em thì 30 em đã biết đọc trước đó, còn lại chưa sõi mặt chữ. Tôi phải dạy đúng theo chương trình, vừa phải kèm các em chưa biết chữ, vừa phải làm sao cho các em còn lại tập trung", cô nói.
Sách Tiếng Việt của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Thanh Hằng.
Tương tự, tại Gia Lai, cô Lan (45 tuổi, giáo viên trường tiểu học) cho biết nhịp độ bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống khá nhanh, khiến cả cô và trò phải vất vả chạy theo. Chỉ trong một tháng đầu, học sinh phải hoàn thành bảng chữ cái. Chương trình nặng, học sinh đông, nên rất cần sự hợp tác của phụ huynh.
"Các bộ sách gần như thiết kế cho học sinh phải biết chữ trước, các em chưa biết chữ rất khó theo kịp chương trình. Mà trò đuối thì cô cũng đuối. Dạy các em đúng chương trình đã vất vả rồi, kèm cặp từng em yếu là điều rất khó", cô giáo với 20 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Trong khi đó, hiệu phó chuyên môn một trường tiểu học ở TP HCM cho rằng sách giáo khoa mới "hơi nặng với giáo viên" vì hai nguyên nhân: nhịp độ bài học khá nhanh so với một học sinh lớp 1 và giáo viên còn lúng túng khi tiếp cận cái mới.
Theo bà, phần lớn trẻ đã được làm quen với chữ cái và các phép tính đếm trong phạm vi 10 ở bậc mầm non. Nhưng các em chủ yếu học theo tinh thần "học mà chơi", không nặng nề kết quả đạt được. Trong khi với lớp 1, các em phải vào môi trường mới, việc học nghiêm chỉnh hơn. Do đó, sách giáo khoa cần chậm rãi để các em làm quen dần.
Tuy nhiên, ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông mới là sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh" mà chỉ là một nguồn tư liệu chính cho việc dạy học. Giáo viên có thể soạn giáo án theo phương pháp riêng, sử dụng tranh ảnh minh họa, nguồn tư liệu trực tuyến... để dạy cho học trò, miễn đảm bảo được yêu cầu chương trình.
"Năm học mới đã bắt đầu một tháng, guồng máy đã chạy, không thể thay đổi sách hay chương trình nên giáo viên phải chủ động, sáng tạo để khắc phục", bà nói.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1 trong buổi học đầu tiên năm học 2020-2021. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nghiên cứu kỹ các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới ban hành, ông Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho rằng cần một thời gian dài hơn mới có thể đánh giá chương trình nặng hay nhẹ. Giống như 20 năm trước, lần thay đổi chương trình năm 2000, dư luận cũng phản ứng tương tự với sách mới nhưng rồi mọi việc dần ổn định.
Ông Điệp phân tích, với chương trình và sách giáo khoa cũ, giáo án của giáo viên qua các năm không thay đổi nhiều. Ở mỗi giờ học, giáo viên nắm rõ những phản ứng (tiếp thu dễ hoặc khó tiếp thu) của học sinh với từng bài học, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Trong khi, với sách giáo khoa mới, tiết dạy của thầy cô cũng là lần đầu, phản ứng của học sinh với bài học cũng tương tự. Cả cô và trò đều bỡ ngỡ là điều dễ hiểu.
"Khi chạy một chiếc xe máy cũ, gắn bó lâu năm, người ta biết rõ từng thao tác với nó để điều khiển trơn tru. Trong khi với chiếc xe mới, phải mất một thời gian mới có cảm giác này. Nó tương tự như việc giáo viên từ một bộ sách cũ chuyển sang một bộ sách mới", ông ví von.
Theo ông Điệp, giáo viên cần phải bình tĩnh và kiên trì trước những em yếu, bởi càng gây áp lực, các em càng chán nản và sợ học. Các em sẽ mang tâm lý này về nhà, gây sự lo ngại cho phụ huynh.
Nội dung bài 2 sách Tiếng Việt, bộ sách Cánh diều. Ảnh: sachcanhdieu.com
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III chiều 30/9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Giáo dục tiểu học) cho biết, chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rất rõ ràng.
Ở môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ một phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. Các sách giáo khoa Tiếng Việt đã được thẩm định cũng dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra để thiết kế cho phù hợp nhằm đi đến cái đích đó.
So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn.
Tuy nhiên, chương trình mới được điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt và xem đó là điều kiện để học các môn khác. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, các em học môn Tiếng Việt rất nhiều.
Ông Tài cho rằng, nếu so sánh lớp 1 năm ngoái và năm nay sẽ dễ có đánh giá chương trình mới nặng nhưng thực tế không phải vậy. Chương trình mới bố trí cho các em thông thạo đọc, viết rồi mới học các môn khác ở giai đoạn sau.
Mạnh Tùng/vnexpress.net
https://vnexpress.net/giao-vien-lop-1-duoi-vi-sach-giao-khoa-moi-4170177.html