Kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V để tăng tốc, bứt phá

Thứ 7, 03.10.2020 | 08:25:00
474 lượt xem

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều tối nay (2/10), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế Việt Nam quý III có nhiều điểm sáng, tăng trưởng đã đạt 2,62%, cao hơn mức 0,39% của quý II.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ đặt quyết tâm năm 2020 kinh tế tăng trưởng từ 2,5-3%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ đặt quyết tâm năm 2020 kinh tế tăng trưởng từ 2,5-3%.

Ông Mai Tiến Dũng dẫn bình luận của Thủ tưởng Chính phủ cho rằng kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V và đang dần phục hồi. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế hiếm hoi ở Đông Nam Á tăng trưởng dương.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, điểm sáng kinh tế 9 tháng qua là xuất siêu 17 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay. Khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Trong đó, ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu trên 41 tỷ USD với 12 cơ sở, nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động.

Thu hút đầu tư nước ngoài, dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trở lại. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong quý IV và thời gian tới. Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, cầu tiêu dùng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Lao động việc làm quý 3 phục hồi , tăng 1,5 triệu người so với quý II. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng trong quý III/2020. (Ảnh minh họa)

Về tình hình thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn (ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, S&P dự báo Việt Nam tăng trưởng 11,2% trong năm 2021).

"Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài chính", ông Mai Tiến Dũng lưu ý.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm. Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm trước, thể hiện người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng./.


Trần Ngọc-Thiên Bình/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-da-vuot-qua-day-chu-v-de-tang-toc-but-pha-783019.vov

  • Từ khóa