Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, trên chiến trường chính Bắc Bộ, ta vẫn chưa nắm được quyền chủ động về chiến lược, chưa giành được ưu thế quân sự.
Để phá thế bao vây của địch, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa; giành quyền chủ động trên chiến trường chính, đẩy địch lún sâu hơn nữa vào thế phòng ngự bị động về chiến lược, tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới.
Thực hiện quyết định của Trung ương Đảng, trên cơ sở phân tích tình hình lực lượng và thế phòng thủ của địch, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định lấy Đông Khê làm trận đánh mở màn Chiến dịch Biên giới. Chọn Đông Khê làm trận then chốt mở màn chiến dịch là một quyết định sáng suốt, táo bạo của ta, bởi Đông Khê là mắt xích quan trọng nối liền với thị xã Cao Bằng và thị trấn Thất Khê. Nếu mất Đông Khê, tuyến phòng thủ Đường số 4 sẽ bị chia cắt, thị xã Cao Bằng trở nên cô lập, buộc địch phải đưa quân đến ứng cứu Đông Khê, hoặc đón quân từ Cao Bằng rút về hỗ trợ. Như vậy, việc ta chọn Đông Khê, nơi địch "tương đối yếu, nhưng lại hiểm yếu", vừa bảo đảm đánh chắc thắng trận mở đầu, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện cách "đánh điểm, diệt viện", kéo địch ra khỏi công sự để tiêu diệt.
Lực lượng tham gia chiến dịch của ta khoảng 3 vạn người, tương đương hai đại đoàn, được tổ chức thành 3 mặt trận: Mặt trận Đông Khê; mặt trận đánh quân ứng chiến ở giữa Đông Khê-Thất Khê và mặt trận phối hợp Na Sầm-Lạng Sơn.
Tiểu đoàn 253, Trung đoàn 174, đơn vị sơn pháo đầu tiên tham gia Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950. Ảnh tư liệu |
Mặt trận Đông Khê có nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê và quân dù có thể nhảy xuống quanh Đông Khê. Lực lượng gồm 2 trung đoàn độc lập (174, 209) và Trung đoàn 36 của Đại đoàn 308, 2 tiểu đoàn bộ binh (426, 11), được tăng cường 13 khẩu sơn pháo 70mm và 75mm. Mặt trận đánh quân ứng chiến ở giữa Đông Khê-Thất Khê có nhiệm vụ đánh quân ứng chiến bằng đường bộ từ phía Thất Khê lên, do Đại đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 36) đảm nhiệm. Mặt trận phối hợp Na Sầm-Lạng Sơn, lực lượng gồm 2 tiểu đoàn bộ binh (428, 888), được phối thuộc 1 đại đội công binh của bộ đội chủ lực, cùng với dân quân du kích và 2.000 dân công làm nhiệm vụ phá hoại đường giao thông, tiêu hao, quấy rối, phục kích, kiềm chế địch trên đường Thất Khê-Lạng Sơn.
Ngày 16-9-1950, ta nổ súng tiến công địch ở cụm cứ điểm Đông Khê. Quân địch dựa vào công sự, trận địa chống cự quyết liệt, nhưng trước sức mạnh tiến công của quân ta, đến 10 giờ ngày 18-9, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở cụm cứ điểm Đông Khê, kết thúc thắng lợi trận then chốt mở màn chiến dịch. Để chiếm lại Đông Khê và bảo đảm an toàn cho việc rút quân khỏi Cao Bằng, ngày 30-9-1950, Pháp triển khai kế hoạch Thérèse (Tê-rê-dơ), đưa binh đoàn Le Page (Lơ Pa-giơ) từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê để làm bàn đạp đón cánh quân từ Cao Bằng rút về, đồng thời, rút binh đoàn Charton (Sác-tông) khỏi Cao Bằng và hội quân cùng Binh đoàn Le Page ở Nậm Nàng (Nam Cao Bằng), sau đó cùng rút về Thất Khê.
Phán đoán được ý đồ của địch, ta tranh thủ thời gian tiêu diệt binh đoàn Le Page trước khi binh đoàn Charton về đến nơi hội quân, đồng thời tích cực tiêu hao lực lượng của binh đoàn Charton, tạo điều kiện để sau khi tiêu diệt binh đoàn Le Page thì sẽ chuyển sang tiêu diệt binh đoàn Charton. Sau 7 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ 1 đến 7-10-1950), bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt 2 binh đoàn tinh nhuệ của địch, trong đó có hai tiểu đoàn dù, bắt hàng nghìn tù binh, gồm 2 chỉ huy cao nhất và toàn bộ bộ tham mưu hai binh đoàn, giải phóng một vùng rộng lớn ở biên giới phía Bắc, mở thông đường biên giới giữa ta và Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu quốc tế.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã làm phá sản hàng loạt kế hoạch quân sự, chính trị của Pháp, đẩy quân Pháp vào thế bị động phòng ngự về chiến lược, buộc phải rút lui từng bước khỏi những khu vực đất đai rộng lớn. Đặc biệt, Chiến dịch Biên giới đã gây chấn động đối với giới cầm quyền Pháp ở chính quốc và gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ sĩ quan chỉ huy và binh lính Pháp về khả năng có thể bị đối phương tiến công bất kỳ lúc nào.
Giành được thắng lợi trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia và trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Bộ Tổng tư lệnh đã có quyết tâm cao, chọn hướng mở chiến dịch chính xác, đánh được vào khâu yếu của địch, buộc chúng phải dùng lực lượng cơ động để ứng cứu, tạo điều kiện để ta tiêu diệt địch ngoài công sự. Đây cũng là lần đầu tiên, bộ đội ta áp dụng cách "đánh điểm, diệt viện" và biết dùng thuốc nổ để mở đường qua vật cản, tổ chức đột phá theo hình thức "tứ tổ, nhất đội" (4 tổ, 1 đội) trong chiến đấu.
VŨ HỒNG KHANH/qdnd.vn