Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 268 vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 6 tỷ đồng.
Đánh giá của phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội cho biết, so với trước đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố giảm cả số vụ, số người chết và giảm thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ vẫn luôn tiềm ẩn.
Gần 5 tháng trôi qua, nhưng nhiều người dân xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội vẫn còn ám ảnh về vụ cháy tại Khu công nghiệp Phú Thị làm 3 người tử vong.
Ông Trần Văn Sơn, trú tại xã Dương Xá chứng kiến vụ cháy cho biết, trên địa bàn chưa bao giờ xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại về người, tài sản như thế: "Vụ cháy tại khu công nghiệp là vụ cháy lớn, gây chết người, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Con em chúng tôi làm trong đó cảm thấy bất an".
Cập nhật của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 268 vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 6 tỷ đồng. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra tại nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất và nguyên nhân chính là do chập điện (với 167 vụ).
Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với kho xưởng, cơ sở sản xuất tập trung đông người được quy định rất chặt chẽ, chỉ cần thiếu tuân thủ sẽ dễ dẫn đến hậu quả nặng nề. Thời gian qua, các cơ quan chức năng thành phố thường xuyên kiểm tra việc chấp hành phòng cháy, chữa cháy trong các nhà xưởng, khu công nghiệp, công khai đơn vị vi phạm. Đồng thời, yêu cầu các chủ công trình phải khắc phục những bất cập, nhưng không phải chủ công trình nào cũng tuân thủ.
Thượng tá Phạm Trung Hiếu cho biết: "Các tồn tại vi phạm phát hiện là có kiến nghị, phạt để khắc phục chứ không phải phạt cho tồn tại".
Cùng với nhà xưởng, khu công nghiệp, công tác phòng cháy chữa cháy tại chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh cũng đang là vấn đề thách thức đối với Hà Nội.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.332 công trình cao tầng, 959 chung cư; gần 1.500 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar… Thực trạng các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14, 15 của tòa nhà. Trong khi đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ như: cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… không phải nơi nào cũng có. Riêng trên địa bàn quận Hoàng Mai có 178 nhà cao tầng, chung cư thương mại, tái định cư đã đưa vào sử dụng, trong đó tập trung chủ yếu tại khu đô thị Linh Đàm - một trong những khu vực có mật độ dân số đông đúc nhất Thủ đô.
Từ thực tế thời gian qua cho thấy, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an thành phố Hà Nội đã duy trì ứng trực, bảo đảm đủ phương tiện, quân số xử lý tin báo. Qua đó, kịp thời điều động gần 3.000 lượt phương tiện cùng gần 21.000 lượt cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ./.
Huy Nam/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-chay-no-van-dien-bien-phuc-tap-783214.vov