Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ hầu hết doanh nghiệp không tiếp cận được để trả lương cũng như hỗ trợ về bảo hiểm do chi phí làm thủ tục, chuẩn bị các điều kiện có thể cao hơn khoản được vay.
Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp được nêu lên tại tọa đàm về khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, do UBND TPHCM tổ chức sáng nay 3/10.
Khảo sát mới nhất vào giữa tháng 8 đối với hơn 100 doanh nghiệp tại TPHCM cũng có thể phản ánh bức tranh chung về tình hình doanh nghiệp tiếp cận gói chính sách hiện nay. Theo các doanh nghiệp, gói gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất nhiều doanh nghiệp đã được thụ hưởng, tuy nhiên số tiền này trong khoảng 3 tháng đầu năm 2020 chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với quy mô kinh doanh, nguồn vốn... nên chưa thể quyết định sự tồn tại của các doanh nghiệp về lâu dài. Chính sách ngân hàng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, tuy đã có rất nhiều nỗ lực nhưng chủ yếu các ngân hàng vẫn cho vay đối với các khách hàng truyền thống; khách hàng mới chiếm tỷ lệ không nhiều.
Hầu hết doanh nghiệp ở TPHCM gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Tại tọa đàm, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tại Nghị quyết 84 của Chính phủ ngày 29/5/2020 với tinh thần đồng hành, cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, xem xét điều chỉnh các điều kiện một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm nhu cầu từng ngành, quy mô của từng loại hình doanh nghiệp, đồng hành và chia sẻ các rủi ro trong kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu trong nước về du lịch, chi tiêu mua sắm, các gói đầu tư công để thúc đẩy thị trường. Việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất... cần kéo dài đến 12 tháng đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp có thêm nguồn tiền trong kinh doanh.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đề xuất Ngân hàng xem xét cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn.
“Hiện nay mong muốn lớn nhất và được doanh nghiệp trông chờ nhiều nhất là ngân hàng mạnh dạn mở rộng, nới lỏng các điều kiện cho vay, thủ tục cho vay thuận lợi hơn, đặc biệt là quan tâm hơn tới hình thức cho vay tín chấp, thẩm định phương án kinh doanh, quản lý các dòng tiền và nguồn vốn để nâng cao khả năng tiếp cận của khách hàng. Bởi vì có rất nhiều doanh nghiệp có tiềm năng nhưng không phải DN cũng có nhiều tài sản để thế chấp, đặc biệt là những ngành du lịch, dịch vụ thì khó có tài sản thế chấp”, ông Chu Tiến Dũng nêu ý kiến./.
Ngọc Xuân/VOV.VN