Sau khi miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Rạch Giá (nay là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang) đã gấp rút làm công tác chuẩn bị, thống nhất tổ chức, đi vào hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 6-10-1975.
Ngày này trở thành Ngày truyền thống của BĐBP tỉnh Kiên Giang. Nhân dịp này, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Thượng tá Doãn Đình Tránh, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Kiên Giang về quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của đơn vị.
Phóng viên (PV): Đồng chí khái quát đôi nét về quá trình xây dựng, trưởng thành của BĐBP tỉnh Kiên Giang?
Thượng tá Doãn Đình Tránh. |
Thượng tá Doãn Đình Tránh: Sau khi giải phóng miền Nam, tình hình xâm nhập, vượt biên trái phép, cướp biển diễn ra phức tạp trên vùng biển Rạch Giá. Trước tình hình trên, tháng 5-1975, Bộ tư lệnh CANDVT chi viện cho Ban An ninh tỉnh Rạch Giá 100 cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 6-10-1975, lực lượng CANDVT tỉnh Rạch Giá (nay là BĐBP tỉnh Kiên Giang) đã đi vào hoạt động, với nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, những phần tử phá hoại; chiến đấu bảo vệ an ninh nội địa, biên giới, bờ biển...
Những ngày đầu, CBCS CANDVT tỉnh Rạch Giá gặp nhiều khó khăn, song với nỗ lực, quyết tâm cao, các đơn vị CANDVT đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, kiên cường bám trụ, chiến đấu, bảo vệ biên giới trên bộ, trên vùng biển phía Tây Nam Tổ quốc; lập nhiều chiến công xuất sắc. Điển hình là Đồn Biên phòng Phú Mỹ được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
PV: Cùng với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã lập những thành tích gì trong đấu tranh với tội phạm, thưa đồng chí?
Thượng tá Doãn Đình Tránh: Cùng với chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển, lực lượng CANDVT tỉnh Rạch Giá, nay là BĐBP tỉnh Kiên Giang đã làm tròn nhiệm vụ quốc tế và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng cướp có vũ trang trên biển. Trong những năm đất nước đổi mới, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, như: Tăng cường tuần tra, kiểm soát, trấn áp tội phạm để ổn định tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; toàn lực lượng BĐBP tỉnh đã đấu tranh, tham gia phá nhiều vụ án, bắt hàng chục tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta; thu nhiều vũ khí quân dụng...
PV: Những năm qua, BĐBP tỉnh Kiên Giang có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và "thế trận lòng dân" khu vực biên giới, đồng chí cho biết những giải pháp thực hiện và kết quả nổi bật của những nội dung trên?
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang giúp nhân dân thu hoạch lúa chạy lũ. Ảnh: ĐÌNH THÀNH |
Thượng tá Doãn Đình Tránh: Những năm qua, BĐBP tỉnh thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp luật về biên giới, biển, đảo, tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội địa phương với các chương trình, mô hình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới", “BĐBP chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng-ấm lòng dân biên giới”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”...
Bằng những việc làm thiết thực, BĐBP Kiên Giang cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân khu vực biên giới tỉnh nhà. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; xây dựng khu vực biên giới, nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
LẠC ÂU THÀNH/QDND.VN