Vùng áp thấp mạnh lên, khách du lịch không nên "trải nghiệm thiên tai"

Thứ 3, 06.10.2020 | 15:19:45
642 lượt xem

Trước diễn biến phức tạp của vùng áp thấp và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sáng 6/10, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã họp bàn công tác ứng phó.

Dự báo chiều đến tối 6/10, vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ngày 7/10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ. Nguy cơ ngập lụt diện rộng. 

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai yêu cầu các địa phương không được chủ quan, dù cấp gió không mạnh nhưng cần chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh, gia cố lồng bè thủy sản để tránh trường hợp lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại nặng.

Tại các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ chứa, các vùng trũng thấp cần được lên các phương án ứng phó với mưa lũ, ngập lụt dài ngày.

Vùng áp thấp mạnh lên, khách du lịch không nên trải nghiệm thiên tai - Ảnh 2.

Dự báo đường đi của vùng áp thấp trên biển Đông.


Ngay sau cuộc họp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức hai đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó với vùng áp thấp tại một số tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp, ngoài việc cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo dài hạn cần lưu ý cung cấp những bản tin ngắn hạn phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông, đặc biệt là những khu vực được dự báo có mưa to đến rất to và các bản tin cảnh báo lũ kèm cấp độ rủi ro thiên tai do lũ. Các đơn vị chức năng liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên hệ thống sông Hồng và mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà để tham mưu chỉ đạo, điều hành kịp thời, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du các hồ chứa.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý, hiện nay, có một bộ phận có tâm lý chủ quan trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là khách du lịch khi đi du lịch và có tâm lý "trải nghiệm thiên tai" trên đảo và các điểm đến. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra.

Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp cần thực hiện:

- Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

Vùng áp thấp mạnh lên, khách du lịch không nên trải nghiệm thiên tai - Ảnh 3.

Ngư dân Ninh Thuận chủ động đưa tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Ảnh: TTXVN.


- Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công.

- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

- Kiểm tra hệ thống đê và lưu ý đến đê cửa sông (nhất là khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) để đảm bảo an toàn cho việc phòng chống lũ, sẵn sàng vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phục vụ sản xuất.

- Rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

- Rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài chỉ đạo, việc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại do thiên tai. Với tinh thần đó, các tỉnh, thành phố cần làm tốt các phương án di dân, thậm chí có phương án di dân dài ngày, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, đảm bảo cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa cộng đồng.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, 80% vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong chiều hoặc tối 6/10. Vùng áp thấp vẫn di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/giờ và ảnh hưởng tới khu vực Nam Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 vào ngày 7/10. Đây là hình thái thời tiết nguy hiểm gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có Thông báo số 414/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và các bộ, ngành liên quan đề nghị triển khai ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông, đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo về vùng áp thấp, cảnh báo mưa, lốc, sét, gió giật mạnh tới các địa phương để chủ động các biện pháp ứng phó.

Tại các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Công văn số 135/TWPCTT ngày 5/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ Hòa Bình; trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về vùng áp thấp, cảnh báo mưa, lốc, sét, gió giật mạnh để chủ động các biện pháp ứng phó.


VTV.VN

https://vtv.vn/xa-hoi/vung-ap-thap-manh-len-khach-du-lich-khong-nen-trai-nghiem-thien-tai-20201006130055762.htm

  • Từ khóa