Sắp xếp tổ chức bộ máy, 4 bộ có số thứ trưởng vượt khung

Thứ 4, 07.10.2020 | 14:43:40
636 lượt xem

Bộ Nội vụ (vượt 1); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vượt 1). Hai Bộ: Quốc phòng, Công an có 9 thứ trưởng (vượt 3).

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Trụ sở Bộ Ngoại giao. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Trụ sở Bộ Ngoại giao. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Điểm nổi bật trong báo cáo được Chính phủ nêu lên là kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động.

Nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), trong đó điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ giảm

Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Báo cáo đánh giá cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) và định hướng xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) theo đúng quan điểm, định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dự kiến trình Bộ Chính trị vào tháng 11/2020.

Xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, số lượng vị trí việc làm và số công chức, đầu mối trực thuộc tối thiểu cần có đối với từng loại đơn vị.

Các bộ và cơ quan ngang bộ đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc hoặc phân cấp cho địa phương quản lý; không chuyển các vụ thành cục, tổng cục; không thành lập mới phòng trong vụ tham mưu thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Các quyết định thành lập tổ chức, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn bị thu hồi, hủy bỏ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó đã hoàn thiện quy định về tiêu chí thành lập tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án kiện toàn tổ chức của cơ quan mình theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Qua sắp xếp, cơ cấu tổ chức của bộ có 249 vụ và tương đương, giảm 12 tổ chức (4,6%); 126 cục, tăng 7 tổ chức (5,88%); 31 tổng cục và tương đương, gồm: 21 tổng cục và 10 tổ chức tương đương, tăng 2 tổng cục (6,9%); có 100 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10 tổ chức (9,09%).

Cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục có 226 vụ và tương đương, tăng 7 tổ chức (3,2%); 419 cục, gồm: 37 cục ở cơ quan tổng cục, 67 cục khu vực (Đường bộ, Hải quan, Dự trữ nhà nước, Môi trường, Địa chất và Khoáng sản), 315 cục ở cấp tỉnh (Thi hành án dân sự, Thống kê, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Quản lý thị trường); 130 đơn vị sự nghiệp công lập (tăng 6 tổ chức, tăng 4,84%).

Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ có 52 ban và tương đương (giảm 1 tổ chức, giảm 1,89%); 142 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 24 tổ chức, giảm 14,46%).

Số lượng Thứ trưởng nhiều do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ

Theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6).

Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: mard.gov.vn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: mard.gov.vn)

Tính đến 30/9/2020, số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 110 người, trong đó, 2 bộ có 3 thứ trưởng (ít hơn 2) là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông.

Có 7 bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng và tương đương (ít hơn 1) là Bộ Xây dựng; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc. Các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ có 5 thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định).

Có 3 bộ có từ 6 thứ trưởng trở lên, gồm Bộ Ngoại giao (bằng số quy định); Bộ Nội vụ (vượt 1); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vượt 1). Hai Bộ: Quốc phòng, Công an có 9 thứ trưởng (vượt 3).

Số lượng thứ trưởng nhiều hơn so với quy định ở một số bộ (Quốc phòng, Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ, như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về Trung ương.

Về số lượng cấp phó của vụ, cục, tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, Chính phủ cho biết, tính đến thời điểm này, số phó tổng cục trưởng và tương đương bình quân là 2,8; số phó cục trưởng và tương đương bình quân là 2,9; số phó vụ trưởng và tương đương bình quân là 2,5.

Tuy nhiên, tại một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, do đặc thù công việc và để bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khi được điều động về các cơ quan ở Trung ương công tác nên đã thực hiện việc bổ nhiệm chức danh “hàm.”

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) có yêu cầu: “Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp hàm.”

Hiện Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án "Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước" để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh “hàm” trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, để thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và của pháp luật về công tác cán bộ, trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh "hàm" đối với cán bộ, công chức, viên chức./.


VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/sap-xep-to-chuc-bo-may-4-bo-co-so-thu-truong-vuot-khung-784156.vov

  • Từ khóa