Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến trong Chiến dịch Biên giới 1950 - Một số bài học kinh nghiệm lớn

Thứ 6, 09.10.2020 | 00:00:00
837 lượt xem

Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950 là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Chiến dịch được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo giành thắng lợi.

Quyết tâm đó được thể hiện bằng sự tập trung lực lượng lãnh đạo, chỉ huy quân sự cao nhất của Đảng và Quân đội đối với chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch; đồng chí Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đặc biệt, trong chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo tác chiến và động viên bộ đội. Đồng thời, Bộ Tổng Tư lệnh lần đầu tiên huy động nhiều đơn vị chủ lực mạnh nhất của Bộ vào một chiến dịch (Đại đoàn 308, Trung đoàn 174, Trung đoàn 209). Với phương châm “đánh điểm, diệt viện”, sau 29 ngày đêm (từ 16-9 đến 14-10-1950) chiến đấu quyết liệt, vô cùng anh dũng và mưu trí, bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch, tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên địch, gồm 8 tiểu đoàn lính Âu-Phi và 2 tiểu đoàn quân đội tay sai, thu trên 3.000 tấn vũ khí và nhiều phương tiện chiến tranh khác, xóa sạch Liên khu Biên giới Đông Bắc của địch. Có thể nói, “trong suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, hiếm có một chiến dịch đánh tiêu diệt hay và gọn quân địch trong vận động như trận Biên giới năm 1950”(1).

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến trong Chiến dịch Biên giới 1950 - Một số bài học kinh nghiệm lớn
Phương tiện của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) huấn luyện thực hành
vượt sông. Ảnh: HOÀNG HÀ.

Trong chiến dịch này, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) vừa là cơ quan chỉ đạo chiến lược, vừa đảm nhiệm vai trò cơ quan tham mưu chiến dịch, trực tiếp nghiên cứu, đánh giá tình hình, xây dựng phương án, tổ chức chỉ huy, sử dụng lực lượng, tạo lập và chuyển hóa thế trận, hiệp đồng tác chiến, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, BTTM đã quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi phương châm chỉ đạo tác chiến “đánh điểm, diệt viện”, lập thế tiến công hiểm hóc, tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê ngay ở trận then chốt mở đầu chiến dịch; sau đó, chỉ đạo liên tục bám sát địch, chuyển hóa thế trận kịp thời, chia cắt từng bộ phận, tiêu diệt lần lượt hai binh đoàn chủ lực cơ động thiện chiến của quân Pháp ở khu vực Cốc Xá, Điểm cao 477, làm rung chuyển và tan vỡ toàn bộ tuyến phòng thủ Đường số 4 của địch, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ thị xã Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, mở ra một cục diện mới có lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp, từ đây “Quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính đã về tay ta, biên giới được khai thông, thế bị bao vây cả trong lẫn ngoài bị phá vỡ, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng, ta càng có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển lực lượng về mọi mặt, đẩy mạnh kháng chiến tiến tới”(2). Thắng lợi giành được trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 đánh dấu bước tiến quan trọng về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và trình độ tác chiến tập trung của bộ đội ta. Chiến dịch Biên giới đã để lại cho BTTM nhiều bài học kinh nghiệm quý, quan trọng nhất là kinh nghiệm về chỉ đạo, chỉ huy tác chiến.            

Một là, nghiên cứu, đánh giá sát tình hình, lựa chọn đúng hướng chiến lược, địa bàn khu vực tác chiến chủ yếu, mục tiêu đột phá mở đầu chiến dịch.

Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng và có bước phát triển mới. Ta đã xây dựng được lực lượng vũ trang (LLVT) 3 thứ quân, trong đó có hai đại đoàn (308, 304) và nhiều trung đoàn chủ lực cơ động thuộc Bộ Tổng Tư lệnh; tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến của bộ đội từng bước trưởng thành, khả năng tác chiến vận động và tác chiến tập trung được nâng lên. Trong khi đó, sau khi cách mạng Trung Quốc giành thắng lợi, thực dân Pháp tăng cường mở rộng phạm vi chiếm đóng ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời, chúng ra sức củng cố phòng tuyến biên giới Việt-Trung, hòng “khóa chặt biên giới”, “bóp nghẹt lực lượng kháng chiến”. Những cố gắng của địch đã làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta gặp thêm những khó khăn mới, đặc biệt là Việt Bắc bị bao vây và chiến trường chính Bắc Bộ bị thu hẹp, đã tác động lớn đến kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng và phạm vi hoạt động của bộ đội ta.

Đứng trước tình hình trên, để phá thế bao vây và giáng một đòn nặng vào Kế hoạch Rơve của địch, tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch tiến công địch trên hướng biên giới phía Bắc nhằm mở thông đường liên lạc giữa cách mạng nước ta với cách mạng Trung Quốc, tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của bạn bè quốc tế. Lúc đầu, ta xác định hướng tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Bắc, trọng tâm ở khu vực Lào Cai; nhưng sau khi xem xét, đánh giá lại tình hình trên toàn tuyến biên giới, BTTM nhận thấy binh lực địch ở Đông Bắc mạnh gấp hai lần so với Tây Bắc. Nhưng biên giới Đông Bắc là một chiến trường sôi động, Đường số 4 là con đường chiến lược nhạy cảm. Mặt khác, mở chiến dịch tiến công trên hướng này, ta có điều kiện thuận lợi hơn về chỉ đạo của cấp chiến lược, thuận lợi hơn về động viên nhân lực, vật lực, phục vụ một chiến dịch quy mô tương đối lớn(3); do đó, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chuyển hướng chiến lược, mở Chiến dịch Biên giới sang hướng Đông Bắc, tiến công địch trên phòng tuyến Đường số 4 thuộc địa phận hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Sự chủ động nghiên cứu, phân tích đánh giá tình hình toàn diện của BTTM đã giúp Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược chính xác, nhằm phá thế bao vây, cô lập Việt Bắc của địch, mở thông đường liên lạc với cách mạng Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; đồng thời, chiến trường Đường số 4 là chiến trường rừng núi quen thuộc với bộ đội, nơi ta có nhiều ưu thế để phát huy cao độ sở trường tác chiến, đảm bảo cho chiến dịch thu được toàn thắng.

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến trong Chiến dịch Biên giới 1950 - Một số bài học kinh nghiệm lớn
Cán bộ, chiến sĩ tham gia diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: HOÀNG HÀ.

Nhiệm vụ đặt ra cho chiến dịch là khai thông biên giới trên hướng Đường số 4, con đường chiến lược dài 320km chạy giữa vùng rừng núi hiểm trở, dọc theo phòng tuyến biên giới Đông Bắc từ Tiên Yên (Quảng Ninh) đến Cao Bằng; địch chia Liên khu Biên giới Đông Bắc thành hai khu (Lạng Sơn, An Châu) và hai phân khu (Cao Bằng và Thất Khê), tổng số binh lực địch cả chiếm đóng và cơ động lên tới 11 tiểu đoàn, 9 đại đội bộ binh, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 17 khẩu pháo các loại và 8 máy bay. Để xây dựng tuyến phòng thủ Đường số 4 thành tuyến phòng thủ chiến lược mạnh, từ giữa năm 1950, địch rút hầu hết các vị trí nhỏ về tổ chức thành những cụm cứ điểm có công sự kiên cố, hệ thống hầm ngầm, giao thông hào vững chắc, được tăng cường hỏa lực pháo binh và không quân chi viện; nhưng điểm yếu nổi bật của tuyến phòng thủ này là bố trí theo một tuyến kéo dài, các vị trí bị cô lập giữa vùng rừng núi hiểm trở. Căn cứ tình hình thực tế trên toàn bộ tuyến phòng thủ Đường số 4, BTTM chọn đoạn từ Cao Bằng đến Thất Khê là khu vực tác chiến chủ yếu. Trên đoạn này, địch bố trí phòng thủ ở các vị trí Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê sơ hở hơn những nơi khác, mỗi vị trí cách xa nhau từ 25km đến 45km và cách xa trung tâm chỉ huy của địch ở Lạng Sơn khoảng 100km, nên các vị trí thường bị cô lập, khả năng ứng cứu, tăng viện và tiếp tế khó khăn. Tác chiến ở khu vực này gần hậu phương kháng chiến của ta nên thuận lợi cho chỉ đạo, chỉ huy và huy động nhân lực, vật lực, phục vụ chiến dịch; đồng thời, tác chiến ở khu vực này, ta có điều kiện tận dụng địa hình rừng núi để triển khai lực lượng, thế trận chiến dịch và phát huy cách đánh sở trường; mặt khác, khu vực này còn có nhiều tuyến đường thông sang Trung Quốc, tiện cho việc tiếp nhận sự giúp đỡ của quốc tế. Như vậy, việc lựa chọn đúng khu vực tác chiến chủ yếu trên đoạn Cao Bằng, Thất Khê, ta đã khoét sâu vào nơi sơ hở, hiểm yếu nhất trên tuyến phòng thủ biên giới của địch, điều này có ý nghĩa quan trọng tới thắng lợi của chiến dịch.

Quyết định chọn Đông Khê làm mục tiêu đột phá mở đầu chiến dịch được BTTM lựa chọn thận trọng và hết sức khoa học. Lúc đầu, Bộ Chỉ huy chiến dịch chọn Cao Bằng là mục tiêu tiến công mở đầu chiến dịch, sau đó khuếch trương thắng lợi, tiến công cụm cứ điểm Đông Khê. Nhưng sau khi Cơ quan Tham mưu cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp đi nghiên cứu thực địa tại Cao Bằng nhận thấy, thị xã Cao Bằng là một cụm cứ điểm tương đối vững chắc gồm 15 vị trí, hai con sông Bằng Giang và sông Hiến bao bọc 3 mặt (Đông, Tây, Bắc), nên tiến công Cao Bằng ta triển khai lực lượng rất khó và sẽ không bảo đảm chắc thắng. Mặt khác, Cao Bằng là một cụm cứ điểm đột xuất, ở điểm cuối cùng phía Bắc tuyến Đường số 4, cách vị trí gần nhất là Đông Khê 45km, nên khi bị tiến công cũng không gây chấn động mạnh đến toàn tuyến phòng thủ của địch. Khả năng địch quyết giữ và phải đưa lực lượng đến ứng cứu giải tỏa không lớn, ta ít có cơ hội thực hiện được phương châm “đánh điểm, diệt viện”(4). Trong khi đó, Đông Khê là một vị trí hiểm yếu nằm giữa Cao Bằng và Thất Khê, nếu bị tiêu diệt, thì một mắt xích quan trọng giữa phòng tuyến Đường số 4 bị chặt đứt, sẽ làm cho Cao Bằng rơi vào thế bị cô lập, nhiều khả năng địch phải đưa quân ứng cứu, tăng viện, hoặc rút khỏi Cao Bằng, khi đó ta có điều kiện tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự. Từ những đánh giá, nhận định chính xác trên, đã giúp Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển mục tiêu mở đầu chiến dịch sang tiến công Đông Khê. Thực tiễn diễn biến chiến dịch đúng như ta dự tính, điều đó đã khẳng định những tính toán, tham mưu của cơ quan tham mưu chiến dịch là hoàn toàn chính xác, đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chọn mục tiêu đột phá mở đầu chiến dịch tiến công của BTTM.

Hai là, chỉ đạo lập thế trận, chuyển hóa thế trận tiến công hiểm hóc, đảm bảo “chắc thắng”, thực hiện thắng lợi phương châm “đánh điểm, diệt viện”, lấy tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự là chính.

Quán triệt phương châm chỉ đạo tác chiến “đánh điểm, diệt viện” và nguyên tắc “trận đầu phải thắng”... “Trận đầu thắng lợi sẽ có ảnh hưởng lớn đến cả chiến dịch...”(5), BTTM gấp rút chỉ đạo và trực tiếp chỉ huy lập thế trận tiến công và chuẩn bị những yếu tố cần thiết để đảm bảo cho trận mở đầu tiến công cụm cứ điểm Đông Khê chắc thắng. Trước tình hình địch đã củng cố Đông Khê thành một cụm cứ điểm mạnh, có hệ thống công sự kiên cố, hầm ngầm, trận địa pháo, sân bay, chúng bố trí lực lượng 2 đại đội lính lê dương, 2 trung đội lính quân đội tay sai, 1 trung đội pháo 105mm thành thế liên hoàn; Ban Chỉ huy Mặt trận Đông Khê do Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ huy, quyết định tập trung ưu thế lực lượng gấp 9 lần quân địch (2 trung đoàn và 2 tiểu đoàn bộ binh cùng 13 khẩu sơn pháo và ĐKZ)(6), hình thành thế trận bao vây, tiến công cụm cứ điểm từ các hướng Bắc và Đông Bắc, Tây và Tây Nam. Theo đó, Trung đoàn 174 được tăng cường 2 tiểu đoàn (426 và 11), 6 khẩu sơn pháo 75mm, 4 khẩu ĐKZ57mm, đảm nhiệm tiến công hướng chủ yếu từ hướng Bắc và Đông Bắc; Trung đoàn 209 được tăng cường 4 khẩu sơn pháo 75mm, 2 khẩu ĐKZ57mm, tiến công trên hướng thứ yếu vào phía Tây, Tây Nam Đông Khê; Tiểu đoàn pháo 75 gồm 3 khẩu sơn pháo 75mm, bố trí ở phía Đông cụm cứ điểm, chi viện trực tiếp cho trận đánh. Ngoài ra, để đánh bại quân cứu viện của địch, ta còn bố trí sẵn Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) ở phía Nam Đông Khê 4km, sẵn sàng đánh quân ứng chiến đường không trong khu vực từ suối Pác Khoang đến Chóc Ngà, đồng thời làm dự bị cho trận đánh Đông Khê; hai trung đoàn (102 và 88) của Đại đoàn 308 triển khai trận địa phục kích đánh viện binh địch trên Đường số 4, đoạn từ Khâu Luông đến Lũng Phầy; trên hướng Na Sầm-Lạng Sơn, Tiểu đoàn 428 của Liên khu Việt Bắc và Tiểu đoàn 888 tỉnh Lạng Sơn thực hiện nhiệm vụ phá đường, quấy rối, phục kích, đánh tiêu hao địch trên Đường số 4 đoạn từ Thất Khê đến Lạng Sơn. Như vậy, cùng với việc lựa chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch sang đánh Đông Khê, mục tiêu nhỏ hơn nhiều lần so với Cao Bằng, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã bày đặt thế trận hiểm hóc, bao vây, chia cắt triệt để, cô lập cụm cứ điểm Đông Khê, đó là sự chỉ đạo lập thế trận đảm bảo chắc thắng trận mở đầu, khơi ngòi chiến dịch và tạo những điều kiện cần thiết để thực hiện thắng lợi phương châm “đánh điểm, diệt viện”, lấy tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự là chủ yếu.  

Thực hiện kế hoạch tác chiến, rạng sáng ngày 16-9, ta nổ súng tiến công cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch; để tăng thêm yếu tố bảo đảm chắc thắng, cơ quan tham mưu chiến dịch đã cử phái viên theo sát các hướng mũi tiến công, nên quá trình chiến đấu đã kịp thời tham mưu Bộ Chỉ huy chiến dịch điều chỉnh quyết tâm, củng cố đội hình, rút kinh nghiệm và chuyển hướng tiến công chủ yếu, hiệp đồng chặt chẽ giữa các hướng mũi, đưa đội dự bị của các trung đoàn vào chiến đấu, mở một hướng vu hồi, thọc sâu vào đánh khối bộc phá lớn làm sập hầm ngầm trung tâm chỉ huy địch; sau 54 giờ liên tục chiến đấu, kiên quyết tiến công, ngày 18-9, quân ta đã tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, giành thắng lợi giòn giã trận đánh lớn then chốt mở đầu chiến dịch, mở ra thời cơ để tiêu diệt lớn quân cứu viện của địch ngoài công sự.

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến trong Chiến dịch Biên giới 1950 - Một số bài học kinh nghiệm lớn
Lực lượng pháo cao xạ của Quân chủng Phòng không-Không quân diễn tập bắn đạn thật.
Ảnh: HOÀNG HÀ.

Sau thắng lợi của trận Đông Khê, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhanh chóng điều chỉnh thế trận, tập trung lực lượng vào chuẩn bị đánh viện binh địch. Theo đó, Trung đoàn 174 bố trí sang phía Bắc, Đông Bắc Đông Khê làm dự bị chiến dịch, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không và đường bộ; Trung đoàn 209 chuyển sang bố trí từ Na Chang xuống phía Nam Đông Khê tới giáp Trung đoàn 36; trong trung tâm thị trấn, ta chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ ngụy trang, nghi binh, thu dọn chiến trường. Đồng thời, BTTM lệnh cho các chiến trường phối hợp tích cực hoạt động để đánh lạc hướng phán đoán của địch, khi điều kiện thuận lợi sẽ tập trung lực lượng tiêu diệt Thất Khê. Với thế trận bày sẵn, quân ta kiên trì nhử địch, quyết tâm tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự.

Đúng như dự kiến của ta, sau khi Đông Khê thất thủ, địch vội vã tăng cường viện binh cho Thất Khê và Cao Bằng, gấp rút tổ chức Binh đoàn Le Page gồm 4 tiểu đoàn lính Âu-Phi tinh nhuệ, với âm mưu phản kích chiếm lại Đông Khê và đón Binh đoàn Charton từ Cao Bằng xuống, hội quân rồi cùng rút về Thất Khê. Từ ngày 1 đến ngày 3-10, hai binh đoàn cơ động của địch cùng xuất hiện; Binh đoàn Le Page tiến theo Đường số 4 lên Đông Khê, Binh đoàn Charton cơ động đường tắt từ Cao Bằng về hội quân với Binh đoàn Le Page. Mặc dù lúc đầu quân ta bỏ lỡ thời cơ đánh phục kích Binh đoàn Le Page, nhưng với thế trận linh hoạt lập ra, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị bám sát địch, kiên quyết ngăn chặn, chia cắt, cô lập từng cánh quân, không cho chúng hội quân. Từ ngày 2 đến 7-10, Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng Đại đoàn 308, vận động tiến công tiêu diệt Binh đoàn Le Page ở khu vực Cốc Xá, sau đó phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, tiêu diệt Binh đoàn Charton ở khu vực Điểm cao 477. Sau 5 ngày đêm liên tục tiến công, trận đánh trước tạo thế cho trận đánh sau, chuyển hóa thế trận linh hoạt, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ hai binh đoàn cơ động thiện chiến của quân Pháp ở khu vực Cốc Xá, Điểm cao 477. Chiến thắng Cốc Xá, Điểm cao 477 đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự Đường số 4 của địch, buộc chúng phải rút khỏi Thất Khê, Lộc Bình, Đình Lập (10-10); Na Sầm, Đồng Đăng (14-10); Lạng Sơn (17-10) và An Châu (23-10). Có thể khẳng định, sự chỉ đạo lập thế, chuyển hóa thế trận linh hoạt, quyết tâm chiến đấu cao, bảo đảm chắc thắng theo phương châm “đánh điểm, diệt viện” là một kinh nghiệm lớn trong chỉ đạo tác chiến Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Ba là, sử dụng tập trung binh, hỏa lực, tạo ưu thế sức mạnh, "đánh chắc thắng” trong các trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch.

Để đảm bảo chắc thắng cho Chiến dịch Biên giới, lần đầu tiên ta huy động và sử dụng tập trung hầu hết các đơn vị chủ lực mạnh thuộc Bộ Tổng Tư lệnh(7) vào một chiến dịch; so với tổng số binh lực địch tại khu biên giới Đông Bắc thì ta không nhiều hơn, quân địch phần lớn là những đơn vị lính Âu-Phi tinh nhuệ, chúng có trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật, hỏa lực pháo binh, không quân hơn hẳn ta. Tác chiến trong điều kiện đó, muốn thắng địch, vấn đề quan trọng nhất là phải khoét sâu điểm yếu về thế bố trí của địch, tập trung được ưu thế sức mạnh vào từng trận đánh then chốt, then chốt quyết định, phát huy sở trường cách đánh của ta, giành thắng lợi quyết định. Quán triệt sâu sắc mối quan hệ giữa đánh điểm để diệt viện và giải phóng đất đai, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chuyển mục tiêu mở đầu chiến dịch sang tiến công Đông Khê làm điểm đột phá, khơi ngòi, thu hút viện binh địch ra ngoài công sự để tiêu diệt. Trong trận tiến công cụm cứ điểm Đông Khê, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng chiến dịch) trực tiếp chỉ huy, đã chủ động sử dụng tập trung ưu thế cả binh lực và hỏa lực gấp 9 lần quân địch, đột phá trên nhiều hướng, đồng thời nhiều phái viên BTTM có kinh nghiệm chỉ huy tác chiến được tăng cường trên các hướng, mũi tiến công, nên trong chiến đấu đã kịp thời xử trí các tình huống, tăng cường sức tiến công cho hướng chủ yếu, tạo điều kiện cho trận then chốt mở đầu chiến dịch giành thắng lợi giòn giã.

Sau khi hoàn thành tiêu diệt mục tiêu “đánh điểm”, chuyển sang “diệt viện”, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sử dụng tập trung lực lượng ở các vị trí cơ động trên Đường số 4. Tuy so với trận Đông Khê, tỷ lệ tập trung thấp hơn, nhưng khi bắt đầu tiến công Binh đoàn Le Page (ngày 2-10), ưu thế lực lượng của ta cũng gấp 3,25 lần quân địch (ta 13 tiểu đoàn, địch 4 tiểu đoàn) (8). Khi Binh đoàn Charton xuất hiện, trước tình huống hai binh đoàn địch có ý định hội quân, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định ngăn chặn, kiềm chế Binh đoàn Charton, tập trung tiêu diệt Binh đoàn Le Page trước, diệt Binh đoàn Charton sau; quyết định đó đã tạo thời cơ và điều kiện để ta tập trung ưu thế lực lượng, vừa chia cắt, phá thế co cụm của địch, vừa tạo ra sức mạnh ưu thế áp đảo trong từng trận đánh quân ứng viện của địch, lần lượt tiêu diệt hai binh đoàn tinh nhuệ của chúng bằng trận then chốt quyết định ở khu vực Cốc Xá, Điểm cao 477. Như vậy, với việc sử dụng tập trung lực lượng chủ lực, tạo ưu thế sức mạnh hơn hẳn địch để đảm bảo chắc thắng trận then chốt mở đầu, thu hút viện binh địch; kịp thời và rất linh hoạt trong điều hành lực lượng ngăn chặn, kiềm chế, chia cắt từng bộ phận quân cứu viện, tập trung lực lượng tiêu diệt từng binh đoàn cơ động của địch ở khu vực Cốc Xá, Điểm cao 477, là những vấn đề cơ bản về nghệ thuật tạo ưu thế sức mạnh áp đảo địch trong các trận đánh then chốt chiến dịch, một nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi vang dội của Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Bốn là, giữ vững và phát huy quyền chủ động, kiên trì thực hiện mục đích chiến dịch, kịp thời kết thúc chiến dịch đúng lúc.

Chiến thắng Biên giới năm 1950 đã cho thấy, BTTM luôn nắm chắc tình hình, làm chủ mọi tình huống, tham mưu chính xác cho Bộ Chỉ huy chiến dịch điều khiển các trận đánh kế tiếp nhau, gắn bó với nhau theo một ý định thống nhất, buộc quân Pháp phải bị động đối phó theo sự điều khiển của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Ngay trận mở đầu, ta đã điểm đúng huyệt hiểm yếu của địch, buộc chúng phải đưa viện binh từ Thất Khê lên và rút quân khỏi Cao Bằng để tránh bị tiêu diệt. Tiếp đó, khi chưa thấy viện binh địch xuất hiện, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ lệnh chuẩn bị tiến công Thất Khê cũng chính là để giữ vững quyền chủ động chiến dịch. Mười ngày sau khi Đông Khê bị tiêu diệt, Binh đoàn Le Page của địch từ Thất Khê tiến lên hòng chiếm lại Đông Khê, cùng lúc chúng mở cuộc hành quân đánh lên Thái Nguyên nhằm kéo chủ lực ta về để đỡ đòn cho hướng biên giới, một ngày sau Binh đoàn Charton từ Cao Bằng rút về. Trong tình huống phức tạp này, cơ quan tham mưu đã giúp Bộ Chỉ huy chiến dịch đánh giá, nhận định chính xác tình hình, hoàn toàn chủ động triển khai lực lượng, tập trung vào đối tượng tác chiến chủ yếu, lần lượt tiêu diệt Binh đoàn Le Page, rồi Binh đoàn Charton trên Đường số 4; cuộc hành quân địch đánh lên Thái Nguyên đã nằm trong dự kiến trước, ta đã bố trí Trung đoàn 246, Tiểu đoàn 16 huấn luyện tân binh, cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích chặn đánh, nên ta không trực tiếp đưa quân về đối phó, nhưng địch vẫn phải rút quân. Để phối hợp chặt chẽ với chiến trường Cao Bằng, Lạng Sơn, BTTM còn chỉ đạo các chiến trường Liên khu III, Bình-Trị-Thiên, Liên khu V và Nam Bộ đều đẩy mạnh hoạt động, phối hợp tiến công địch, buộc chúng phải căng kéo, dàn mỏng lực lượng đối phó khắp nơi. Điều đó cho thấy ta luôn giành, giữ vững và phát huy quyền chủ động, kiên trì thực hiện thắng lợi mục đích chủ yếu của chiến dịch.

Quyền chủ động trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 còn được thể hiện ở bước kết thúc chiến dịch. Sau khi ta tiêu diệt hai binh đoàn cơ động thiện chiến của quân Pháp ở khu vực Cốc Xá, Điểm cao 477, toàn bộ tuyến phòng thủ Đường số 4 của địch bị rung chuyển, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ động dồn lực lượng xuống Thất Khê, từ quyết tâm tiêu diệt cụm cứ điểm Thất Khê chuyển sang truy kích địch rút chạy, khuếch trương chiến quả, mở rộng vùng giải phóng xuống tới Na Sầm (Lạng Sơn). Đến ngày 14-10, khi kết quả chiến dịch đã vượt yêu cầu cả về tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, khai thông biên giới và củng cố căn cứ địa kháng chiến, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ động lệnh cho các đơn vị kết thúc chiến dịch, giao cho lực lượng các địa phương tiếp tục truy kích tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng. Trong điều kiện chiến dịch đã thu được kết quả “ngoài cả dự kiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch”(9), bộ đội ta đã trải qua chiến đấu dài ngày, cần được củng cố, kết thúc chiến dịch như vậy là hoàn toàn phù hợp và đúng lúc. Trong Hội nghị rút kinh nghiệm chỉ đạo tác chiến sau Chiến dịch Biên giới, Bộ Tổng Tư lệnh đã đánh giá “Tuy hệ thống cơ quan Tham mưu mới được hình thành..., phương tiện thông tin và trinh sát còn yếu và thiếu, nhưng cơ quan tham mưu đã có sự nỗ lực rất lớn và góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của chiến dịch”(10).  

70 năm đã trôi qua, độ lùi thời gian càng xa càng cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá ý nghĩa và giá trị to lớn của Chiến thắng Biên giới năm 1950. Những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo, chỉ huy tác chiến trong chiến dịch này vẫn hết sức quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn; nhất là kinh nghiệm về tham mưu lựa chọn hướng tiến công chiến lược, xác định khu vực tác chiến chủ yếu, mục tiêu đột phá mở màn chiến dịch; lập thế trận tiến công hiểm hóc, sử dụng tập trung ưu thế binh, hỏa lực, đánh chắc thắng trong những trận then chốt, then chốt quyết định; luôn giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến dịch là những kinh nghiệm lớn, điển hình thành công về chỉ đạo, chỉ huy tác chiến của BTTM trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Phát huy những bài học kinh nghiệm trên, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trước hết cần tập trung xây dựng Cơ quan Tham mưu chiến lược vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng; làm tốt công tác dự báo chiến lược, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, xử trí thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng địa bàn và trên phạm vi cả nước. Chủ động thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ về “xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, tăng cường “thế trận lòng dân” ở các địa phương, nhất là trên hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm. Quản lý chặt chẽ, nắm chắc tình hình biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa, không gian mạng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.


QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bo-tong-tham-muu-chi-dao-tac-chien-trong-chien-dich-bien-gioi-1950-mot-so-bai-hoc-kinh-nghiem-lon-640249

  • Từ khóa