Kỳ vọng từ sự tin cậy Việt Nam - Nhật Bản và quan hệ thân thiết giữa hai Thủ tướng

Chủ nhật, 21.11.2021 | 15:07:03
1,055 lượt xem

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất được kỳ vọng trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn đỉnh cao và rất ổn định, hai Thủ tướng đều mới nhận nhiệm vụ song đã quen biết và thân thiết với nhau trong nhiều năm.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình. Ảnh: VTC

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình đã nhấn mạnh điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sắp có chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021.

Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển toàn diện, sâu rộng và thực chất trên nhiều lĩnh vực, có thể nói đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ này?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn đỉnh cao và rất ổn định. Có thể thấy, kể từ năm 1992 khi Nhật Bản nối lại viện trợ (ODA) cho Việt Nam đến nay, mối quan hệ đó ngày càng phát triển cao hơn; là mối quan hệ tin cậy và hiệu quả.

Nhật Bản luôn tôn trọng thể chế chính trị về mọi mặt. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên kể từ năm 1995 đón Tổng Bí thư nước ta đến thăm năm 2009, Nhật Bản thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với ta, ký hiệp định đối tác kinh tế song phương với ta. Năm 2016, Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên mời Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản đăng cai, đến năm 2019, Nhật Bản một lần nữa mời Việt Nam đến dự Hội nghị G20 do Nhật Bản đăng cai… Có thể nói đây là một nước phát triển có mối quan hệ rất đặc biệt với ta.

Về mặt kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất (tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam là 2.578 tỷ yên, tương đương 23,76 tỷ USD, chiếm đến gần 25% tổng số ODA mà quốc tế dành cho Việt Nam); là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ hai với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam); là đối tác du lịch lớn thứ ba (lượng khách trao đổi 2 chiều giữa Nhật Bản và Việt Nam đạt cao nhất từ trước tới nay với hơn 1,4 triệu lượt khách, lên đến đỉnh cao năm 2019); là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam (năm 2020, hai bên đã đạt kim ngạch 40 tỷ USD, 7 tháng đầu năm nay đạt 24,5 tỷ USD, cao hơn gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thu hút số lượng lớn du học sinh và lao động Việt Nam, tạo nên cộng đồng người Việt lên đến gần 450.000 người tại Nhật Bản, là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam cũng như cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Qua đó cho thấy, Nhật Bản là một trong những đối tác lớn nhất của chúng ta, quan trọng nhất của chúng ta về kinh tế. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá tình hình chính trị của Việt Nam ổn định, quan hệ hai bên tin cậy chính là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Tuy còn là nước đang phát triển nhưng Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều Hiệp định kinh tế và thương mại tự do, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lại có bờ biển dài nên rất thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và thương mại với Nhật Bản…

Một nhân tố nữa thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đó là hai bên luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Có thể nói, giữa Việt Nam và Nhật Bản không có gì mâu thuẫn về lập trường cũng như các vấn đề quốc tế. Điển hình, Nhật Bản luôn hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN; vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Cuối cùng, mối quan hệ đỉnh cao của hai nước thể hiện rõ qua thử thách đại dịch COVID-19. COVID-19 khiến cả hai nước đều khó khăn nhưng Nhật Bản đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam như dành tặng Việt Nam hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19; các hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia tích cực đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19. Những nghĩa cử cao đẹp nêu trên là minh chứng sống động cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Vậy theo ông, đâu là những thuận lợi mà hai nước cần phát huy, cũng như những khó khăn cần khắc phục để đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới?

Ông Nguyễn Phú Bình: Thuận lợi nhất là giữa hai nước không có lợi ích đối kháng và từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1973) đã trải qua nhiều thử thách trong gần 50 năm qua, trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, ổn định, hiệu quả, phục vụ lợi ích thiết thân của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình và phồn vinh ở châu Á.

Về mặt kinh tế, hai nước có nhiều nhân tố bổ sung cho nhau: Là một nước phát triển cao, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ và kinh nghiệm phát triển, rất cần cho công cuộc phát triển của Việt Nam, trong khi Việt Nam với dân số gần 100 triệu, là nguồn nhân lực trẻ, thiết yếu, bù đắp cho sự thiếu hụt lao động của Nhật Bản, cũng là thị trường đáng kể ở Đông Nam Á. Mặt khác, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là nguồn cung cấp dồi dào nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm cho Nhật Bản; vị trí địa lý và bờ biển dài của Việt Nam giúp cho giao thương và vận tải với Nhật Bản được dễ dàng. Cùng với những điều kiện tự nhiên đó, việc Việt Nam tham gia hàng chục hiệp định kinh tế và thương mại tự do song phương và đa phương càng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và kết nối kinh tế giữa hai nước.

Bên cạnh đó, những trở ngại cần khắc phục là khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển của hai nước, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và ở hai nước, các cuộc xung đột ở khu vực, mâu thuẫn đối kháng giữa các nước lớn và tình hình căng thẳng do hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng tại các vùng biển ở khu vực.

Theo ông, chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Nhật Bản lần này có ý nghĩa như thế nào và ông kỳ vọng gì vào chuyến đi này?

Ông Nguyễn Phú Bình: Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Nhật Bản lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển toàn diện, sâu rộng và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm cũng sẽ góp phần kết nối mối quan hệ lâu dài giữa hai nước; hai bên sẽ cùng phối hợp đưa ra các biện pháp về kinh tế, chính sách và đối ngoại. Một điều lý thú là tuy Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Fumio Kishida đều mới nhận nhiệm vụ đứng đầu Chính phủ hai nước nhưng cả hai vị đều đã quen biết và thân thiết với nhau trong mối quan hệ giữa 2 tổ chức nghị sĩ hữu nghị của hai nước: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật, còn Thủ tướng Kishida đã là thành viên và Tổng thư ký của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt trong hàng chục năm.

Hiện nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và bối cảnh thế giới đều có những khó khăn, hai bên sẽ có những trao đổi để cùng vượt qua và đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đi lên, đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới.

Đại hội Đảng lần thứ XIII của nước ta đưa ra rất nhiều mục tiêu cụ thể, đó  là đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có thể thấy, đây là 3 mốc quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ căn cứ vào các mục tiêu này để bàn bạc, trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản nhằm đưa ra các biện pháp phối hợp, hợp tác tốt đẹp giữa hai bên về kinh tế-xã hội cho 5 năm cũng như 10 năm tới…

Sau chuyến thăm này, quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi Việt Nam và Nhật Bản có sự tin cậy về chính trị, thực sự coi nhau là cơ hội phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!


Thùy Linh/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Ky-vong-tu-su-tin-cay-Viet-Nam-Nhat-Ban-va-quan-he-than-thiet-giua-hai-Thu-tuong/453621.vgp

  • Từ khóa