Vinamilk: "Người khổng lồ" loay hoay hay đang chờ thời cơ mới?

Thứ 2, 22.11.2021 | 15:41:05
946 lượt xem


Trong cuộc trò chuyện thuộc khuôn khổ một sự kiện lớn vào tháng 10/2018 giữa ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, và Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên, ông Dominic nhớ lại khi cổ phiếu VNM của Vinamilk lên sàn chứng khoán năm 2006, vốn hóa của thị trường tăng gấp đôi trong một ngày còn bản thân ông phát thưởng cho tất cả mọi người trong công ty vì vui.

Nhưng cũng vào cuối năm 2018, Vinamilk lần đầu tiên không còn nằm trong nhóm 10 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Dragon Capital. Sau 15 năm từ ngày lên sàn, từ vị thế được các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nắm giữ trong hơn cả thập kỷ, cổ phiếu Vinamilk giờ đây trở nên "mất giá".

Nhà đầu tư bỏ quên?

Khi thị trường chứng khoán sục sôi hai năm qua, câu lạc bộ doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD hay chục tỷ USD kết nạp thêm nhiều cái tên mới. Nhiều mã cổ phiếu lập hết đỉnh lịch sử này đến kỷ lục khác, cổ phiếu của Vinamilk lại lặng lẽ bước lùi. 

Thị giá VNM sau khi đóng cửa phiên 22/11 giảm còn 86.100 đồng/cổ phiếu, mất 18% giá trị so với hồi đầu năm nay trong khi thị trường chung tăng hơn 30% trong cùng khoảng thời gian, theo Dstock. Còn so với mức đỉnh lịch sử vào tháng 3/2018, VNM đã mất hơn 30% giá trị. 

Dữ liệu của YSRadar cho biết từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 7.100 tỷ đồng giá trị cổ phiếu VNM, đứng thứ hai trong nhóm bị khối ngoại "xả hàng" nhiều nhất. 

Giá trị niêm yết của Vinamilk hiện còn chưa đến 8 tỷ USD, cách xa mức kỷ lục cũ 12 tỷ USD. Trên bảng xếp hạng vốn hóa, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đã rơi xuống vị trí thứ 7 và bị các doanh nghiệp phía sau áp sát.

"Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng rất nhanh, các nhà đầu tư mới thường chọn những cổ phiếu có câu chuyện hấp dẫn, tăng trưởng đột biến. Do đó, những doanh nghiệp tốt, ổn định như Vinamilk đang bị bỏ quên", ông Trần Minh Dũng, trưởng bộ phận nghiên cứu của nền tảng hỗ trợ phân tích chứng khoán Simplize chia sẻ góc nhìn cá nhân với Dân trí.

Nhìn xa hơn, vùng giá hiện tại của cổ phiếu VNM chỉ  tương đương 5 năm trước, tức năm 2016. Theo ông Dũng, thị trường đang tái định giá cổ phiếu này khi Vinamilk chuyển từ giai đoạn hoạt động hiệu quả, tăng trưởng cao (2010- 2016) với mức P/E (hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận mỗi cổ phần) trên 25 lần sang giai đoạn hoạt động vẫn hiệu quả nhưng chỉ ở mức ổn định và đang nỗ lực tìm hướng tăng trưởng mới (2016 đến nay) với hệ số P/E khoảng 17 lần.

Dù trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nói chung, hai nhóm cổ đông ngoại lớn của Vinamilk là F&N và Platinum Victory lại liên tục đăng ký mua thêm cổ phiếu VNM hết tuần này đến tuần khác. Tuy nhiên, kết quả mua vào lại là con số 0 với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Nhóm F&N thuộc ThaiBev đang sở hữu 20,4% cổ phần Vinamilk trong khi tỷ lệ của quỹ Platinum Victory thuộc tập đoàn Jardine Matheson là 10,6%. Cá nhân ông Dũng cho rằng hai nhà đầu tư chiến lược nước ngoài này thật sự muốn sở hữu thêm cổ phiếu VNM nhưng có thể đang muốn đợi biến động giá hấp dẫn hơn nữa để gia tăng tỷ trọng.

Viễn cảnh không mong muốn

"Không ai muốn tăng trưởng thấp. Nhưng nếu sức mua thấp thì doanh thu rất khó để tăng cao. Công ty rất mong cổ đông thông cảm. Vinamilk sẽ cố gắng hết sức. Nếu điều kiện thị trường tốt hơn thì doanh thu công ty sẽ tăng tốt hơn", CEO Mai Kiều Liên khẳng định với cổ đông tại phiên họp đại hội thường niên của Vinamilk tổ chức hồi tháng 4. 

Ngay từ thời điểm đó, khi đợt dịch Covid-19 lần 4 chưa xuất hiện, ban lãnh đạo Vinamilk đã nhìn nhận rằng một khi Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng thì chưa thể vững tâm. Đó cũng là lý do công ty chỉ đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay dè dặt: doanh thu nhích lên nhẹ so với 2020 nhưng lợi nhuận chỉ đi ngang với nhiều khó khăn dự báo trước.

Sau cùng, dự cảm trên đã đúng. Đợt dịch Covid-19 lần 4 bùng phát. Nhiều địa phương giãn cách xã hội nghiêm ngặt ròng rã hàng tháng trời. Và Vinamilk thậm chí đang đứng trước viễn cảnh thụt lùi về lợi nhuận trong năm nay chứ không chỉ "tăng trưởng thấp".

Sau 9 tháng, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 45.100 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sụt giảm 6% còn 8.419 tỷ đồng. So với kế hoạch đã được thông qua tại phiên họp đại hội cổ đông, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đã đi được 73% chặng đường về doanh thu và 75% chỉ tiêu lợi nhuận. 

Riêng trong quý III, thời điểm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh, doanh thu thị trường trong nước của Vinamilk lại lấy lại được đà tăng trưởng 4% sau hai quý giảm liên tục, theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI. Trong khi đó, theo đơn vị nghiên cứu thị trường Nielsen, tiêu thụ sản phẩm từ sữa trên cả nước trong quý III giảm 3%. 

"Như vậy, Vinamilk đã tăng trưởng vượt các công ty cùng ngành trong quý III nhờ mạng lưới phân phối và sản xuất rộng khắp. Đây là yếu tố thuận lợi trong giai đoạn giãn cách xã hội. Thị phần trung bình của Vinamilk theo ban lãnh đạo trong 9 tháng đầu năm nay tăng 1% so với cuối năm 2020, đạt khoảng 60% về sản lượng", nhóm phân tích của SSI Research chia sẻ trong báo cáo đầu tháng này. 

Tuy nhiên, dù tăng trưởng doanh thu trở lại, lấy thêm thị phần nhưng biên lãi gộp của Vinamilk lại suy giảm, kéo lợi nhuận ròng của công ty đi lùi. Trong quý III, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk chỉ còn 42,9%, giảm mạnh so với con số 46,7% trước đó một năm. Biên lãi gộp của công ty cũng đang ở mức thấp nhất trong khoảng gần 5 năm qua.

Lợi nhuận của Vinamilk suy giảm khi công ty cũng không nằm ngoài vòng xoáy bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa, nguyên vật liệu leo thang trên toàn cầu. Giá bột sữa theo thống kê của bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán VNDirect đã tăng mạnh 22% từ đầu năm nay.

Trước áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều công ty chứng khoán cùng chung quan điểm Vinamilk nhiều khả năng sẽ không hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm nay. SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của Vinamilk năm nay sẽ giảm 3% so với cùng kỳ 2020 còn VDSC dự báo mức giảm 4%.

Chờ động lực mới

Theo ông Trần Minh Dũng, khi thị phần của một doanh nghiệp bất kỳ, kể cả không phải trong ngành sữa, đã vượt 50% và lĩnh vực đó có xu hướng bão hòa, việc gia tăng thêm 1% thị phần cũng cần một nỗ lực rất lớn vì 1% tăng thêm đó sẽ đụng tới tập khách hàng truyền thống của đối thủ hay khẩu vị tùy từng vùng miền.

Tuy nhiên, ông không đồng tình với quan điểm Vinamilk không thể tăng trưởng được nữa do ngành sữa bão hòa. "Thị trường sữa trong nước đã đi qua giai đoạn tăng trưởng nhanh nhưng trên thực tế vẫn tăng 5-6%/năm. Nếu Vinamilk giữ nguyên thị phần hiện tại, đây chính là động lực tăng trưởng ở thị trường nội địa trong tương lai của công ty", trưởng bộ phận nghiên cứu của Simplize phân tích.

Còn trên thị trường quốc tế, ngành sữa đang chứng kiến xu hướng ưa chuộng sản phẩm organic tăng mạnh. Theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa organic trên toàn cầu dự báo sẽ tăng hơn 25%/năm trong giai đoạn 2021-2024, vượt xa mức 1-2% của sản phẩm sữa truyền thống. Đây chính là cơ hội lớn để chia lại thị phần sữa toàn cầu mà theo ông Dũng, Vinamilk đang chuẩn bị tốt cho xu hướng này.

Vinamilk: Người khổng lồ loay hoay hay đang chờ thời cơ mới? - 1

Vinamilk vừa cùng Kido giới thiệu sản phẩm nước tươi dưới thương hiệu liên doanh Vibev, một trong những phát kiến mới đánh dấu sự mở rộng sang ngành hàng mới (Ảnh: VB).

Theo ông, vùng nguyên liệu chính là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong xu hướng organic hóa. Với Vinamilk, sau khi mua lại thành công Mộc Châu Milk, doanh nghiệp này đã gián tiếp sở hữu cao nguyên Mộc Châu với vùng nguyên liệu 1.000 ha đất nông nghiệp, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển vùng nguyên liệu. Vào năm 2019, Vinamilk cũng đã khởi công khu resort bò sữa organic quy mô 5.000 ha tại Lào . 

"Tuy nhiên, việc gì cũng sẽ cần thời gian. Khai thác các thị trường mới là câu chuyện dài hạn, bởi đặc thù của ngành thực phẩm là phải cần nhiều thời gian mới xây dựng được thương hiệu chứ không thể chỉ trong một sớm một chiều được", ông Dũng chia sẻ với Dân trí.

Cùng quan điểm trên, VNDirect Research cho rằng bức tranh trong 2 năm tới sẽ dần sáng sủa hơn công ty đầu ngành sữa của Việt Nam, nhất là với động lực từ thị trường nước ngoài. Cuối tháng 10, những sản phẩm đầu tiên của liên doanh giữa Vinamilk và đối tác Philippines bắt đầu xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn ở quốc gia này, hướng đến mục tiêu chiếm 10% thị phần sữa tại Philippines.

Theo dự báo của VNDirect, đóng góp từ liên doanh mới này cùng với các thị trường nước ngoài hiện hữu như Campuchia sẽ giúp doanh thu quốc tế của Vinamilk tăng trưởng trên 13% trong năm tới trong khi doanh số nội địa dự kiến tăng 5-6%. 

Theo ước tính của công ty chứng khoán trên, doanh thu thuần năm tới của Vinamilk sẽ vượt 66.000 tỷ đồng và lợi nhuận quay lại đà tăng trưởng, có thể đạt gần 12.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, không phải đơn vị phân tích nào cũng có góc nhìn lạc quan như vậy. Dù có cùng dự báo doanh thu của Vinamilk sẽ khả quan trong năm tới, chuyên gia phân tích của VDSC lo ngại áp lực từ giá sữa bột nguyên liệu sẽ hạn chế khả năng cải thiện khả năng cải thiện lãi gộp của công ty. 

Với ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ đi ngang, giá bán trung bình không tăng, chi phí bán hàng và quản lý sẽ tăng, VDSC ước tính lợi nhuận của Vinamilk trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 10.700 tỷ đồng, cao hơn năm nay nhưng vẫn thấp hơn so với 2020.

VNM là một trong những cổ phiếu được các công ty chứng khoán lớn dành nhiều sự quan tâm, có nhiều báo cáo phân tích nhất. Tuy nhiên, dường như mỗi bên lại đều có quan điểm riêng về triển vọng của VNM. Còn trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Vinamilk có lẽ sẽ vẫn phải kiên nhẫn để tự tìm câu trả lời cho mình.

Việt Đức/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vinamilk-nguoi-khong-lo-loay-hoay-hay-dang-cho-thoi-co-moi-20211122114703283.htm

  • Từ khóa