Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kỳ họp chuyên đề tháng 12/2021

Thứ 3, 23.11.2021 | 08:48:24
727 lượt xem

Chiều 22/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ hai; việc chuẩn bị kỳ họp chuyên đề tháng 12/2021 và kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Duy Linh

Sau khi nghe báo cáo nội dung và các ý kiến thảo luận về tổng kết kỳ họp thứ hai, phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các ý kiến đều thống nhất đánh giá kỳ họp thứ hai tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Kỳ họp đã tập trung giải quyết nhiều việc trọng yếu quốc gia, nhiều việc khó như hoàn thiện khuôn khổ cho kế hoạch 5 năm về kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, quy hoạch quốc gia về sử dụng đất...

Các nội dung quan trọng đã bám sát chủ trương của Trung ương trong cả quá trình chuẩn bị và trong kỳ họp. Một số việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thí điểm tại kỳ họp đã đạt thống nhất cao và thực hiện với kết quả tốt. Kỳ họp còn thể hiện sự đồng thuận rất cao và bảo đảm an toàn, thông suốt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kỳ họp với nội dung nhiều, trong khi thời gian ngắn nhưng vẫn đạt chất lượng cao; nhất là chất lượng các nghị quyết, quyết định của Quốc hội. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay từ bây giờ đối với các nội dung, chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Về dự kiến tổ chức kỳ họp chuyên đề tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội lưu ý kỳ họp này chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, tại kỳ họp bất thường này, nhiều nhất chỉ đưa vào 5 nội dung đã thống nhất với Chính phủ. Theo Chủ tịch Quốc hội, đến thời điểm này vẫn chưa khẳng định có hay không có kỳ họp bất thường vì còn phụ thuộc vào công tác chuẩn bị.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về việc chuẩn bị kỳ họp chuyên đề tháng 12/2021, Quốc hội dự kiến xem xét 5 nội dung đã thống nhất, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Sáng cùng ngày, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan giám sát phải thể hiện chính kiến về tình trạng không chỉ chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà còn ban hành văn bản trái với quy định của pháp luật dẫn tới phải hủy bỏ, thu hồi; tránh nêu và rút kinh nghiệm chung chung. Theo chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội để đánh giá tổng thể về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Mục tiêu đề ra của công tác này nhằm nghiên cứu giải pháp để xử lý tình trạng văn bản có nội dung sai hoặc chưa rõ ràng, cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Từ đó, có phương án giải quyết những khó khăn đã chỉ ra trong quá trình thực hiện giám sát và xem xét các kiến nghị đưa ra để thực hiện công tác này ngày càng hiệu quả và chất lượng nhằm mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Cũng trong ngày 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc. Nhấn mạnh đây là Hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung này rất cần thiết, đã được Chính phủ hai nước bắt đầu đàm phán từ năm 2015 và đã thống nhất được nhiều nội dung lớn. Đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung, đánh giá tác động kỹ hơn về mặt tài chính, từ đó thúc đẩy sớm ký kết hiệp định trong thời gian tới. 

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-ky-hop-chuyen-de-thang-12-2021-675052/

  • Từ khóa