Linh hoạt, hiệu quả trong ứng phó sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn

Thứ 7, 27.11.2021 | 09:27:54
843 lượt xem

Miền Trung-Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, những thảm họa thiên tai như: Bão lũ, hạn hán, cháy rừng... thường xuyên xảy ra và ngày càng cực đoan, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong ứng phó sự cố, thiên tai và cứu hộ, cứu nạn (CHCN), các đơn vị quân đội trên địa bàn thường xuyên đổi mới công tác huấn luyện theo hướng bám sát thực tế, ứng phó nhanh, linh hoạt, hiệu quả. 

Huấn luyện sát thực tế

Trung tá Ninh Văn Thơ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vượt sông 3 (Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3), là người trực tiếp chỉ huy đơn vị ứng cứu, vận chuyển người, hàng hóa của nhân dân trong cơn bão số 2 năm 2019 tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Bằng phương pháp lắp ghép phà PMP và dùng thuyền nhôm, máy đẩy, Tiểu đoàn vượt sông 3 đã vận chuyển 634 chuyến với 1.169 người, cùng hàng trăm tấn hàng hóa, máy móc, xe cộ qua sông Pô Cô an toàn.

Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mưa bão, nước sông Pô Cô dâng cao, cuốn trôi cả cầu dân sinh, người dân không dám tiếp cận hiện trường đã để lại cho Trung tá Ninh Văn Thơ nhiều bài học quý giá. “Giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc CHCN là nhiệm vụ chiến đấu thời bình, từ đó xây dựng quyết tâm và nỗ lực cao nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Tình huống CHCN diễn ra nhanh, nguy hiểm, đòi hỏi người chỉ huy phải có tư duy độc lập, quyết đoán; bộ đội phải thành thạo các kỹ năng và hiệp đồng chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...”, anh Thơ chia sẻ.

Linh hoạt, hiệu quả trong ứng phó sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn

Lữ đoàn Công binh 7 và các lực lượng cứu hộ 3 người dân bị mắc kẹt ở đập tràn Nhà máy thủy điện Đắk Srông.

Những bài học đó được Trung tá Ninh Văn Thơ vận dụng khi trực tiếp huấn luyện và bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới để làm giáo viên của Lớp tập huấn CHCN năm 2021 do Quân đoàn 3 tổ chức mới đây.

Các khoa mục, nội dung huấn luyện: Quy trình xử lý tình huống sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phương pháp vận chuyển người, trang bị, vật chất ra khỏi vùng lũ lụt, cháy nổ, sập đổ công trình; thực hành lắp ghép, sử dụng bộ vượt sông nhẹ VSN-1500, lái xuồng cao tốc ST450, ST660, ST750 tham gia CHCN... trở nên sinh động hơn, thực chất hơn; nhiều tình huống thực tiễn được đặt ra để cán bộ, nhân viên tham gia tập huấn bàn bạc, xử trí. Qua đó đã nâng cao năng lực chỉ huy, xử trí tình huống của cán bộ và kỹ năng CHCN cho nhân viên.

Kết quả huấn luyện đã phát huy hiệu quả ngay khi Lữ đoàn Công binh 7 tham gia cứu hộ 3 người dân bị mắc kẹt giữa chân đập tràn Nhà máy thủy điện Đắk Srông (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) ngày 10-11-2021 một cách nhanh chóng, an toàn và 4 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của đơn vị được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.

Trước yêu cầu nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, CHCN, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên ngày càng cao và cấp thiết, Đảng ủy Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5) đã ra nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung sức lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện CHCN theo phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc".

Chú trọng huấn luyện thực hành để nâng cao khả năng cơ động, sức chịu đựng của bộ đội trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường thực hiện nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm. Trung tá Đào Duy Tân, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn Bộ binh 2, cho biết, hằng năm, sư đoàn chỉ đạo các đơn vị huấn luyện cho bộ đội thuần thục các kỹ năng, kỹ thuật CHCN. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ phương án, lực lượng, phương tiện bảo đảm cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có tình huống.

Nhờ đó, sư đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, CHCN. Năm 2017, khi bão số 12 Damrey đổ bộ vào hai huyện Krông Bông và M’Drắk (tỉnh Đắc Lắc), ngay lập tức sư đoàn điều hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 giúp bà con thu hoạch hơn 8ha hoa màu, sửa 64 nhà dân, hàng chục km đường giao thông và 15 cầu dân sinh, giảm bớt thiệt hại tài sản và tính mạng cho nhân dân.

Nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả

Tìm hiểu tại tỉnh Bình Định chúng tôi ghi nhận, Bộ CHQS và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn công tác CHCN. Với một tỉnh có trên 6.300 phương tiện tàu cá, trong đó trên 2.300 tàu công suất lớn, hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ thì việc kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú khi có bão và CHCN trên biển hết sức quan trọng.

Để làm được điều này, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng, trang bị hệ thống thông tin liên lạc kết nối giữa đất liền với tàu cá của ngư dân. Tổ chức 4 trạm thông tin liên lạc hoạt động 24/24 giờ tại Sở chỉ huy và các đồn biên phòng: Tam Quan Nam, Cát Khánh, Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn. Lực lượng này được huấn luyện tinh thông nghiệp vụ, là "tai mắt" và "cánh tay nối dài" của BĐBP ở ngoài biển.

Trong tháng 10 vừa qua, trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, chỉ trong một thời gian ngắn, BĐBP tỉnh Bình Định đã phối hợp các lực lượng thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho 5.516 phương tiện với 38.483 lao động vào bờ tránh trú an toàn. 

Bộ CHQS tỉnh Bình Định hằng năm ngoài việc kiện toàn các tổ phản ứng nhanh và tăng cường huấn luyện, diễn tập CHCN, còn huy động nguồn ngân sách địa phương đầu tư mua sắm, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị phù hợp với thực tiễn công tác CHCN.

Phát động, khích lệ cán bộ, chiến sĩ tham gia phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đã cho ra đời "Bộ giá liên kết gắn máy đẩy xuồng VSN-1500", "Rơ-moóc kéo tàu"... có tính cơ động cao, hoạt động hiệu quả ở vùng nước chảy xiết, góp phần giúp lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ CHCN trong những năm qua.  

Linh hoạt, hiệu quả trong ứng phó sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn
Quân đoàn 3 tập huấn huấn luyện cứu hộ, cứu nạn năm 2021.

 Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 3) là đơn vị nhiều lần thực hiện nhiệm vụ dập lửa cứu rừng và tài sản của nhân dân. Một trong những bài học kinh nghiệm được đơn vị tổng kết là: Tác chiến với “giặc lửa” cũng phải nhanh như tác chiến với “giặc lái”. Vì vậy, lữ đoàn xác định, ngoài thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” phải tăng cường huấn luyện, rèn luyện bộ đội thường xuyên, liên tục và sát thực tế nhiệm vụ.

Thượng tá Trần Duy Hải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo phòng không 234, cho biết: “Lữ đoàn sẽ phát tín hiệu báo động phòng, chống cháy rừng, CHCN bất cứ lúc nào, kể cả giờ nghỉ, ngày nghỉ, đêm khuya. Trên cơ sở đó đánh giá toàn diện, chính xác khả năng thực hiện nhiệm vụ từ phương án, vật chất, trang bị đến tác phong, hành động của cán bộ, chiến sĩ ở trong mọi thời điểm, mọi tình huống. Thiếu và yếu chỗ nào sẽ bổ sung ngay lập tức, bảo đảm cho đơn vị luôn ở trạng thái sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay”.

Cũng nhờ xác định tốt nhiệm vụ và công tác huấn luyện, chuẩn bị chu đáo nên khi có tình huống, Lữ đoàn Pháo phòng không 234 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2020, lữ đoàn đã kịp thời dập tắt lửa cứu hơn 60ha rừng thông trên núi Hàm Rồng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai); sơ tán người và nhiều tài sản có giá trị trong vụ hỏa hoạn tại nhà kho của Công ty TNHH Thành Công (TP Pleiku).


Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/linh-hoat-hieu-qua-trong-ung-pho-su-co-thien-tai-cuu-ho-cuu-nan-678728

  • Từ khóa