Tỉnh Lào Cai có hơn 70% lao động là người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn vùng cao, vùng sâu. Vì vậy, tỉnh tập trung đào tạo nghề gắn với thực tế vùng miền, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, coi đó là động lực xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Nhà máy chế biến dứa hộp xuất khẩu ở huyện vùng cao Mường Khương, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Đến thôn Hoàng Phì Chày, xã Tả Ngải Chồ, huyện vùng cao biên giới Mường Khương (Lào Cai), chúng tôi gặp anh Giàng Seo Pao, sinh năm 1990, dân tộc H’Mông. Do thiếu việc làm, Pao sang Trung Quốc làm thuê, dịch Covid-19 bùng phát, đến tháng 3/2021, Pao trở về quê, ở nhà làm ruộng nương, chăn nuôi.
Biết tin Trung tâm dịch vụ việc làm Lào Cai vào tận xã giới thiệu việc làm và tuyển nhân công, Pao và 5 thanh niên khác trong xã đăng ký tham gia và được giới thiệu làm việc ở một công ty sản xuất máy văn phòng tại tỉnh Hải Dương. Pao cho biết, công việc không nặng nhọc, môi trường sạch sẽ, ăn uống bảo đảm, thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/tháng, nên Pao xin phép công ty trở về nhà tính chuyện đưa cả vợ đi làm cùng mình, các con tạm gửi nhờ ông bà ở quê một thời gian, rồi tính sau. “Ở nhà chỉ làm nông, thu hoạch cũng chẳng bao nhiêu. Hai vợ chồng nếu cùng đi làm thì cũng được khá, Pao chia sẻ.
Chị Hoàng Ngọc Linh, dân tộc Tày, ở xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề nông-lâm tại trường Cao đẳng Lào Cai. Trong thời gian tham gia khóa học, chị được hỗ trợ học phí là 300.000 đồng/khóa, 200.000 đồng chi phí đi lại và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày. Sau khi tốt nghiệp, chị tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai để nộp hồ sơ tuyển dụng và được giới thiệu vào làm việc tại Nhà máy chế biến rau quả ở tỉnh Bắc Giang. Chị Linh phấn khởi cho biết, không chỉ được hỗ trợ ăn ca, chị cùng các công nhân khác được hưởng mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, mọi quyền lợi về an sinh, xã hội đều được bảo đảm theo đúng hợp đồng lao động đã ký kết.
Không chỉ đào tạo nghề và kết nối việc làm, các chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia việc làm được triển khai đồng bộ, tạo thuận lợi cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như chị Tẩn Thị Su (dân tộc Mông), Giám đốc Công ty SaPa O’Châu; chị Nông Văn Lương (dân tộc Giáy), chủ chuỗi nhà hàng, trang trại cá nước lạnh ở Sa Pa; chị Hà Thị Vân (dân tộc Tày) khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, trong 2 năm 2020 và 2021, Sở đã thực hiện cho vay hơn 4.000 dự án, với số tiền cho vay hơn 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt trong phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động.
Để giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn vùng cao, vùng sâu, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chủ động khảo sát nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Các cơ sở giáo dục, dạy nghề tập trung vào các ngành sản xuất truyền thống sẵn có như: kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn, hướng tới phát triển các lĩnh vực ngành nghề mới như du lịch cộng đồng, kỹ thuật xây dựng… Bên cạnh đó, liên kết với các trường cao đẳng nghề có chất lượng đào tạo tốt trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề trình độ trung cấp song song với học văn hóa trung học phổ thông, bảo đảm cho học viên vừa có bằng trung cấp nghề, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, nhờ vậy đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, nâng cao khả năng tạo việc làm cho học viên, nhất là người dân tộc thiểu số.
Hiện tại, tỉnh Lào Cai có 14 cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, với năng lực đào tạo khoảng 9.500 lao động/năm, bên cạnh đó liên kết với các cơ sở ngoài tỉnh đào tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động/năm. Trong 2 năm qua, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 28 nghìn người, trong đó có 21 nghìn người tìm được việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đào tạo cho hơn 20 nghìn lao động, trong đó có hơn 15 nghìn lao động có việc làm sau đào tạo, số còn lại tự tạo việc làm.
Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, vào làm việc tại Nhà máy ván dán xuất khẩu Bảo Yên, nhờ vậy có thu nhập cao, ổn định.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai Trương Hồng Trường cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tại Lào Cai đã có khoảng 700 vị trí việc làm được kết nối thành công thông qua gần 60 phiên giới thiệu; 65% trong số đó dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập tối thiểu hàng tháng của mỗi lao động vào khoảng 7-8 triệu đồng. Ngoài cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nội tỉnh, nhiều vị trí việc làm được bố trí tại các đơn vị lớn ngoại tỉnh như Tổng công ty khoáng sản Vinacomin, Công ty Brother Việt Nam, Công ty Tinh Lợi Hải Dương, Công ty Gerniza Hải Phòng…, góp phần tích cực giải quyết việc làm và thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống người lao động ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu của tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt hơn 65%; số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493.320 người, trong đó 66% lao động là người dân tộc thiểu số. Đồng thời giai đoạn này, Lào Cai đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ với 20.120 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Đinh Văn Thơ, để làm được điều đó, tỉnh sẽ tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lào Cai sẽ tăng cường đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư chương trình giảm nghèo bền vững, trợ giúp thiết thực cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư còn nhiều khó khăn; đầu tư phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, tăng cường phát triển các mô hình hợp tác xã. Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản có ưu thế như dứa, quýt, chuối, cây ăn quả ôn đới, gắn với nhà máy chế biến nông sản để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động ở địa phương.
QUỐC HỒNG/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/lao-cai-tao-viec-lam-cho-lao-dong-nguoi-dan-toc-thieu-so-676802/