Thầy giáo thể dục đánh, tát nhiều học sinh: Nghịch lý "nghề cao quý"?

Thứ 7, 11.12.2021 | 15:18:23
1,108 lượt xem

Vụ thầy giáo thể dục bạo hành dã man nhiều học sinh tại Trường THCS Mường Cang, Lai Châu gây phẫn nộ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo và cần xử lý nghiêm.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip hơn 20 giây ghi lại cảnh một người đàn ông mặc áo khoác đỏ, có hành động túm tóc, tát liên tiếp vào mặt, đầu, dùng chân đá vào ít nhất hai nam sinh trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Người này sau đó còn đi vào phòng hỏi thêm các học sinh khác với thái độ tức giận và lời lẽ mất kiểm soát.

Được biết, sự việc xảy ra tại Trường THCS Mường Cang (xã Mường Cang, Than Uyên, Lai Châu). Người đánh học sinh là thầy giáo thể dục của trường. Nguyên nhân được cho là các em không vâng lời thầy giáo và không thực hiện đúng chức năng của học sinh trong giờ học.

Vụ việc trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà giáo. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ trước hành vi bạo lực, đánh đập học trò.

Không thể trò sai là thầy đánh

"Xem xong clip, tôi vừa bàng hoàng, vừa thấy xót xa mặc dù đây không phải lần đầu tiên clip bạo hành học sinh xuất hiện. Clip chỉ dài 22 giây nhưng tôi không đủ can đảm xem liền mạch, phải tạm dừng giữa chừng để ngăn nước mắt và cảm xúc tức giận khi chứng kiến hành vi bạo lực đầy dã man ấy.

Nhìn cách các em học sinh đưa tay che mặt, né đòn… thực sự đau lòng quá. Tôi tự hỏi, thầy giáo kia đã làm cha hay chưa, liệu thầy có mảy may thương xót khi "xuống tay" tàn nhẫn với các em đến vậy?" - cô Vũ Ngọc Linh (giáo viên trường THCS tại Nam Định) chia sẻ.

Thầy giáo thể dục đánh, tát nhiều học sinh: Nghịch lý nghề cao quý? - 1

Hình ảnh thầy giáo đánh học sinh xảy ra tại Trường THCS Mường Cang. (Ảnh cắt từ clip)

Cô Linh cho hay, dù thầy giáo có biện minh cho hành vi của mình với lý do gì đi chăng nữa, nhưng việc sử dụng bạo lực để "giáo dục" học sinh là không thể chấp nhận được. Nghề giáo được coi là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Vậy mà một thầy giáo thể dục với 17-18 năm kinh nghiệm trong ngành lại có hành động đánh đập học sinh dã man, đúng là nghịch lý. Nếu không có video này, không biết vụ việc và hậu quả sẽ còn tiếp diễn ra sao?

Đồng quan điểm, giảng viên Nguyễn Q.N. (trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng) cho hay, đây là vụ việc vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Nhà giáo này phân tích: "Sự việc này xảy ra, nguyên nhân được cho là học sinh không vâng lời thầy giáo trong giờ học. Vì thế, hành động đánh học trò của giáo viên có thể là muốn duy trì kỷ luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kỷ luật không đồng nghĩa với bạo lực. Sử dụng bạo lực đối với các em nghĩa là người thầy đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề giáo "Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học"; đồng thời vi phạm điều luật đã được hiến định.

Không chỉ đau đớn về thể xác, những học sinh nam trong vụ việc trên còn chịu tổn thương lớn về danh dự, nhân phẩm. Ngày một, ngày hai, vết bầm tím trên khuôn mặt có thể lành; nhưng nỗi đau tinh thần, sự ám ảnh khi bị chính người thầy đánh đập, sẽ tồn tại dai dẳng trong các em".

Giảng viên này cho hay, học sinh đến trường để học những cái hay, cái đẹp, chứ không phải là "bài học" mang tính tiêu cực. Và những người thầy đến trường là để gieo mầm kiến thức, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các em, không thể trò sai là thầy đánh, dù "chỉ là muốn tốt cho học sinh và coi các em như con cháu trong nhà".

"Thầy giáo trong clip chẳng khác gì "con sâu làm rầu nồi canh". Nếu không xử lý nghiêm, loại bỏ những cá nhân có hành vi bạo lực ra khỏi ngành giáo dục, tôi e rằng dần dà, chuyện đánh học sinh sẽ trở nên bình thường trong xã hội. Như vậy, lớp học sẽ tồn tại những chuyện phản giáo dục như một nhà tù, trẻ không tìm thấy ở đó niềm vui" - cô Nguyễn Q.N. nhấn mạnh.

Giáo dục phải bằng tình thương

Trong khi đó, thầy Hoàng V.Đ. (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) cho biết, khi đánh giá một sự việc bất kỳ, cần nhìn nhận trên nhiều phương diện. Ở góc độ nào đó, thầy Đ. bày tỏ sự đồng cảm với tâm trạng bức xúc khi học sinh không nghe lời thầy giáo trong giờ học thể dục. Bởi thực tế, mỗi giáo viên đứng trên bục giảng đều mong học trò ngoan ngoãn, nghe lời, hình thành nề nếp… Và đôi khi trong lớp xuất hiện một vài học sinh ngỗ nghịch, phá vỡ trật tự của lớp nên giáo viên phải có biện pháp để duy trì trật tự.

"Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi cổ súy cho hành động bạo hành học sinh của nhà giáo này. Một giáo viên có kỹ năng sư phạm sẽ biết cách duy trì trật tự của lớp sao cho phù hợp, hiệu quả. Học sinh cần phải được giáo dục bằng tình thương, sự linh hoạt và thấu hiểu.

Còn khi sử dụng bạo lực, giáo viên chỉ là đang tìm cách giải quyết "phần ngọn" của vấn đề, không những không làm học sinh tốt lên mà thậm chí còn khiến sẽ lcác em thêm thù hận, mất dần đi sự kính trọng với giáo viên. Đòn roi còn thể hiện sự bất lực trong kỹ năng sư phạm và khả năng kiềm chế bản thân của nhà giáo" - thầy Đ. phân tích.

Theo đó, thay vì bực tức và hành hạ thân thể của trẻ, giáo viên cần bình tĩnh, tùy vào từng tình huống xảy ra để tìm biện pháp giáo dục tối ưu nhất, ví dụ như trò chuyện cùng học sinh để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

"Tuy nhiên, khả năng kiềm chế cảm xúc không phải tự dưng mà có, cần phải trau dồi và rèn luyện thường xuyên. Nhưng dù khó thế nào, cũng phải cố gắng, nhất là đối với những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Phải để môi trường giáo dục luôn là nơi thể hiện tình thầy trò một cách chân thành, kính trọng và thương yêu; để các thế hệ học sinh được hình thành nhân cách đúng đắn…".

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Hòa (Gia Lai) cho hay, qua sự việc đáng buồn này, mỗi giáo viên cần nhìn lại cách ứng xử cũng như đạo đức nghề nghiệp cho bản thân. Xét về khía cạnh đạo đức, đa số thầy cô vẫn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người lại tự làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt học trò và xã hội; điển hình như sự việc thầy giáo thể dục đánh nhiều nam sinh hay vụ giảng viên mắng học trò là "óc trâu" xảy ra trước đó.

"Thời nào cũng vậy, người thầy luôn gánh trên mình trọng trách lớn lao, nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang, đó là trách nhiệm "trồng người". Để hoàn thành trọng trách ấy, người giáo viên không chỉ cần có trình độ chuyên môn mà hơn hết phải đặt cái tâm, đạo đức của mình vào nghề.

Giáo viên đánh học sinh cho thấy, kỹ năng sư phạm của một bộ phận nhà giáo hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Do đó, hy vọng những người "gieo chữ" như chúng tôi sẽ được bồi dưỡng bài bản về kỹ năng ứng xử để xây dựng sự lành mạnh cho môi trường giáo dục.

Nhưng theo tôi, quan trọng nhất, các thầy cô giáo hãy tự bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ của mình, ý thức về nghề nghiệp và khả năng nắm bắt tâm lý học sinh. Trước khi làm việc gì hay ứng xử với các em thế nào, thầy cô hãy cân nhắc hậu quả và đem chuẩn mực đạo đức nhà giáo ra soi".


Kiều Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/thay-giao-the-duc-danh-tat-nhieu-hoc-sinh-nghich-ly-nghe-cao-quy-20211211104906056.htm

  • Từ khóa