Xuất khẩu giữ vững "phong độ" (*): Tạo đà bứt phá

Thứ 7, 11.12.2021 | 15:18:11
825 lượt xem

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 tăng trưởng 13%-15%

Ngoài các sản phẩm xuất khẩu chủ lực từ ngành nông nghiệp, một số lĩnh vực khác cũng ghi nhận tốc độ hồi phục mạnh mẽ từ trong đại dịch Covid-19 với thành tích xuất khẩu nổi trội.

Dệt may, thép về đích sớm

Từ chỗ không tự tin với khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong khi sản lượng liên tiếp giảm trong 3 tháng 7, 8, 9 vừa qua, chỉ trong 2 tháng sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, ngành dệt may đã tăng tốc thần kỳ với doanh thu xuất khẩu cả năm ước đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Con số này còn cao hơn doanh thu xuất khẩu của năm 2019 - khi chưa có dịch Covid-19.

"Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Tiền đề tăng trưởng âm 9,8% của năm 2020 khiến dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo. Năm 2021, dịch bùng phát rộng khiến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) gần như đóng băng, không thể trả đơn hàng cho đối tác. Chỉ đến khi Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành thì sản xuất của DN mới bắt đầu hồi phục" - ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho hay.

Xuất khẩu giữ vững phong độ (*): Tạo đà bứt phá - Ảnh 1.

Ngành dệt may về đích với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11,2% so với năm 2020. Ảnh: TẤN THẠNH

Đại diện VITAS cho biết hiệp hội đã xây dựng 3 kịch bản mục tiêu cho năm 2022. Ở kịch bản tích cực nhất, kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5-43,5 tỉ USD. Với kịch bản trung bình, xuất khẩu cả năm đạt 40-41 tỉ USD và kim ngạch xuất khẩu dệt may trong kịch bản xấu nhất là 38-39 tỉ USD. Như vậy, ở phương án thấp nhất, ngành dệt may vẫn tự tin thành tích xuất khẩu năm sau sẽ bằng năm nay.

Với ngành thép, số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy 11 tháng năm 2021, ngành này chính thức bước chân vào câu lạc bộ các mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thép cả nước đạt 10,8 tỉ USD. Đây cũng là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ cao nhất với 129,8%.

Dự báo xuất khẩu thép trong tháng cuối năm 2021 vẫn còn nhiều triển vọng bởi việc thiếu hụt nguồn cung thép, xi-măng từ Trung Quốc có thể tiếp tục kéo dài sang quý đầu năm mới. Các thị trường động lực khác như châu Âu (EU), Mỹ, ASEAN cũng tiếp tục phát tín hiệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu sắt, thép đang gia tăng để phục vụ cho tiến trình hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch.

Các DN có năng lực sản xuất và xuất khẩu lớn trong ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim... được hưởng lợi lớn khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường quốc tế tăng mạnh. Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, trong tháng 11 vừa qua, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ các loại đều tăng cao.

Trong đó, thép xây dựng đạt hơn 100.000 tấn, gấp 2,3 lần so với năm ngoái. Riêng mặt hàng tôn đạt sản lượng xuất khẩu tới 55.000 tấn/tháng, tăng mạnh ở thị trường Mỹ và EU. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm của DN này đạt 914.000 tấn, tăng đến 90%.

Nhiều dự báo lạc quan

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định trong khoảng 2 tháng cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu dự báo sẽ khởi sắc hơn. Nguyên nhân nhờ dịch bệnh phần nào được kiểm soát, góp phần tạo sự phục hồi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN... Dự báo xuất khẩu năm 2021 có thể đạt 330-336 tỉ USD, tăng 17%-19% so với năm trước. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu được dự báo tăng trưởng13%-15%.

Theo báo cáo "Tương lai thương mại 2030: Các xu hướng và thị trường cần quan tâm" của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam là một trong 13 thị trường quan trọng đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân hơn 7%/năm và đạt hơn 535 tỉ USD vào năm 2030.

Đặc biệt, 41% DN toàn cầu được khảo sát hiện đang có hoạt động sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch sản suất tại Việt Nam trong 5-10 năm tới. Điều này cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại toàn cầu vào 10 năm tới.

"Việc tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do đang mang đến cho Việt Nam nhiều thuận lợi, giúp thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường chuỗi giá trị ở các lĩnh vực cũng như tạo ra việc làm yêu cầu tay nghề cao.

Với lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu và chính sách cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất của thế giới, thu hút các DN nước ngoài đầu tư" - bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, bày tỏ lạc quan với triển vọng tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong tương lai.

Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, báo cáo trên chỉ rõ Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là những thị trường lớn, lần lượt chiếm 26% và 19% tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030. Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường có thể mang đến cho Việt Nam mức tăng trưởng xuất khẩu cao, đạt trung bình 11%/năm trong giai đoạn từ năm 2020-2030.


Thái Phương - Thùy Dương/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/xuat-khau-giu-vung-phong-do-tao-da-but-pha-2021121022331748.htm

  • Từ khóa