Cần chương trình phục hồi kinh tế quy mô đủ lớn

Thứ 2, 13.12.2021 | 08:59:43
552 lượt xem

Việt Nam đang ở vùng trũng của tăng trưởng nên cần thiết phải có chính sách hỗ trợ đủ lớn, đủ bao trùm, đáp ứng được tính cấp thiết để nhanh chóng đi thẳng vào nền kinh tế, mang lại hiệu quả như mong đợi.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Dự kiến tại kỳ họp bất thường diễn ra cuối năm nay, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đề xuất quy mô nguồn lực hỗ trợ 5%-7% GDP

Hiện nay, bên cạnh dự thảo Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị còn có những đề xuất của một số tổ chức nghiên cứu kinh tế về quy mô và nguồn lực của chương trình này.

Nhóm nghiên cứu Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các chuyên gia đề xuất chương trình hỗ trợ có quy mô 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,41% GDP với nguồn lực từ công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa là chủ lực. Thay mặt nhóm nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết cụ thể, gói chính sách tài khóa là 383.200 tỷ đồng (4,71% GDP); gói chính sách tiền tệ khoảng 6.100 tỷ đồng (0,08% GDP); các gói hỗ trợ an sinh xã hội, giảm tiền điện, nước, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số... Đây là giá trị thực chi, còn nếu tính tất cả các nguồn lực tổng thể, quy mô của chính sách phục hồi kinh tế lên đến khoảng 844.000 tỷ đồng, tương đương 10,38% GDP.

trang_trong_1-1639353302014.jpg

Đóng gói và kiểm tra hàng đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). Ảnh: CHÍ TƯỞNG

Với chính sách hỗ trợ này, thâm hụt ngân sách mỗi năm có thể tăng thêm 1 điểm %, các nguồn lực huy động có thể là tiết giảm chi phí, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách, sử dụng một phần dự trữ ngoại hối. “Thế giới đang phục hồi nhanh theo hình chữ V. Nhưng Việt Nam phục hồi theo hình chữ U nên có thể lỡ nhịp phục hồi và không thực hiện được các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 nếu không có chương trình hỗ trợ đặc biệt”, TS Cấn Văn Lực nói.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất gói hỗ trợ có quy mô 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% GDP. Nguồn lực này hỗ trợ cho lĩnh vực y tế 76.000 tỷ đồng; củng cố an sinh xã hội 58.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp lên đến 244.000 tỷ đồng giải ngân trong 2 năm cùng với chính sách hạ mặt bằng lãi suất để “tiếp máu” cho doanh nghiệp hoạt động trong khu vực phi tài chính. Đồng thời, chi riêng cho đầu tư công 288.000 tỷ đồng đi cùng với thúc đẩy cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ở vùng trũng của tăng trưởng nên cần thiết phải có chính sách hỗ trợ đủ lớn, đủ cấp thiết để nhanh chóng đi thẳng vào nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, dư địa chính sách có thể cho phép Việt Nam nâng quy mô gói hỗ trợ tài khóa lên khoảng 5-7% GDP để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là để kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ ưu tiên cho chi tiêu y tế, bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân và doanh nghiệp. Về dài hạn cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp, từ hỗ trợ tài chính sang hỗ trợ về kinh tế, hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh thay vì hỗ trợ số đông.

Quan trọng là năng lực hấp thụ

Một trong những yếu tố quan trọng phải tính toán nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế-xã hội là năng lực hấp thụ của nền kinh tế và doanh nghiệp.

TS Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhưng một số chính sách không được thực hiện đầy đủ; đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận do gặp phải rào cản về thủ tục và cơ chế thực hiện. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm để triển khai các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Theo TS Phan Đức Hiếu, năng lực hấp thụ chương trình phục hồi kinh tế phụ thuộc vào cơ chế phân bổ và tiếp nhận nguồn lực; lựa chọn đúng đối tượng, đúng mục tiêu; đáp ứng đúng và đủ nhu cầu; năng lực của đối tượng tiếp nhận và môi trường thể chế.

 “Chính sách vay để trả lương cho người lao động rất được kỳ vọng nhưng nhiều tháng sau vẫn không có doanh nghiệp nào tiếp cận được vì không đáp ứng đủ điều kiện. Đó là bài học rất lớn trong xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nói chung và do tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian tới. Đối với chương trình lớn và dài hạn về phục hồi và phát triển kinh tế thì yếu tố này đặc biệt trở nên quan trọng. Cơ chế, thủ tục không phù hợp có thể dẫn đến khả năng lạm dụng và ngược lại, cơ chế phức tạp, không hợp lý có thể tạo thêm gánh nặng chi phí, tạo rào cản pháp lý và gây méo mó, bất bình đẳng”, TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kết quả khảo sát từ trước đến nay cho thấy thời gian có thể cầm cự được đối với doanh nghiệp trong đại dịch là tương đối ngắn, đòi hỏi cần có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi một cách kịp thời và hiệu quả. Khi có các chính sách hỗ trợ, việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định là rất quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh. Các cơ quan nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuận lợi trong tiếp cận thông tin.

Đồng thời hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể. Một vấn đề khác cần lưu ý là nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền. Các chủ trương và chính sách của Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được ban hành gần đây được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần ban hành văn bản hướng dẫn sao cho các thủ tục được minh bạch và thuận lợi, giảm thiểu quy định về yêu cầu chứng minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


TÔ HÀ/nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhan-dinh/can-chuong-trinh-phuc-hoi-kinh-te-quy-mo-du-lon-677973/

  • Từ khóa