Đề xuất sáp nhập 2 đơn vị tại Bộ Ngoại giao thành một Cục, chuyển đổi mô hình tổ chức Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia và giảm 3 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ…
Theo hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Ngoại giao đề xuất giảm một đơn vị so với hiện hành do việc hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu và Công nghệ thông tin.
Bộ Ngoại giao cũng đề xuất chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Nghiệp vụ biên phiên dịch. "Việc chuyển đổi này trên thực tế là sự định danh lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đang được giao cho đơn vị thực hiện, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế"- Bộ Ngoại giao cho hay.
Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao được xây dựng tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Vietnamnet).
Theo lý giải, Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Bộ Ngoại giao với chức năng, nhiệm vụ chính là phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Đây cũng là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước và cung cấp biên, phiên dịch cho các bộ, ngành và tổ chức khác khi có yêu cầu.
Những đặc thù trong công tác đòi hỏi cán bộ của Trung tâm phải được tuyển chọn, sàng lọc hết sức kỹ lưỡng, đào tạo thường xuyên trong thời gian dài, không chỉ bảo đảm có trình độ ngoại ngữ nổi trội mà còn phải có chuyên môn đối ngoại, ý thức, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Mặt khác, do những giới hạn trong quy định về bảo vệ bí mật nhà nước đối với viên chức, mô hình đơn vị sự nghiệp của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia không bảo đảm yêu cầu bảo mật. Do vậy, Bộ Ngoại giao cho rằng việc chuyển đổi Trung tâm thành Vụ Nghiệp vụ biên phiên dịch là cần thiết trên cơ sở không làm phát sinh đầu mối tổ chức và kinh phí hành chính được giao.
Tại dự thảo nghị định nói trên, Bộ Ngoại giao đề xuất đổi tên Vụ Hợp tác kinh tế đa phương thành Vụ Hợp tác kinh tế đa phương và Mê Công để phù hợp với định hướng, chủ trương "đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế liên quan trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng".
Việc đổi tên cũng phù hợp với vai trò của Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về hợp tác tiểu vùng, thành lập theo Quyết định số 12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với nhiệm vụ chính là chỉ đạo và điều phối chung sự tham gia của Việt Nam tại các khuôn khổ hợp tác Mê Công.
Giảm 3 phòng tại các Vụ
Về việc tổ chức phòng trong Vụ, Bộ Ngoại giao đã rà soát các quy định của Nghị định số 123/2016 và Nghị định số 101/2020 về tiêu chí thành lập phòng, đánh giá kỹ hiệu quả của việc tổ chức phòng tại các Vụ thuộc Bộ, cũng như thông lệ quốc tế, những đặc thù trong hoạt động đối ngoại của các đơn vị này.
Đối ngoại là lĩnh vực có những quy tắc chặt chẽ về quan hệ thứ bậc, đối đẳng, đối xử công bằng; những sơ suất nhỏ về lễ tân có thể được hiểu nhầm là thái độ chính trị. Theo thông lệ quốc tế và tham khảo kinh nghiệm tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN và các quốc gia có quy mô dân số, trình độ phát triển cao hơn hoặc tương tự Việt Nam, các Vụ thuộc Bộ Ngoại giao thường được tổ chức theo mô hình Tổng Vụ, bên dưới chia thành các Vụ và/hoặc các phòng.
Trong đàm phán, tiếp xúc đối ngoại, tùy theo tính chất, nội dung trao đổi và cấp làm việc của đối tác, các nước sẽ cử cán bộ có chức vụ, chức danh tương ứng làm Trưởng đoàn hoặc chủ trì đàm phán, bảo đảm nguyên tắc đối đẳng trong hoạt động ngoại giao, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại Việt Nam, thực tiễn hoạt động đối ngoại cho thấy, cấp làm việc của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không chỉ là Đại sứ, Phó Đại sứ… mà còn rất nhiều trường hợp khác là cấp Tham tán, Bí thư thứ nhất, Bí thư thứ hai…Trong trường hợp đó, các Vụ thuộc Bộ Ngoại giao cần cử cán bộ có chức vụ tương ứng như Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng…chủ trì làm việc.
"Việc không có cán bộ có các chức danh, chức vụ tương xứng trong tiếp xúc đối ngoại sẽ gây ra những bất cập, thậm chí hiểu lầm và có thể ảnh hưởng đến kết quả trao đổi, làm việc"- tờ trình dự thảo nghị định phân tích.
Mặt khác, thực tiễn triển khai tổ chức phòng tại một số Vụ của Bộ Ngoại giao thời gian qua đã phát huy hiệu quả cao và trở thành cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý rất tốt trước khi được bố trí đảm nhận những cương vị cao hơn. Theo đó, trên cơ sở đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật, việc duy trì cấp phòng tại một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao là cần thiết, phục vụ thiết thực cho việc triển khai nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn do tình hình quốc tế và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng, yêu cầu xử lý khẩn trương, kịp thời.
Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ giảm 3 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ, đồng thời giữ nguyên số lượng 7 Vụ được tổ chức phòng trong tổng số 16 Vụ thuộc Bộ (kể cả Vụ Nghiệp vụ biên phiên dịch).
Cụ thể như sau: Vụ Châu Âu được tổ chức 5 phòng; các Vụ: Tổ chức Cán bộ, Luật pháp và Điều ước quốc tế tổ chức 4 phòng; các Vụ: Châu Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương, Trung Đông-Châu Phi tổ chức 3 phòng.
"Bỏ quy định về số lượng phòng tại các đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Cục thuộc Bộ để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định 101/2020"- dự thảo tờ trình nghị định nêu.
Thế Kha/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/co-cau-to-chuc-cua-bo-ngoai-giao-se-nhu-the-nao-20211216184954555.htm