Chăm lo, hỗ trợ công nhân, lao động trong khó khăn

Thứ 6, 17.12.2021 | 14:28:50
643 lượt xem

Năm 2021 sắp qua, dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của hàng triệu công nhân, viên chức, lao động. Trong muôn vàn gian khó, hình ảnh vai trò, năng lực của tổ chức công đoàn, đội ngũ cán bộ công đoàn một lần nữa được thể hiện một cách nổi bật.


Ðại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao quà tặng các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhận thức của các cấp công đoàn về tập trung các nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động có chuyển biến quan trọng, bước đầu hình thành cơ chế chăm lo, hỗ trợ khi số đông đoàn viên, người lao động gặp khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn.

Các gói hỗ trợ dành cho công nhân, lao động khó khăn

 Có thể nói, chưa khi nào, trong một thời gian ngắn (2020-2021), tổ chức công đoàn lại đưa ra nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động như vậy. Năm 2021 khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, cũng là năm tổ chức công đoàn đưa ra nhiều gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ với hình thức hỗ trợ đặc biệt, như: hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19; ban hành văn bản về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên gặp khó khăn do dịch Covid-19... Triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành văn bản hỗ trợ kinh phí để công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp tổ chức phương tiện đón công nhân, lao động quay lại doanh nghiệp làm việc tại bốn địa phương: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An. Tính đến đầu tháng 12/2021, công đoàn các cấp đã và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Các gói hỗ trợ phủ kín đối tượng, đi vào đời sống nhanh hơn. Hầu hết các chính sách hỗ trợ được đưa ra, chỉ trong vòng một tuần đã đến tay người lao động.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực tuyên truyền, ổn định tư tưởng người lao động để họ yên tâm làm việc; trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động bố trí các ca làm việc hợp lý, bảo đảm tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bị cách ly hoặc do tiếp xúc gần các ca lây nhiễm; theo dõi thông tin dư luận của công nhân lao động trên các trang mạng xã hội để nắm tình hình và định hướng, động viên người lao động không chủ quan, mất cảnh giác và phải bình tĩnh ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Tích cực tham gia với Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và ký túc xá của người lao động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, sức khỏe cho người lao động và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tích cực tham gia xây dựng và kiến nghị với Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đồng thời phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vận động cán bộ, công nhân viên chức và đoàn viên công đoàn tham gia hiến máu, giảm áp lực cho các bệnh viện, cơ sở y tế. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” và “Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19” với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Phối hợp cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chăm lo không để đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói. Tất cả lãnh đạo cấp Tổng Liên đoàn trực tiếp dẫn đầu các đoàn hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà công nhân, lao động tại các tỉnh, thành phố có tình hình dịch diễn biến phức tạp, kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, trực tiếp chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phòng, chống dịch, kiểm tra tình hình phòng, chống dịch, động viên, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn; thăm, hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch một số bộ, ngành trung ương. 

Ðể có được những thành công đó, là nhờ sự lăn lộn, hết mình  của đội ngũ cán bộ công đoàn. Trong hai năm qua, nhất là năm 2021, hàng chục nghìn cán bộ công đoàn các cấp đã vượt mọi khó khăn, ngày đêm căng mình phối hợp các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, họ cũng trở thành một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hàng nghìn cán bộ công đoàn chuyên trách các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành đã làm việc ngày đêm. Ðặc biệt, có nhiều cán bộ công đoàn bám trụ tại doanh nghiệp, nhiều tháng không trở về nhà, hỗ trợ tối đa các lực lượng chuyên môn và vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm tới tận tay công nhân, lao động. Ðối với các tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, cán bộ công đoàn ngày đêm bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo, thông tin kịp thời tình hình, diễn biến dịch với công đoàn cấp trên và cơ quan chức năng. Phân công cán bộ “trực chiến” phối hợp chính quyền, người sử dụng lao động khẩn trương thống kê, truy vết xác định các trường hợp công nhân là F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm tạm thời.

Nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, ban hành các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Ðồng thời, các cấp công đoàn trong cả nước đã có nhiều hoạt động nổi bật, sáng tạo, bám sát tình hình thực tiễn công tác phòng, chống dịch ở địa bàn để hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Tổ chức công đoàn các cấp đã phát huy các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền phòng, chống dịch và kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo người lao động, do đó được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm tin tưởng hỗ trợ.

Một trong những bài học quan trọng nhất của công đoàn các cấp thời gian qua là luôn chủ động tổ chức các hình thức hoạt động chăm lo người lao động thiết thực, hiệu quả. Ngoài các mô hình, cách làm truyền thống, đã sáng tạo mô hình “siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng, ATM gạo, gian hàng lưu động 0 đồng, gói hỗ trợ dinh dưỡng, túi an sinh công đoàn”, “Túi thuốc cho F0”, “Suất cơm nghĩa tình” hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, lực lượng phòng, chống dịch, “Ði chợ cho đoàn viên”, vận động các chủ nhà trọ, các doanh nghiệp trên địa bàn miễn, giảm giá thuê nhà, giảm giá các mặt hàng thiết yếu để kịp thời hỗ trợ công nhân, lao động, nhất là người lao động thực hiện cách ly, phong tỏa tại các khu nhà trọ lương thực, các nhu yếu phẩm thiết yếu, khắc phục khó khăn. Công đoàn cấp huyện nỗ lực, tích  cực phối hợp chặt chẽ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 rà soát và tiếp nhận, cấp phát lương thực, thực phẩm tới tay đúng đối tượng, không kể ngày hay đêm, góp phần tạo niềm tin của cả người ủng hộ và công nhân, lao động trong tiếp nhận và phân phối hàng, hiện vật, quà hỗ trợ.  Chủ động vận động doanh nghiệp thành lập Tổ an toàn Covid tại cơ sở để nắm tình hình đời sống, tư tưởng công nhân, lao động, các ca bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn người lao động phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Chủ động nắm bắt tình hình công nhân lao động, quan hệ lao động, kế hoạch trả lương, thưởng Tết cho người lao động; quan tâm, chăm lo, hỗ trợ kịp thời công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong dịp trước, trong và sau Tết; kịp thời phản ánh những vướng mắc, bất cập, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ, bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Tích cực tham gia cùng chính quyền, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; việc làm, thu nhập của người lao động và các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động; giải quyết nhanh những vụ việc phát sinh, bảo vệ kịp thời quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Trong các cuộc làm việc, hoặc tham gia các Ðoàn kiểm tra doanh nghiệp thực hiện công tác phòng, chống dịch, Công đoàn đều đề xuất với chủ doanh nghiệp thực hiện nghiêm pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là khi xảy ra dịch. Ðề nghị doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bảo đảm mọi người lao động đều có việc làm, ổn định thu nhập. Tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng lao động, không cho thôi việc, góp phần bảo đảm ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành Hướng dẫn 2242/LÐTBXH-TLÐ-PTM, làm cơ sở để các địa phương định hướng việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tích cực tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động, kiến nghị, hướng dẫn, giải đáp để người lao động tiếp cận được gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Năm 2022, dự báo dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động vẫn chưa thể ngày một ngày hai vợi bớt, đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam cần nỗ lực và cố gắng hơn trong chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Việc cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, thật sự là thách thức đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. Sự phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, trọng tâm ngoài khu vực nhà nước đặt ra yêu cầu cao và thực chất hơn đối với hoạt động công đoàn. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” là kim chỉ nam để xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi mãi xứng đáng là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Ðảng và Nhà nước; đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động không ngừng lớn mạnh, là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ÐẶNG THANH HÀ/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/cham-lo-ho-tro-cong-nhan-lao-dong-trong-kho-khan-678595/

  • Từ khóa