Bà Rịa-Vũng Tàu phải phát triển đột phá, nhanh và bền vững

Chủ nhật, 19.12.2021 | 10:14:35
943 lượt xem

Làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí, vai trò hết sức quan trọng, những tiềm năng, lợi thế, khác biệt rất lớn của địa phương; đồng thời, nêu các định hướng lớn để tỉnh phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Chiều ngày 18/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình kinh tế - xã hội. 

Cùng tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí, vai trò hết sức quan trọng, những tiềm năng, lợi thế, khác biệt rất lớn của địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo của tỉnh và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đều đánh giá năm 2021, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh mẽ của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Tỉnh đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Số tiền chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn từ ngân sách lên tới 183,651 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn, tỉnh duy trì tăng trưởng dương, thu ngân sách tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,68%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,51%. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần qua ứng dụng công nghệ cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,2 tỷ USD, tăng 17,2%; xuất khẩu khoảng 5,9 tỷ USD, tăng 15,32%; nhập khẩu khoảng 8,3 tỷ USD, tăng 18,51%.

Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tốt. Mặc dù khó khăn do dịch bệnh nhưng tỉnh vẫn thu hút mới được 76 dự án trong và ngoài nước, điều chỉnh tăng vốn cho 38 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 2,2 tỷ USD. Hạ tầng thiết yếu cho các xã xây dựng nông thôn mới được tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 46/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 19/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 40,43%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo là 70,2%. Các chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năng lực cạnh tranh (PCI), ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) đều thuộc nhóm các địa phương có kết quả cao.

Các lĩnh văn hóa - xã hội đạt nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục đào tạo, y tế được nâng lên; thực hiện các chính sách người có công, giảm nghèo, an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định; quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân được chú trọng thực hiện toàn diện, đạt nhiều kết quả có ý nghĩa; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên.

Lợi thế rất lớn để phát triển đột phá

Một trong những vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu đề cập tại cuộc làm việc là tiềm năng rất lớn của tỉnh và các giải pháp để khai thác hiệu quả những lợi thế đặc trưng trong phát triển kinh tế biển, phát huy lợi thế là 1 trong 2 cảng biển nước sâu của quốc gia, nhất là hệ thống cảng biển đặc biệt Cái Mép-Thị Vải.

Cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn; thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới; hằng năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Tuy có ảnh hưởng dịch bệnh nhưng tổng sản lượng hàng thông qua cảng Cái Mép-Thị Vải là 79 triệu tấn, tăng 4%, trong đó hàng container bằng tàu biển tăng 16,8%.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống Cảng Cái Mép-Thị Vải chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu trong khu vực và thế giới do thiếu nhiều yếu tố.

Tại cuộc làm việc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị thúc đẩy hệ thống hạ tầng logistics, giao thông với các giải pháp như thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép..., đặc biệt là  dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do đó, tỉnh kiến nghị thúc đẩy hệ thống hạ tầng logistics, giao thông với các giải pháp như thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép, thành lập Chi cục Kiểm định hải quan tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu… và đặc biệt là dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỷ đồng, diện tích 1.763 ha. Tỉnh cũng kiến nghị một số nội dung liên quan tới một số dự án đang triển khai, quy hoạch quỹ đất phát triển công nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết trong tổng số 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, tỉnh sẽ tập trung vào một số dự án hạ tầng giao thông lớn, kết nối liên vùng…

Lãnh đạo các bộ, ngành đều nhấn mạnh lợi thế rất lớn của tỉnh để có thể phát triển đột phá, như có số lượng cảng biển lớn nhất cả nước, 24 cảng đã đưa vào hoạt động với công suất 252 triệu tấn, nằm sát đường hàng hải quốc tế và rất gần sân bay Long Thành, là giao điểm của các trục đường giao thông; nguồn tài nguyên dầu khí, năng lượng tái tạo phong phú; tiềm năng rất lớn về du lịch cả về thiên nhiên, di sản văn hóa… Các ý kiến cơ bản ủng hộ mạnh mẽ các kiến nghị của tỉnh, đồng thời góp ý nhiều vấn đề như phát triển hạ tầng kinh tế đồng bộ với hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ sắp xếp bộ máy để sớm triển khai thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trong những ngày tới, sẽ có các cuộc làm việc rất cụ thể với các địa phương để thúc đẩy triển khai các dự án vành đai 3, 4 của TPHCM…

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và những thành tựu quan trọng đã đạt được từ đầu năm đến nay, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, đi trước một bước

Kết luận cuộc làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và những thành tựu quan trọng đã đạt được từ đầu năm đến nay, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã đạt được, theo đó, tỉnh đã bám sát, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số hạn chế, tồn tại và khó khăn, thách thức của tỉnh cần khắc phục liên quan tới công tác quy hoạch, đầu tư công… Công tác quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, bài bản, lâu dài, đi trước một bước, khắc phục được tình trạng manh mún, chia cắt, tầm nhìn ngắn. Đẩy mạnh đầu tư công cần theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Nhìn chung, việc phát triển chưa được như mong muốn, chưa xứng tầm với vị trí, vai trò và truyền thống lịch sử của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh sáng ngày 18/12, ông đã nêu các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh cần tập trung thực hiện thời gian tới. Nhấn mạnh thêm một số vấn đề, Thủ tướng nêu rõ tỉnh có vị trí, vai trò hết sức quan trọng với khu vực Đông Nam Bộ và cả nước về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, văn hóa, về địa chính trị và các mặt khác. “Phải tự hào về quê hương, xứ sở và càng tự hào bao nhiêu càng phải cố gắng bấy nhiêu để quê hương, đất nước ngày càng phát triển, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng chia sẻ.

Thời gian tới, trên cơ sở, nền tảng đã đạt được, tỉnh phải phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm để “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Định hướng chung là phát triển nhanh và bền vững, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng nêu rõ một số trọng tâm phát triển, mà trước hết là lĩnh vực logistics. Tại các cuộc làm việc gần đây của Thủ tướng với các đối tác quốc tế, rất nhiều đối tác hết sức quan tâm tới việc lĩnh vực này, cụ thể là khu vực Cái Mép - Thị Vải, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Muốn vậy, phải phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.

Định hướng lớn thứ hai là phải phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ xanh, công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo…

Định hướng lớn thứ ba là phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa - giải trí, phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát huy giá trị của Côn Đảo - địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam.

Định hướng lớn thứ tư là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở, nền tảng đã đạt được, tỉnh phải phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, tinh thần tự lực tự cường, ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm để “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Con người là yếu tố quyết định

Về giải pháp, Thủ tướng nêu rõ đầu tiên là phải coi trọng, đầu tư đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển.

Thứ hai, phải đa dạng hóa các nguồn lực, không trông chờ, ỷ lại, tăng cường hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn vốn xã hội.

Thứ ba, tăng cường các giải pháp phi tài chính như nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu vào tốp đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư…

Thứ tư, tập trung, đầu tư cho công tác quy hoạch để nhận diện và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương để phát triển liên vùng, một trong những trọng tâm của Chính phủ trong năm 2022 là thúc đẩy kết nối liên vùng để các địa phương bổ sung cho nhau trong phát triển.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

Thủ tướng đánh giá cao tỉnh phòng chống dịch tốt trong thời gian vừa qua, tỷ lệ tử vong thấp, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COPVID-19 mũi 1 trong nhóm tỉnh cao nhất cả nước. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân để thực hiện mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Về các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu tỉnh  UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định, sớm báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị khác của tỉnh về cơ chế cảng mở và thành lập Chi cục Kiểm định hải quan... Thủ tướng cũng chỉ đạo các định hướng cụ thể để giải quyết đề xuất của tỉnh về các dự án giao thông, năng lượng, đất đai… Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ để cùng khẩn trương giải quyết các nội dung này theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng tiếp ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Nhân dịp chuyến công tác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các buổi tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp đang triển khai các dự án đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.

Tiếp ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, Thủ tướng cho biết chủ trương của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên và hoan nghênh các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, theo xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh. Thủ tướng đề nghị Công ty quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo nguồn nhân lực cho dự án nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung.

Tiếp ông Walt Power, Tổng giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, Thủ tướng cho biết phía Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án, tích cực xem xét các đề xuất của nhà đầu tư theo các quy định của pháp luật.

Tiếp ông Walt Power, Tổng giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phía Việt Nam sẽ tiếp tục tạo  thuận lợi cho việc triển khai dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại các buổi tiếp, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án; cho biết Việt Nam đang thúc đẩy các các dự án hạ tầng chiến lược tại Bà Rịa-Vũng Tàu và trong khu vực; đề nghị các nhà đầu tư thực hiện tốt các quy định, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và tiếp tục tích cực hỗ trợ phía Việt Nam trong đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân…

Lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng; thông báo tiến độ triển khai các dự án, các dự định đầu tư thời gian tới và nêu một số đề xuất, kiến nghị. Trong đó, lãnh đạo Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn tiếp theo với số vốn khoảng 5 tỷ USD.


Hà Văn/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Ba-RiaVung-Tau-phai-phat-trien-dot-pha-nhanh-va-ben-vung/456479.vgp

  • Từ khóa