Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến qua lời kể của các nhân chứng

Chủ nhật, 19.12.2021 | 10:14:32
781 lượt xem

75 năm đã trôi qua nhưng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn vang vọng, như nhắc mọi người nhớ về một thời khắc lịch sử gian khó nhưng thật hào hùng.

Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), nơi Hồ Chủ tịch ở và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946.

Ngày 18-19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo.

75 năm đã trôi qua nhưng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vẫn vang vọng, như nhắc mọi người nhớ về một thời khắc lịch sử gian khó nhưng thật hào hùng. Lời kêu gọi đó đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm này, khi Thủ đô cũng như cả nước đang gồng mình vượt qua khó khăn, vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Nơi ra đời Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Trở lại căn nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, nay đã trở thành di tích Bác Hồ ở và làm việc tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) vào 1 ngày cuối năm, chúng tôi được chứng kiến không khí tươi mới, trang trọng tại nơi này.

Cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tại đây. Căn gác tầng 2 của ngôi nhà là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ ngày 3-19/12/1946 và cũng là nơi Người viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, được bày biện y nguyên với thời gian Bác lưu lại nơi này. Vẫn chiếc giường, bộ bàn ghế làm việc cùng các vật dụng sinh hoạt khác như gợi lại hình bóng Bác của 75 năm về trước.

Ông Nguyễn Văn Hùng - cháu nội cụ Nguyễn Văn Dương (chủ nhân ngôi nhà trước kia), tuy thời điểm đó chưa sinh ra nhưng ông thuộc làu những câu chuyện mà ông nội và người cha kể lại. Không giấu được sự xúc động trên nét mặt, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại gia đình ông chỉ trong 16 ngày nhưng thời điểm đó có ý nghĩa đặc biệt, tạo ra một dấu mốc quan trọng cho Cách mạng Việt Nam. Đó là niềm tự hào không chỉ của gia đình ông mà của cả người dân làng Vạn Phúc và Hà Đông nói chung.

Gia đình cụ Nguyễn Văn Dương khi đó là một cơ sở cách mạng, thường xuyên nuôi giấu cán bộ, trong đó có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ. Địa chỉ này gần trung tâm Hà Nội, không xa đường quốc lộ, có khu ở và làm việc riêng không ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, vì vậy ngôi nhà đã được chọn để Bác Hồ đến ở và làm việc. Cũng vì sự bí mật nên mọi người trong gia đình không thể biết ông cụ ở trên gác 2, thường xuyên làm việc khuya và hay tập thể dục, sống giản dị chính là Bác Hồ. Lúc đó, gia đình chỉ nghĩ Bác và mọi người trong đoàn thuộc Đội tuyên truyền xung phong như lời giới thiệu.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng kể rằng, trước khi Bác Hồ rời đi, Người đã gặp gia đình cụ Dương để bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ trong những ngày Bác ở đây. Cụ Nguyễn Văn Dương cũng hỏi Bác, liệu Việt Nam có thắng được địch không? Bác trả lời: “Thắng hay thua là ở ta. Một khi lòng dân cả nước yêu nước như gia đình mình thì chiến thắng càng đến gần.” Bác còn nói, đánh ở đâu cũng do ta, thắng hay không cũng do ta. Đặc biệt, có một sự trùng hợp, khi Bác Hồ đến nhà cụ Nguyễn Văn Dương là 19 giờ 15 phút ngày 3/12/1946 và khi đi cũng vào 19 giờ 15 phút ngày 19/12/1946.

Dù hơn 7 thập kỷ đã qua nhưng niềm tự hào của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng và người dân Vạn Phúc không bao giờ vơi. Nơi này trở thành địa chỉ đỏ cho mọi tầng lớp nhân dân đến tham quan, học tập, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ gắn với sự kiện ngày Toàn quốc kháng chiến.

Âm hưởng những ngày Toàn quốc kháng chiến

Lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, quân và dân Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến. Nơi đây cũng trở thành mục tiêu chính của ta chống thực dân Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Quân và dân Hà Nội triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, thực hiện hàng trăm trận đánh, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận lâu dài. 60 ngày đêm khói lửa của quân và dân Hà Nội trở thành bản hùng ca với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” với hình ảnh chiến sĩ ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch.

Từng được tham gia chiến đấu trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến, cụ Đặng Văn Tích, ở  làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) dù tuổi cao nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nhắc về những ngày tháng hào hùng đó. Giọng nói sang sảng, nhớ rành rọt từng chi tiết, cụ kể rằng thời đó cụ mới chỉ 13 tuổi, được phân vào đội Vệ út của Đội Tự vệ khu Long Biên thuộc Liên khu Lãng Bạc, đóng ở bãi Phúc Tân.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến qua lời kể của các nhân chứng -0

Chiến sĩ Trần Thành, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Thủ đô Hà Nội ngày 23/12/1946 - những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, với ý chí Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN)

20 giờ ngày 19/19/1946, Vệ út Đặng Văn Tích cùng dân quân tự vệ và lực lượng chính quy với khoảng 200 người tấn công Nhà máy sản xuất nước đá do Pháp đóng tại đường bờ sông, nay là đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm. Nơi này cất giữ rất nhiều lương thực, thực phẩm của Pháp. Tinh thần của mọi người khi đó rất hăng hái, cầm đuốc, cầm vũ khí ào ào xông tới, trèo qua cổng sắt, phối hợp với công nhân người Việt đã sẵn sàng bên trong. Chúng ta tiêu diệt 1 lính Pháp, bắt giữ được vài lính khác, số còn lại hoảng sợ bỏ chạy.

Sau khi chiếm được Nhà máy sản xuất nước đá, quân ta đánh xuôi xuống nhà Mixô, cũng là nơi chứa lương thực, thực phẩm của Pháp. Song, do lực lượng của địch mạnh nên quân ta không chiếm được địa điểm đó. Đến sáng 20/12/1946, quân địch phản công, lực lượng của khu Long Biên rút về phố Hàng Mắm và Hàng Bạc, trở thành lực lượng nòng cốt của khu Đông Kinh Nghĩa Thục thuộc Liên khu 1.

60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, giam quân giặc Pháp, lực lượng của ta bí mật đào đắp công sự chiến đấu, đào giao thông hào, tạo vật chướng ngại, hình thành các chiến lũy ở các cửa ô và trên đường phố để ngăn cản cơ giới địch. Chúng ta còn đục lỗ bắn, đục tường thông nhà ở các dãy phố để cơ động chiến đấu. Cụ Đặng Văn Tích kể rằng, những cậu bé Vệ út len lỏi khắp các trận địa, xuyên qua bức tường đổ của những căn nhà để đi từ góc phố này tới góc phố khác, giữa làn đạn để truyền tin, truyền lệnh từ trên xuống, dẫn lực lượng chính quy đi tiếp viện cho các trận địa.

Đến 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu 1 được thành lập và 12/1/1947 đổi thành Trung đoàn Thủ đô. Sau đó, Bộ chỉ huy quyết định đưa Trung đoàn Thủ đô lên an toàn khu để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài. Ngày 17/2/1947, cùng với các chiến sĩ Vệ quốc quân, các Vệ út của Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ rút khỏi Hà Nội và trở về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954.

Các cuộc kháng chiến đã lùi xa nhưng đối với nhiều thế hệ người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, những ngày tháng gian khó, khốc liệt nhưng vô cùng vẻ vang là những dấu ấn không thể quên.

Những ngày này, Thủ đô và cả nước đang có những hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến càng gợi nhắc cho các tầng lớp nhân dân trân trọng quá khứ, tự hào phát huy truyền thống anh hùng để có thêm niềm tin vào con đường phía trước.

Đặc biệt trong giai đoạn này, Thủ đô đang phải nỗ lực vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh-quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Dù còn không ít khó khăn nhưng niềm tin, bản lĩnh và sự sáng tạo sẽ đưa Hà Nội sớm vượt qua được giai đoạn này.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/loi-keu-goi-toan-quoc-khang-chien-qua-loi-ke-cua-cac-nhan-chung-678906/

  • Từ khóa