Ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (KTB) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Sau 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết, kinh tế biển Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu về vấn đề này.
Ông Nguyễn Chu Hồi. |
Phóng viên (PV): Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36, phát triển KTB Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Chu Hồi: 3 năm qua, việc phát triển KTB đã đạt được nhiều thành tựu. Đó là, quy mô KTB và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dần sang KTB xanh. KTB và vùng ven biển vẫn đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chuỗi cung ứng được giữ vững dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã xây dựng được một số khu kinh tế ven biển, đảo-là các trung tâm kinh tế hướng biển. Hạ tầng giao thông ven biển được nâng cấp đáng kể, hỗ trợ liên kết vùng trong phát triển.
Ngoài ra, đã có bước phát triển mới ở một số đảo, kết cấu hạ tầng trên đảo được nâng cấp. Có nhiều đảo sẽ phát triển thành những trung tâm KTB (Vân Đồn, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc...), cải thiện đời sống nhân dân các huyện đảo và vùng ven biển. Mặt khác, công tác quốc phòng, an ninh trên biển, đảo được tăng cường đáng kể cả về đội ngũ, trang thiết bị và khả năng tác chiến; chủ quyền biển, đảo được giữ vững; nhiệm vụ phát triển KTB gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh được quan tâm thực hiện; tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển.
Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển; phát triển khoa học công nghệ biển và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được quan tâm đầu tư hơn. Đặc biệt, Việt Nam đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên biển làm nền tảng cho phát triển KTB xanh và bền vững. Hệ thống thể chế và luật pháp quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được củng cố và hoàn thiện. Công tác tuyên truyền về các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và phát triển bền vững biển, đảo được đẩy mạnh, rộng khắp và thường xuyên.
Nhà máy điện gió kết hợp với nhà máy điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Ảnh: CÔNG TÂM |
PV: Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện Chiến lược phát triển KTB đến năm 2030 còn bộc lộ những hạn chế gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Chu Hồi: Hiện nay, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và phát triển bền vững KTB của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; chưa coi trọng tính liên kết giữa các mảng không gian KTB và các vùng KTB, ven biển. Quy mô KTB còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ biển, đảo tạo nguồn nhân lực cho KTB; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ, năng lực hạn chế. Trong khi đó, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát và không tuân thủ quy hoạch biển, đảo.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, trong đó có rác thải nhựa, cản trở phát triển bền vững một số ngành KTB, trước hết là du lịch biển và nghề cá. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động hiện hữu, gây hạn mặn kéo dài và trên diện rộng, tăng xói lở bờ biển. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững.
Ngoài ra, vẫn còn thiếu các luật, chính sách cơ bản và đặc thù về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước về biển, đảo và KTB. Sự tham gia của cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp vào tiến trình quản lý và phát triển KTB còn thụ động. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng, như: Quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển.
PV: Ông đề xuất những giải pháp gì để phát triển KTB hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Chu Hồi: Để phát triển KTB bền vững thì phát triển KTB xanh chính là nền tảng. Trong Nghị quyết 36, có 6 lĩnh vực cơ bản, trong đó có một lĩnh vực mở là: Năng lượng tái tạo và các ngành KTB mới. Vì vậy, những ngành KTB mới nổi phải chú trọng vào khai thác năng lượng tái tạo, như: Điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, năng lượng thủy triều, sóng biển...
Đây là những năng lượng ổn định về đầu vào, không gây ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, để giảm hủy hoại nguồn vốn thiên nhiên của biển cần phát triển nuôi biển thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển những ngành mới như dược liệu biển. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp diễn, những sinh vật biển lâu nay khai thác sử dụng làm thực phẩm giờ chúng ta chú trọng hơn vào mục đích điều chế dược liệu để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, xác định nhiều hơn những khu vực có giá trị bảo tồn, những nơi giá trị di sản, đây chính là nguồn vốn thiên nhiên vô giá của đất nước. Có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các biểu hiện biến đổi đại dương. Có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa, từng bước biến rác thải nhựa thành tài nguyên; tăng cường chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, ít phát thải.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
LA DUY/qdnd.vn