Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, trên cơ sở quán triệt quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, các đơn vị của Văn phòng Chính phủ đã cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch hành động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm việc với Cục Kiểm soát TTHC. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Chủ động cải cách, hoàn thiện thể chế trong giải quyết TTHC
Tiếp nối những hiệu quả trong đổi mới, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của những năm trước, trong năm 2021, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tiếp tục nỗ lực trong công tác cải cách, kiểm soát TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Riêng về cải cách TTHC, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, Cục Kiểm soát TTHC cùng các đơn vị liên quan đã làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, với mục tiêu hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm các công tác này thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, Cục Kiểm soát TTHC đã chủ trì tham mưu, xây dựng, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
VPCP đã thẩm tra, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030...
Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giảm đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, trong năm 2021, VPCP đã tổ chức các cuộc họp tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan về dự thảo phương án đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành; tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan của các bộ, cơ quan để rà soát, góp ý hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Tính đến nay, các bộ, ngành đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 1.590 quy định kinh doanh, dự kiến sửa đổi, bổ sung 195 văn bản.
Đến nay, VPCP đã thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với trên 600 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; 25 chế độ báo cáo; trên 51 dòng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành) và đề xuất sửa đổi, bổ sung trên 150 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước …
Nhằm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số và tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, Cục Kiểm soát TTHC đã xây dựng, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”; xây dựng, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai một số nội dung của Đề án gửi các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Chuẩn bị vận hành Cổng tham vấn quy định kinh doanh
Trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ,
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Kiểm soát TTHC đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chuyên mục thông tin theo dõi báo cáo nhanh hằng ngày về tình hình kết quả thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên nền tảng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và được hiển thị trên Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổ công tác của Thủ tướng về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã tổ chức làm việc trực tuyến với một số Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 75/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ hiện đang xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.
Trong đó, Cổng tham vấn quy định kinh doanh (https://thamvanquydinh.gov.vn) là cổng tập trung các thông tin, dữ liệu về quy định kinh doanh, qua đó, các bộ, cơ quan có thể tham vấn ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang có hiệu lực thi hành và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phản hồi những vướng mắc, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân.
Cục Kiểm soát TTHC sẽ tiếp tục tham mưu, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; thúc đẩy thực chất các quy định kinh doanh thông qua vận hành có hiệu quả cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh bảo đảm cải cách thực chất và đo đếm được.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường cải cách TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số, tái cấu trúc, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phân cấp trong thực hiện TTHC; thúc đẩy việc chuyển đổi số trong nội khối cơ quan nhà nước, trong việc cung ứng dịch vụ công tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp phục vụ người dân, doanh nghiệp.
VPCP tổ chức hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh” nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu Chính phủ giao theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Tham mưu hiệu quả trên các mặt công tác được giao
Theo ông Lê Tuấn Dũng, Vụ trưởng Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương, Đoàn thể (Vụ III) cho biết, năm 2021, đơn vị làm hoàn thành nhiệm vụ tham mưu tổng hợp trên các mặt công tác được giao bảo đảm thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, tham mưu độc lập về nội dung đối với các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các đề xuất kiến nghị do bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản được ban hành phù hợp với Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đơn vị đã thực hiện tốt việc xây dựng, rà soát, đôn đốc và tổ chức thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực của đồng thời phối hợp với các đơn vị trong và ngoài VPCP xử lý kịp thời đề án phát sinh ngoài chương trình công tác đề án.
Triển khai các Nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị về thí điểm cơ chế đặc thù đối với một số địa phương, Vụ III đã tích cực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan để trực tiếp chủ trì thẩm tra, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển kinh tế-xã hội đối với 05 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ bảo đảm đúng quy định, quy trình, tiến độ, chất lượng.
Cũng trong năm 2021, Vụ III đã phối hợp tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương theo chủ trương của Trung ương, Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, nắm bắt tình hình diễn biến dịch tại các địa phương, các tình huống phát sinh, vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp, cách thức xử lý công việc
Phát huy kết quả thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, năm 2021 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP đã có có nhiều sáng kiến trong việc cải tiến, đổi mới phương pháp, cách thức xử lý công việc. Các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị luôn được đánh giá là chất lượng tham mưu tiếp tục được nâng lên. Công tác tham mưu của của các đơn vị đã có đóng góp tích cực vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Năm 2022 dự báo tình hình quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ công tác của các Vụ, cục, đơn vị thuộc VPCP đòi hỏi phải đáp ứng ngày càng nâng cao chất lượng công tác, nhất là trong tham mưu tổng hợp, thông tin truyền thông, công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, đội ngũ cán bộ VPCP sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, “bám sát thực tiễn, nâng tầm tham mưu” nghiên cứu, tổng hợp, phân tích đánh giá sát sao những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức trước các diễn biến rất phức tạp, khó lường để đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cả trước mắt và lâu dài; nâng cao chất lượng xử lý hồ sơ công việc, trình độ, năng lực cán bộ, công chức, nhất là trong tham mưu, tổng hợp và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất trong thời gian tới.
VPCP sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động các đề xuất, kiến nghị về cải tiến lề lối làm việc, tăng cường công tác quản lý nội bộ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Gia Huy/baochinhphu.vn