Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã đưa 2 công trình giao thông trọng điểm là cầu Tình Yêu và đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả vào phục vụ cho người dân nhằm kết nối, mở ra cơ hội phát triển cho 2 trung tâm đô thị của 2 địa phương.
Cầu Tình yêu bắc qua vịnh Cửa Lục nối hai bờ đông-tây của thành phố Hạ Long được đưa vào phục vụ người dân trong ngày đầu của năm 2022.
Đây là các công trình giao thông có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với định hướng phát triển của Quảng Ninh. Đặc biệt, các dự án triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nhưng đều nỗ lực về đích đúng thời gian, mở rộng cửa ngõ giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng.
Ngay trong sáng 1/1/2022, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người dân của thành phố Hạ Long và Cẩm Phả đến tham quan, chiêm ngưỡng công trình cầu Tình Yêu và đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả.
Rất nhiều người dân vui vẻ chụp ảnh trên cây cầu Tình Yêu.
Ông Nguyễn Văn Hoan ở thành phố Cẩm Phả không giấu nổi niềm vui chia sẻ, người dân chúng tôi rất phấn khởi khi thấy công trình đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả không những đẹp về mỹ quan mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cũng như tạo điều kiện thông thương, đi lại thuận lợi cho người dân hai địa phương. Đặc biệt điểm nhấn của công trình là đường hầm xuyên núi rất ấn tượng và độc đáo.
Chị Vũ Thị Thu Hà ở thành phố Hạ Long phấn khởi cho biết, chị rất vui khi biết ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, cầu Tình Yêu được đưa vào phục vụ người dân. Đây là công trình có thiết kế khá độc đáo và đẹp, chắc chắn không chỉ thu hút khách du lịch khi đến Quảng Ninh mà còn là địa điểm hấp dẫn cho người dân trong tỉnh đến tham quan, chiêm ngưỡng sự độc đáo của cây cầu.
Cầu Tình Yêu có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, được thiết kế 6 làn xe, chiều dài toàn tuyến hơn 4,2 km. Trong đó, cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê-tông rộng 33,1m, dài 290m, tĩnh không thông thuyền 40x7m; phần cầu dẫn dài 565m, đường dẫn dài 3.380m. Hai bên cầu có vỉa hè cho người đi bộ, có sàn vọng cảnh và bồn hoa tạo cảnh quan du lịch phục vụ người dân và du khách.
Cầu Tình Yêu là công trình đầu tiên khẳng định quyết tâm xây dựng thành phố Hạ Long là đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng độc đáo “có một không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch. Công trình hoàn thành không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân hai bờ vịnh Cửa Lục, mà còn kết nối các khu công nghiệp, hệ thống đường cao tốc, khai thác lợi thế đất đai khu vực phía bắc thành phố Hạ Long.
Đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả có tổng chiều dài 18,69 km, thiết kế 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Điểm nhấn đặc biệt của công trình là đường hầm xuyên núi và là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hầm có chiều dài 235m, với 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe.
Đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả là công trình giao thông kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, du lịch của 2 trung tâm kinh tế, du lịch là thành phố Hạ Long và Cẩm Phả.
Cũng trong ngày đầu năm mới 2022, Quảng Ninh đã chính thức thông tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, đây cũng là tuyến cao tốc nằm trong hệ thống cao tốc Hà Nội-Quảng Ninh. Tuyến đường có tổng chiều dài gần 80,2 km, với 2 dự án, bao gồm: Cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên dài hơn 16 km được đầu tư bằng vốn ngân sách và cao tốc Tiên Yên-Móng Cái dài 63 km được đầu tư bằng hình thức BOT. Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan đường hầm xuyên núi trong ngày đầu tiên đưa đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả vào phục vụ nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho biết, các công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh được đưa vào phục vụ người dân trong ngày đầu tiên của năm 2022 đã khẳng định ý chí, tinh thần quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Các công trình này không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng liên kết nội tỉnh và liên kết vùng mà còn là những công trình mang đậm dấu ấn về thiết kế, tạo nên những điểm nhấn hấp dẫn về cảnh quan độc đáo và đẹp mắt chỉ có ở Quảng Ninh.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhưng với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy người dân là trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch, luôn đặt tính mạng người dân lên trên hết, Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong cả nước về phòng, chống dịch Covid-19. Trong phát triển kinh tế-xã hội, với mức tăng trưởng 10,28%, Quảng Ninh là địa phương đứng thứ hai toàn quốc về tốc độ tăng trưởng GRDP trong năm 2021. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Tính đến 17 giờ, ngày 31/12/2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 51.994 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu lớn nhất cả nước. Trong đó, thu nội địa đạt 41.555 tỷ đồng, đạt 106% dự toán; thu xuất nhập khẩu đạt 10.439 tỷ đồng, đạt 86,98% dự toán.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng quà chúc Tết các đơn vị thi công và nhà thầu dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái trong ngày đầu năm mới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, thì những kết quả mà tỉnh Quảng Ninh nỗ lực đạt được không chỉ khẳng định sự đúng đắn trong những định hướng chiến lược phát triển lớn mà còn cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn ở từng giai đoạn trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Bước sang năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, tỷ lệ tăng thu tương ứng với mục tiêu tăng trưởng; thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao.
QUANG THỌ/nhandan.vn