Năm 2021, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Tăng trưởng tốt trong hai quý đầu năm, đến quý III/2021 sản xuất, xuất khẩu thủy sản bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, đến cuối năm 2021 ngành thủy sản vẫn đạt chỉ tiêu giá trị xuất khẩu, đặc biệt là giữ vững những thị trường xuất khẩu chủ chốt...
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại Khu công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ảnh: VŨ SINH
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nguồn cung ứng vật tư đầu vào (giống, thức ăn, thuốc…) bị đứt gãy không đáp ứng kịp thời cho sản xuất; các doanh nghiệp, thương lái rất khó tiếp cận để thu mua nguyên liệu do các địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch; cước tàu biển vận chuyển tăng mạnh ảnh hưởng tới lợi nhuận xuất khẩu, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và xét nghiệm Covid-19 ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu thủy sản lớn đã nâng cao các yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, quy trình đánh bắt, chế biến, đóng gói và kiểm tra thông quan. Điển hình, Trung Quốc là quốc gia áp đặt nhiều biện pháp phi thuế quan nhất đối với thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam (tôm sú) với 103 biện pháp, hay Hoa Kỳ với 44 biện pháp phi thuế quan.
Bên cạnh đó, các biện pháp "ba tại chỗ" đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản rất khó thực hiện. Tại thời điểm tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía nam hoạt động "ba tại chỗ"; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện đã phải ngừng sản xuất; trong đó Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động nhiều nhất. Thậm chí, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thời điểm ấy, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất sau giãn cách.
Trong quý III/2021, sản lượng thủy sản của cả nước đạt khoảng 2.281 nghìn tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm như cá đạt 1.607 nghìn tấn, giảm 5,9%; tôm đạt 337 nghìn tấn, giảm 5,2%; thủy sản khác đạt 337 nghìn tấn, giảm 1,6%. Về xuất khẩu, giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2021. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 chỉ đạt 595,3 triệu USD, giảm 30,3% so với tháng 7/2021 và giảm 26,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trên thực tế những tháng cuối năm xuất khẩu thủy sản đã có những bước tăng trưởng tốt. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 và 12/2021 đều tăng trưởng khá, vì thế tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 104,6% so kế hoạch. Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, bằng 107,6% so với năm 2020. Theo Tiến sĩ Trần Công Thắng-Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành thủy sản vẫn duy trì được phong độ sản xuất, xuất khẩu và giữ được thị trường là một kỳ tích ngoạn mục, bởi những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19: Ưu tiên xét nghiệm và tiêm vắc-xin cho công nhân, các đầu mối hay thương lái thu gom thủy sản nhằm giảm đi lại, chi phí dịch vụ để duy trì sản xuất, trước mắt ổn định chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản; xây dựng mô hình sản xuất "ba tại chỗ", "một cung đường-hai địa điểm" và có những chính sách kịp thời hỗ trợ lao động để họ yên tâm sản xuất. Đặc biệt, Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã cơ bản giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản.
Thứ hai, sự cố gắng của người sản xuất và sự năng động của các doanh nghiệp trong việc ứng phó với tình hình mới trong điều kiện mới để vươn lên, không để đứt gãy chuỗi ngay từ khâu cung cấp đầu vào và sản xuất. Các nhà máy sản xuất đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định và hướng dẫn của Nhà nước, và chủ động xây dựng phương án chung sống an toàn với đại dịch Covid-19 như: phương án sản xuất "bảy xanh": nhà máy xanh; công nhân xanh; di chuyển xanh; gia đình/phòng ở xanh; nhà cung cấp xanh; vắc-xin xanh; trạm y tế tại chỗ xanh. Doanh nghiệp đã chủ động đề xuất tiêm vắc-xin cho người lao động ngành thủy sản. Những người được tiêm từ 1 mũi trở lên sau 14 ngày được phép đi lại, sản xuất bình thường. Điều này giúp các nhà máy sớm khôi phục sản lượng, thông suốt trong tiêu thụ, thu mua đầu vào.
Thứ ba, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao thị phần tại Hoa Kỳ, EU, đặc biệt là Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Đức, Hà Lan, là những nước nhập khẩu thủy sản của thế giới. Các đối tác nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam dần mở cửa trở lại, nhu cầu thủy sản của thế giới đang có xu hướng gia tăng, nhất là những tháng cuối năm 2021 đã tạo điều kiện cho giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tốc và hoàn thành mục tiêu trong tháng cuối năm 2021.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Chúng ta tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan để nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam ở các thị trường lớn và tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới. Cụ thể: Về thuế nhập khẩu, tại các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, mức thuế nhập khẩu trung bình áp dụng đối với thủy sản từ Việt Nam trong khoảng 0-5,2%. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh lớn, như: Ấn Độ, Trung Quốc bị áp mức thuế trung bình lần lượt khoảng 0-10,7% và 0-10,8%. Như vậy, so với các đối thủ cạnh tranh, thủy sản của Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhập khẩu tại các thị trường lớn trên thế giới.
Tâm Thời/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/thuy-san-viet-nam-giu-vung-thi-truong-680978/