Thầy trò chắt chiu từng giọt nước trên vùng biên Tả Gia Khâu

Thứ 4, 05.01.2022 | 14:50:54
719 lượt xem

Đã thành thói quen khi mùa khô đến, mỗi buổi chiều, thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Tả Gia Khâu lại "rồng rắn" nối đuôi nhau đi xách từng can nước về trường.

Gian nan mùa "khát" nước

Hồi trống vang lên, giờ học kết thúc, học sinh lớp nhỏ ra về phía cổng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu. Riêng các học sinh khối lớp 4, lớp 5 chạy ùa ra sau lớp học. Mỗi em lấy một chiếc can nhựa vàng loại 5 lít, đứng xếp hàng dài ở sân trường.

Thầy hiệu trưởng Long Văn Ngạn và 4 thầy cô khác đã chờ sẵn. Thầy đi xe máy chở can to, trò đi bộ xách can nhỏ. Hơn 100 thầy trò nối đuôi nhau đi lấy nước về. Đoạn đường từ trường đến bể chứa nước dài hơn 1 cây số, dốc cheo leo. Thầy giáo ghì số 2, kéo hết tay ga để vượt dốc.

Thầy trò chắt chiu từng giọt nước trên vùng biên Tả Gia Khâu - 1

Thầy Long Văn Ngạn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu dẫn học sinh vượt dốc (Ảnh: Quang Trường).

Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu nằm cheo leo trên thôn vùng cao cùng tên, gần đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở xã Tả Gia Khâu (Huyện Mường Khương, Lào Cai). Đã hơn 1 tháng Tả Gia Khâu bước vào mùa "khát" nước. Nơi đây từ lâu được ví như "Trường Sa cạn".

Nếu nghỉ một hôm không đi lấy nước, thì hôm sau, 170 học sinh ở bán trú và các thầy cô giáo ở lại trường sẽ không có nước để sinh hoạt.

Không riêng gì Tả Gia Khâu thiếu nước, nhưng chỉ nơi này được ví như "Trường Sa cạn" - địa danh mà người dân nơi đây luôn nhắc đến khi nói về nước. Địa phương này có 3 cái nhất: Xa huyện nhất, ít dân nhất huyện và thiếu nước nhất huyện.

Thầy trò chắt chiu từng giọt nước trên vùng biên Tả Gia Khâu - 2

Xách nước lên nửa con dốc, cả trăm thầy trò dừng lại nghỉ ngơi. Xế chiều, miền núi lạnh hơn. Một học sinh cởi áo rét ra quàng lên cổ, thở hổn hển.

"Nóng quá" - Em nói khi vừa leo nửa cây số đường dốc.

"Hoạt động này giúp các em rèn luyện thể lực, thay cho việc tập thể dục buổi chiều, để các em biết tiết kiệm nước hơn", thầy Bùi Ngọc Tuấn - Phó hiệu trưởng nhà trường động viên học sinh của mình.

Thầy Tuấn cho biết, hiện tại, trường chỉ có 2 bể chứa được hơn 120 mét khối nước. Mùa hè mưa nhiều nhưng không đủ bể chứa, nước mưa bị thừa tràn ra ngoài rất lãng phí. Đến mùa khô, lượng nước dự trữ dần cạn. Nhà trường chỉ còn cách vận động học sinh đi lấy nước ở bể chung của thôn. Người dân trong thôn đồng ý cho trường lấy nước, nhưng không được bơm, chỉ được xả vào can rồi xách về.

"Nhà trường đang mong muốn xây thêm 1 bể chìm từ 300-500 mét khối, để hứng nước từ toàn bộ mái nhà, dự trữ đủ cho một năm học", thầy Tuấn cho biết.

Chắt chiu từng giọt nước

Thầy Tuấn lên Tả Gia Khâu công tác từ năm 2018, ngày đường ống dẫn nước, bể ngầm chứa nước còn chưa hoàn thiện. Tất cả lượng nước thu được từ mái nhà chảy xuống chỉ để phục vụ cho học sinh. Mỗi buổi sáng thầy cô đi dạy phải mang theo một can chứa 20 lít nước để sử dụng trong ngày.

Tại Trường PTDTBT tiểu học Tả Gia Khâu, không có một nguồn nước nào dẫn lên được. Đã có trường đại học từ Hà Nội lên khảo sát, thăm dò nhưng họ phải lắc đầu, vì nguồn nước rỉ ra rất nhỏ, chỉ đủ cho bà con dùng để phun thuốc sâu.

Thầy trò chắt chiu từng giọt nước trên vùng biên Tả Gia Khâu - 3

Thầy trò nghỉ ngơi sau khi xách nước về trường (Ảnh: Quang Trường).

Thầy hiệu trưởng Long Văn Ngạn mới chuyển về trường công tác cũng gặp những khó khăn vì thiếu nước.

"Ở trường cũ nơi tôi công tác, lượng nước không nhiều, nhưng còn có chỗ để bơm hoặc xin nước của nhà dân. Còn ở Tả Gia Khâu thì không có để bơm. Trước đây, ngày nào cũng được tắm rửa, nhưng lên trên này thì đã thành thói quen, tôi chỉ lau qua người và thay quần áo. Nếu muốn tắm thì các thầy cô phải đi tắm nhờ ở nhà dân hoặc xuống đồn biên phòng. Quần áo tôi mang đủ cho một tuần, hết tuần lại mang về nhà giặt", thầy Ngạn nói.

Thầy trò trong trường thực hành các biện pháp tiết kiệm nước tối đa. Học sinh chỉ được dùng nước để ăn uống, vệ sinh cá nhân đơn giản. Đến giữa tuần, phụ huynh lên trường mang quần áo của con về nhà giặt. Mùa hè, học sinh có thể tắm giặt tại trường, còn mùa đông, em nào muốn tắm thì phải về nhà tắm rồi lại quay về trường ở bán trú.

Thầy trò chắt chiu từng giọt nước trên vùng biên Tả Gia Khâu - 4

Học sinh đổ nước vào bể chứa của nhà trường (Ảnh: Quang Trường).

Các thầy cô đào một hố to, lót bạt. Nước sinh hoạt sử dụng xong chảy về hố được tận dụng để tưới rau, tưới cây. Nước đánh răng, rửa mặt dùng để rửa nhà vệ sinh. Học sinh đã được trang bị nhà vệ sinh tự hoại sạch sẽ, nhưng vì thiếu nước nên không thể sử dụng.

Để dự trữ nước cho mùa khô, ngoài hệ thống bể ngầm, bể nổi và túi chứa nước... toàn bộ mái nhà đều được láng xi măng tinh để không bị ngấm nước, lắp đặt các máng thu sương hứng nước để dẫn vào bể chứa. Nhưng mùa mưa chỉ chứa được hơn 100 lít, không bõ so với nhu cầu sử dụng hàng ngày của hàng trăm người.

Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cho biết: "Khi chúng tôi lên đây, ấn tượng nhất là tình trạng thiếu nước của đơn vị, bà con nhân dân và các trường học. Vào mùa mưa, mạch nước có nhưng rất nhỏ. Đặc biệt sang mùa đông và đầu xuân, nước gần như cạn kiệt.

Chúng tôi đã cùng bà con tu sửa các nguồn nước để dẫn các mạch nước nhỏ chảy về ống, chia cho mỗi chỗ một ít đủ cho bà con sinh hoạt, tránh tình trạng tranh nhau nguồn nước".

Thầy Long Văn Ngạn đặt mục tiêu thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tài trợ để xây bể chứa nước.

"Ngoài ra, không còn cách nào khác", thầy Ngạn nói.


Quang Trường/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/thay-tro-chat-chiu-tung-giot-nuoc-tren-vung-bien-ta-gia-khau-20220104080101696.htm

  • Từ khóa