Tăng tốc để cán "đích" tín dụng

Thứ 4, 05.01.2022 | 14:50:35
940 lượt xem

Với diễn biến thị trường thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%. Trong khi đó, TS Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng nhận định, tín dụng toàn hệ thống đang tăng trưởng tích cực và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 12% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm nay.

Giao dịch khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ðông Nam Á (SeABank).

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến cuối tháng 11/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,77% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021 đạt hơn 7,1 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

Đẩy mạnh "bơm" vốn

Theo phân tích từ Công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 11, khi thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 11, tín dụng đạt hơn 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,77% so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong một tuần cuối tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 61.000 tỷ đồng-gần tương đương với mức cấp tín dụng trong tháng 10 và là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách.

Cũng ngay sau khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khôi phục trở lại thì nhiều ngân hàng thương mại cũng ngay lập tức tung ra hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm lấy lại đà hồi phục tín dụng. Ðơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần Ðại chúng (PVcomBank) đã dành gói tín dụng lên tới 9.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Với thời hạn gói vay từ 3 tháng lên đến 10 năm, phương thức trả lãi và gốc linh hoạt, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động được nguồn tài chính cho các nhu cầu vay vốn của mình. PVcomBank cũng cải tiến quy trình, phê duyệt hồ sơ trong vòng 24 giờ, cấp ngay hạn mức lên tới 10 tỷ đồng, giúp khách hàng nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn để khởi động các kế hoạch kinh doanh.

"Giai đoạn quý IV hằng năm thường chứng kiến sự bùng nổ các nhu cầu vốn về phát triển kinh doanh. Việc đưa vào áp dụng mức lãi suất ưu đãi của gói tín dụng này của PVcomBank sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để phục hồi kinh doanh, tạo đà cho sự tăng trưởng vào năm 2022-nhất là nhóm khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh vốn là những đối tượng chịu tổn thương nặng do dịch Covid-19. Ðiều này cũng góp phần vào sự phục hồi, tăng trưởng, phát triển chung của nền kinh tế"-đại diện PVcomBank cho biết.

Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) cũng dành 10.800 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Hay như để đón mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao của các doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng giới hạn tín dụng lên 20%. Với chính sách tín dụng linh hoạt, hạn mức cấp tín dụng không bảo đảm tối đa lên tới 10 tỷ đồng, khách hàng được VietinBank bảo đảm tài chính xuyên suốt, phù hợp với phương án kinh doanh của mình, gia tăng cơ hội, nhất là vào thời điểm mùa vụ…

Về phía cơ quan quản lý điều hành, những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho 11 ngân hàng thương mại cổ phần với mức tăng thêm tùy từng ngân hàng từ 1% đến 6%. Ðồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang có kế hoạch cân nhắc tiếp tục hoãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong Thông tư 08/2020-NHNN để tăng thêm thanh khoản cho hệ thống. Những động thái trên của nhà điều hành được giới chuyên gia đánh giá sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ việc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tạo đà cán đích

Với những diễn biến trên thị trường như vậy, nhiều tổ chức kinh tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 12 đến 13%. Báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán SSI nhận định: Nhìn chung, nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%, phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây từ Ngân hàng Nhà nước.

Các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng, với việc được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021 sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc nới chỉ tiêu tín dụng vừa qua của các ngân hàng. "Ðợt dịch lần thứ tư với quy mô rộng đã làm giảm nhu cầu tín dụng trong quý II và III, và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được. Trong năm 2022, BSC dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13% nhờ đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, cùng với gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh", BSC nhận định. Trong khi đó, Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng ít nhất sẽ đạt mức 12% trong năm nay, còn năm sau sẽ tăng khoảng 13-14%.

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước luôn định hướng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

"Có thể thấy với quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đang dần trở lại nhịp bình thường. Tín dụng đang tăng trưởng tích cực và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 12% Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm nay" - TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết.


HỒNG ANH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhan-dinh/tang-toc-de-can-dich-tin-dung-681081/

  • Từ khóa