Viện Vũ khí phấn đấu góp phần tích cực vào hiện đại hóa quân đội

Chủ nhật, 09.01.2022 | 15:17:00
999 lượt xem

Với chức năng nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho quân đội, 75 năm qua, Viện Vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn quân.

Làm thế nào để viện tiếp tục phát huy bề dày thành tích, đóng góp tích cực hơn nữa cho quá trình hiện đại hóa quân đội là những nội dung Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Được thành lập ngay sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, hẳn Viện Vũ khí đã có những đóng góp xứng đáng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí viện trưởng?

Đại tá Nguyễn Phúc Linh: Viện Vũ khí là một trong những cơ sở nghiên cứu đầu ngành ra đời từ rất sớm (ngày 4-2-1947), với tên gọi ban đầu là Nha Nghiên cứu kỹ thuật, trực thuộc Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng. Đây cũng là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu tiên của Quân đội ta.

Khi mới thành lập, tuy điều kiện trình độ công nghệ, máy móc còn thô sơ nhưng viện đã nỗ lực chế tạo thành công súng và đạn bazooka, tạo ra bất ngờ lớn với đối phương; tiếp đó đã nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp lên hệ vũ khí chống tăng SKZ60, SKZ81, SKZ120 với tầm bắn và uy lực lớn hơn nhiều lần; chế tạo thành công một số loại vũ khí như mìn đè nổ chống tăng, hệ súng và đạn cối cỡ 51mm, bom phóng, súng phóng lựu... góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viện tiếp tục nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, đạn dược, tiêu biểu như hệ vũ khí chống tăng B40, B41, CT-62, một số loại súng và đạn cối, các loại súng bộ binh, các loại lựu đạn chạm nổ, mìn định hướng, mìn phóng và nhiều loại VKTBKT khác.

Viện Vũ khí phấn đấu góp phần tích cực vào hiện đại hóa quân đội
Đại tá Nguyễn Phúc Linh chỉ đạo công tác nghiên cứu, thiết kế mô-đun pháo 30mm 6 nòng điều khiển tự
động (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: MINH HẢI

Những năm qua, Viện Vũ khí triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về VKTBKT với quy mô lớn hơn, các sản phẩm nghiên cứu có tính tích hợp và hàm lượng khoa học cao hơn, đáp ứng yêu cầu tính năng chiến-kỹ thuật để trang bị cho quân đội. Riêng trong giai đoạn 2011-2021, viện triển khai thực hiện hàng trăm đề tài khoa học, công nghệ (KHCN) về nghiên cứu thiết kế, chế tạo VKTBKT cho quân đội.

Đến nay, có hơn 88% số đề tài đã được hội đồng KHCN đánh giá, nghiệm thu; trong số đề tài đã nghiệm thu, có trên 90% đã được áp dụng vào sản xuất hoặc đủ điều kiện sản xuất loạt. Viện còn tích cực tham gia, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho sản xuất quốc phòng, bảo đảm tài liệu thiết kế phục vụ cho sản xuất; giải quyết kịp thời các vướng mắc kỹ thuật trong sản xuất và thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm quốc phòng.

PV: Thưa đồng chí, nói đến nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, đặc biệt đối với vũ khí thế hệ mới là nói đến sự khó khăn, phức tạp. Vấn đề này được viện giải quyết như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

Đại tá Nguyễn Phúc Linh: Vũ khí được coi là sức mạnh và vị thế quân sự mà mỗi quốc gia đều muốn giữ bí quyết cho riêng mình, thậm chí được xếp vào hàng tuyệt mật. Do đó, việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo luôn gặp những trở ngại, nhất là khó tiếp cận tri thức mới trong lĩnh vực KHCN quân sự.

Đối với CNQP Việt Nam, hiện nền công nghệ vật liệu cũng còn những hạn chế nhất định. Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất tuy đã được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, song với vũ khí thế hệ mới, công nghệ cao cũng còn gặp những khó khăn trong nghiên cứu.

Để giải quyết những khó khăn trên, trước hết chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực KHCN, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện để cán bộ, nhân viên, nhất là những người trực tiếp nghiên cứu, thử nghiệm vũ khí có trình độ chuyên môn tốt; luôn điềm tĩnh, cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, khoa học; có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết, tính trung thực, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Nhờ đó, đến nay đội ngũ cán bộ nghiên cứu của viện có trình độ chuyên môn cao, với trên 85% có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Ngoài ra, viện tiếp tục tập trung phát triển tiềm lực KHCN; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu trong và ngoài quân đội, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, phát triển VKTBKT thế hệ mới.

PV: Lộ trình xây dựng quân đội hiện đại đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Viện Vũ khí có những định hướng gì để góp phần vào quá trình hiện đại hóa quân đội?

Đại tá Nguyễn Phúc Linh: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và thực hiện chủ trương của Đảng về hiện đại hóa quân đội, trên cơ sở bám sát định hướng nghiên cứu KHCN của Bộ Quốc phòng và Tổng cục CNQP, Viện Vũ khí đã tích cực xây dựng kế hoạch nghiên cứu, định hướng phát triển các sản phẩm vũ khí thế hệ mới trong các giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu KHCN, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, phát triển các loại VKTBKT thế hệ mới, phù hợp với nhu cầu trang bị của quân đội, có tính tích hợp, hàm lượng khoa học và tính năng chiến-kỹ thuật cao, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ huấn luyện và SSCĐ của các lực lượng vũ trang; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho sản xuất quốc phòng, góp phần xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


HOÀNG HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vien-vu-khi-phan-dau-gop-phan-tich-cuc-vao-hien-dai-hoa-quan-doi-682875

  • Từ khóa