F0 điều trị tại nhà: Uống thuốc như thế nào để không "rước họa" vào người?

Chủ nhật, 09.01.2022 | 15:16:46
979 lượt xem

Trong giai đoạn đầu khi virus SARS-CoV-2 mới xâm nhập và đang nhân lên, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng viêm vì sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết đầu tiên, virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp. Sau đó, virus nhân lên trong các tế bào, thoát ra khỏi tế bào và xâm nhập các tế bào khác, cứ thế... Đây gọi là thời gian ủ bệnh.

Sau khi virus nhân lên với số lượng đủ lớn, cơ thể huy động các cơ chế bảo vệ để chống lại virus, đến một mức độ nào đó thì gây ra sốt. Lúc này là thời điểm khởi phát các triệu chứng.

Trong giai đoạn này, ngoài sốt người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như ho khan, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ xương khớp, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác/vị giác... Người bệnh có thể bị lo lắng, căng thẳng, ăn ngủ kém.

F0 điều trị tại nhà: Uống thuốc như thế nào để không rước họa vào người? - 1

Ảnh minh họa: Hải Long.

Virus có thể tiếp tục nhân lên trong khoảng 5-7 ngày, và sau đó giảm dần, do bị hệ miễn dịch của cơ thể chống lại (một số người khi xuất hiện triệu chứng thì virus đã ngừng nhân lên và giảm dần rồi). Nếu hệ miễn dịch không ngăn cản được sự nhân lên của virus thì diễn biến tiếp theo sẽ rất nặng và chắc chắn phải nhập viện.

Đối với các F0 điều trị tại nhà, thì sau khi có triệu chứng sốt, virus chỉ nhân lên trong vòng 5-7 ngày, sau đó giảm dần.

Theo BS Hoàng, để điều trị Covid-19, ngoài việc điều trị triệu chứng, hiện chúng ta có một số loại thuốc uống để "đánh" vào 3 mắt xích nói trên:

- Đánh vào quá trình nhân lên của virus: dùng thuốc kháng virus.

- Đánh vào quá trình đông máu: dùng thuốc ngăn ngừa đông máu.

- Đánh vào quá trình rối loạn miễn dịch: dùng thuốc kháng viêm corticoid.

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc kháng virus, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm đối với các F0 điều trị tại nhà:

Thuốc kháng virus

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc kháng virus trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Mỗi đợt nên dùng 5-7 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm.

Khi đang dùng thuốc kháng virus, thì không được dùng kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid.

Thuốc kháng đông

Theo BS Hoàng, hiện khá nhiều bệnh nhân có bệnh nền đang dùng thuốc kháng đông. Các bệnh nhân có bệnh về van tim, tiểu đường, xơ vữa mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, ít vận động... đều có nguy cơ dễ tạo cục máu đông từ đó gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Với các bệnh nhân này thì dù có nguy cơ Covid-19 hay không, đều cần dự phòng bằng việc uống thuốc kháng đông hàng ngày.

Do vậy, trên các bệnh nhân có nhiều bệnh nền, nếu chưa dùng thuốc kháng đông, cần xem xét việc sử dụng sớm, thậm chí từ khi chưa có nguy cơ nhiễm Covid-19.

Đối với người bình thường, thuốc kháng đông có nguy cơ gây chảy máu. Do đó, những người đang chảy máu (xuất huyết dạ dày, kinh nguyệt...), những người bị các chứng bệnh dễ chảy máu (giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu...) không được dùng để dự phòng.

F0 điều trị tại nhà: Uống thuốc như thế nào để không rước họa vào người? - 2

Số ca mắc mới tăng vọt, Hà Nội phải triển khai điều trị F0 tại nhà.

Vậy câu hỏi là người bình thường nào dùng thuốc kháng đông? Đó là khi SpO2 xuống dưới 95% và/hoặc khó thở. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng khó thở là do căng thẳng, do tâm lý nên cần thận trọng khi tự đánh giá mình có khó thở hay không.

Về cơ bản, nếu không có chống chỉ định thì dùng thuốc kháng đông khá an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của cán bộ y tế, BS Hoàng cho biết.

Thuốc kháng viêm

Đây là Dexamethasone hoặc Methylprenisolon. BS Hoàng cho rằng, đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất và có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Cụ thể, các trường hợp F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không được dùng thuốc kháng viêm. Lý do là thuốc kháng viêm, ở đây là corticoid là nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể. Trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập và đang nhân lên, dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên.

Ngoài việc giúp sức cho virus dễ dàng nhân lên, thuốc kháng viêm corticoid còn làm cho người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... Corticoid làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này.

Bệnh nhân chỉ nên dùng khi SpO2 thường xuyên ở mức 94% trở xuống. Việc dùng corticoid nhiều bác sĩ cũng phải rất thận trọng. Vì thế, F0 tại nhà không nên tự ý sử dụng, bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Corticoid chỉ có tác dụng khi bệnh ở mức độ vừa hoặc nặng. Các khuyến cáo trên các tạp chí y khoa danh tiếng đều yêu cầu chống chỉ định dùng corticoid khi người bệnh chưa đến mức nhập viện.


Nam Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/f0-dieu-tri-tai-nha-uong-thuoc-nhu-the-nao-de-khong-ruoc-hoa-vao-nguoi-20220108220628935.htm

  • Từ khóa