Sau hơn bốn ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã bế mạc và thành công tốt đẹp.
Lần đầu tiên Quốc hội thông qua “1 luật sửa nhiều luật”. (Ảnh: LINH KHOA)
Việc quyết định triệu tập kỳ họp này là quyết định rất quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc và nổi bật trong khi cả nước đang từng ngày, từng giờ nỗ lực không ngừng để vượt qua những thách thức, khó khăn trong đại dịch Covid-19. Kỳ họp bất thường được tổ chức cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ của mình với đất nước, luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách. Kỳ họp với bốn nội dung quan trọng được Chính phủ dày công nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua đã đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về những quyết sách trong thời điểm dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, khó dự báo, tạo thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế, đồng thời tác động sâu sắc mọi mặt kinh tế-xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trên tinh thần và ý nghĩa đó, tại các phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết, tập trung phân tích, làm rõ nhiều vấn đề, nội dung liên quan trực tiếp các nghị quyết, công việc được Chính phủ trình và đề xuất, đóng góp những ý kiến phản biện, xây dựng xác đáng. Đó là căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế… đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện dự án trong giai đoạn 2017-2020; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của giai đoạn trước làm bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng sự cần thiết và những nội dung sửa đổi, bổ sung. Trong đó, lưu ý bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cơ sở khoa học, thực tiễn của từng chính sách sửa đổi, bổ sung; các quy định phải chặt chẽ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật trong thực tế cũng như các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành. Quốc hội đã dành thời gian cho ý kiến về từng chính sách, nhất là các chính sách lần đầu tiên được áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với từng nội dung được trình tại kỳ họp này, các đại biểu đã nêu rõ những bất cập, hạn chế và vướng mắc có thể gặp phải trong quá trình triển khai, đồng thời đề xuất phương hướng khắc phục và đề nghị các cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, bổ sung kịp thời để sau khi được thông qua sẽ phù hợp thực tế, đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội, với việc thông qua bốn nghị quyết, một luật cùng hướng về những mục tiêu quan trọng. Đó là: Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ban hành một luật sửa nhiều luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thật sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành. Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh…
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã kết thúc nhưng cũng cho thấy còn những vấn đề cấp bách khác trong thực tế cuộc sống cần tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và đổi mới hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn chức năng, trọng trách của mình với nhân dân, với đất nước.
Hơn hai năm qua, cả thế giới và Việt Nam đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và gây ra rất nhiều tác động tiêu cực trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Thực trạng đầy thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có những hành động quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao để có được những cơ chế, biện pháp hiệu quả đem lại sự bình yên cho nhân dân, cho đất nước.
Theo nhandan.vn