Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: "Làm khuyến học, trí tuệ không được già"

Thứ 3, 25.01.2022 | 09:05:35
880 lượt xem

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ví cả một tập thể Hội như một bó hoa, tuy đã già, nở rộ nhưng không bao giờ tàn. Tuổi già nhưng trí tuệ và tinh thần luôn luôn trẻ.

Nhanh nhạy, tiên phong chuyển mình giữa đại dịch

- Thưa GS.TS Nguyễn Thị Doan, năm mới sắp đến nhìn lại một năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã có những bước chuyển mình nào? 

Trước tiên thay mặt cho Hội Khuyến học Việt Nam, tôi xin gửi tới tất cả bạn đọc Dân trí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong năm mới Nhâm Dần. Và tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Báo Dân trí, đến tất cả các bạn đọc, các mạnh thường quân đã ủng hộ cho Hội Khuyến học Việt Nam hoạt động đạt được những thành tựu như hiện nay.

Phải nói, năm 2021 là một năm đầy khó khăn vất vả với đất nước và Hội khuyến học Việt Nam không nằm ngoài tình hình chung đó. Nhưng không phải vì thế mà Hội không có những đổi mới căn bản tạo bước chuyển mình định hướng cho công tác của Trung ương Hội và các công việc của hệ thống Hội từ năm 2022-2030.

Bước chuyển mình quan trọng có thể kể đến là thắng lợi của Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI vừa qua. Đại hội đã đưa ra 10 nhiệm vụ hết sức căn cơ nhằm phục vụ sứ mệnh xuyên suốt của Hội trong 25 năm qua là thúc đẩy phương châm "Học không bao giờ cùng" như lời Bác Hồ dạy.

Đáng chú ý, Hội Khuyến học Việt Nam đã tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Làm khuyến học, trí tuệ không được già - 1

GS.TS Nguyễn Thị Doan (Ảnh: Mạnh Quân).

- Việc chuyển đổi số năm qua của Hội Khuyến học Việt Nam được thể hiện qua những dấu ấn đậm nét nào, thưa bà?

Có 5 dấu ấn đậm nét của Hội về chuyển đổi số trong phạm vi hoạt động của Hội.

Thứ nhất, Hội Khuyến học Việt Nam đang và sẽ tập trung vào sự học, học tập suốt đời, cá nhân hóa việc học, học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ thông qua chương trình chuyển đổi số và công dân số. Việc sử dụng các thiết bị thông minh và hệ thống học liệu sẵn có đã được điện tử hóa người học có thể học những gì mình cần cho cuộc sống. Trong thực hiện nhiệm vụ này, Hội đã phối hợp tốt với Bộ GD-ĐT, chúng tôi thường nói Giáo dục đào tạo là một cỗ xe, Bộ GD-ĐT kéo, Hội Khuyến học Việt Nam đẩy thì cỗ xe mới chạy được. Trong chuyển đổi số việc dạy và học cũng vậy, chúng tôi sẽ phối hợp tốt với Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thứ hai, trong tình hình dịch bệnh bùng phát, Hội Khuyến học Việt Nam đã cố gắng xây dựng các kịch bản trong việc tổ chức Đại hội bằng ba hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến đề phòng không thể Đại hội bằng hình thức trực tiếp. Đó là một bước mạnh dạn trong chuyển đổi số, đây là nét đặc trưng tiêu biểu hoặc có thể ví nó như một nốt son đánh dấu bước chuyển mình của Hội - làm việc theo một phương thức mới, theo một cách thức tổ chức mới nhằm tập trung trí tuệ, nhân lực và vận động toàn bộ hệ thống cố gắng thích nghi với điều kiện chuyển đổi số. Lúc đầu chúng tôi cũng lo lắng vì còn khâu biểu quyết trong Đại hội, Hội lại toàn người cao tuổi . Song chúng tôi đã tổ chức Đại hội thành công tốt đẹp do được Trường Đại học Mở Hà nội giúp đỡ về kỹ thuật. Chúng tôi đã học được nhiều kinh nghiệm từ việc đổi mới này. 

Thứ ba, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động chương trình "Máy tính cho em". Hiện, có hàng ngàn máy tính do các Hội Khuyến học địa phương phát động và được các mạnh thường quân ủng hộ đã đến tay các cháu giúp các cháu học trực tuyến như vừa qua. 

Thứ tư, trong dịch bệnh, Hội đã tập trung lực lượng tổ chức thành công hội thảo: Công dân học tập trong điều kiện bình thường mới, nhằm thay đổi nhận thức của Hội Khuyến học các cấp về sự cần thiết phải đổi mới phương pháp học tập của hội viên và lan tỏa tinh thần đó đến người dân. 

Thứ năm, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học Mở Hà Nội trang bị kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên Hội Khuyến học các cấp mà Hội Khuyến học Hà Nội đã đi tiên phong trong việc học tập này với kết quả tốt .

Có thể nói, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đã kịp thời chuyển mình nhanh và năng động để triển khai chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số. Đội ngũ của Hội Khuyến học Việt Nam đều là những người đã về hưu nhưng vô cùng năng động, chúng tôi là những người già nhưng đều tích cực đổi mới để hoạt động của Hội luôn sôi động và theo kịp với xu thế mới.

Tuổi già nhưng trí tuệ và tinh thần luôn được trẻ hóa

- Nói đến sự năng động của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và hội viên Hội Khuyến học Việt Nam trên cả nước, liệu Chủ tịch - với vai trò một người lãnh đạo có bao giờ định trẻ hóa đội ngũ cán bộ không, thưa bà?

Tôi luôn luôn muốn trẻ hóa đội ngũ, tuy tuổi già nhưng trí tuệ không được già.

Tuổi già nhưng trí tuệ luôn luôn trẻ và luôn luôn được làm mới thông qua đọc, tìm hiểu trên internet, sách vở để trí tuệ của mình luôn luôn được bồi đắp và luôn luôn giàu lên.

Cuộc họp nào cũng mang lại không khí vui vẻ cho mọi người. Hay ở chỗ là Hội có rất nhiều người hát hay, do đó đây là một kho báu của Hội. Chỉ cần có người yêu cầu là những ca sĩ không chuyên của chúng tôi sẵn sàng phục vụ một cách say sưa.

Mình là Chủ tịch phải truyền lửa trước, trẻ hóa bằng tinh thần vui tươi bằng lời ca tiếng hát, bằng thơ ca hò vè. Trẻ hóa đầu tiên là làm cho mọi người luôn phải vui vẻ, tinh thần thoải mái thì công việc mới chạy được. Ở Hội mọi người đều xác định:

Bây giờ đi làm khuyến học mà trí tuệ không được vun đắp và luôn đổi mới, con người của mình không được trẻ hóa thì làm sao có thể góp phần phát huy được tinh thần hiếu học cho mọi người.

Mọi người đều nói về làm việc ở Hội thấy không khí rất vui tươi trẻ trung. Người già luôn tìm cách làm mới mình, cho được trẻ lại. Làm mới không phải chỉ dừng ở hình thức mà phải làm mới trí tuệ, kiến thức. 

- Vậy nhân dịp đầu xuân năm mới sắp đến, bà có gì nhắn nhủ đối với những người làm chính sách cho người già?

Những người về hưu tham gia công tác Hội trí tuệ vẫn còn minh mẫn và rất thông thái . Tôi cho rằng đây là nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhà nước, là đầu vào cho sự khởi nghiệp mới, đầu vào của các hội, đầu vào của các tổ chức kinh doanh, dịch vụ. Họ là chủ nhân của rất nhiều ý tưởng hay. Tôi đi khắp nơi mới nhận ra rằng họ là những kho tàng tri thức, bách khoa toàn thư, cẩm nang vốn sống… Cho nên phải sử dụng đội ngũ này thật tốt. Cần nghiên cứu sâu, toàn diện về vấn đề này để chúng ta không để lãng phí một nguồn nhân lực vàng vô cùng quý giá của đất nước trong khi sự già hóa dân số đang gia tăng. 

Người ta không cần chế độ nhiều lắm nhưng người ta cần sự động viên, cần sự đánh giá . Nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu các chính sách bố trí công việc cho những người sau khi nghỉ hưu.

Tại Việt Nam, dân số đang già hóa rất nhanh, nguồn tài nguyên thiên nhiên thì sẽ dần cạn kiệt... Chúng ta chỉ còn nguồn nhân lực là vốn quý nhất, càng khai thác càng giàu lên lên. Và nguồn lực này gồm cả người trẻ và người già. Cho nên phải có chính sách khai thác thật tốt.

Mọi người ở hội về hưu rồi nhưng vẫn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Cả một tập thể Hội như một bó hoa, tuy hoa đã nở rộ nhưng hoa sẽ không phai màu. Tất cả đều làm việc trên tinh thần cống hiến, mong tiếp tục đóng góp cho hiện tại và tương lai.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Làm khuyến học, trí tuệ không được già - 2

Mọi người hoạt động ở Hội Khuyến học Việt Nam với tinh thần cống hiến (Ảnh: Mạnh Quân).

Luôn giữ nếp nhà 

- Mỗi mùa Xuân đến cũng là dịp mỗi người Việt Nam nhắc nhở nhau về những nét đẹp văn hóa truyền thống, về gia đình và cội nguồn. Bà có thể chia sẻ một chút về "nếp nhà" của mình?

Tôi hiện nay đang sống vui vẻ với các con các cháu trong một mái nhà. Người ta nói hạnh phúc lớn nhất của người già là quy tụ được con cháu thì tôi làm được điều đó. Tất cả các con các cháu tôi đều đã tập trung về ở với mẹ, với bà.

Từ tôi đến các con tôi cơ bản đều được Đảng, Nhà nước đào tạo, đi học trong nước rồi được đào tạo bậc cao hơn ở nước ngoài. Hiện nay sự kết hợp giao thoa trong việc sử dụng kiến thức đã học được ở trong nước, ở nước ngoài và ở trường đời luôn luôn được tôi luyện và được nhắc nhở trong gia đình. Những văn minh của thế giới, văn hóa của đất nước Việt Nam được hòa quyện. Được đi học ở nước ngoài nhưng không được quên văn hóa của Việt Nam, không được quên truyền thống nề nếp của gia tiên và của đất nước.

Tôi luôn dạy các con các cháu có hiếu với ở cha mẹ, ông bà; tôn trọng thầy cô giáo và nhân ái với tất cả bà con, nhất là người nghèo. Tôi luôn cố gắng giữ nề nếp gia phong, truyền thống tổ tiên, uống nước nhớ nguồn. Hàng ngày chúng tôi ăn, ở cùng nhau nên tôi cảm thấy khoảng cách thế hệ dần thu hẹp lại. Điều đó làm tôi yên tâm, vui vẻ vì luôn có con cháu bên cạnh. 

Và đặc biệt là mọi thành viên trong gia đình tôi luôn luôn bận rộn với công việc và không quên học và đọc thường xuyên. Tôi làm khuyến học, xuất thân từ một cô giáo , luôn thấu hiểu vai trò của việc học hành đối với sự phát triển bền vững nên luôn mong muốn các con, các cháu phải chịu khó học hành. Các bạn ấy đã hiểu điều đó .

- Với tâm huyết của mình, bà gửi gắm gì cho toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học cả nước nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022?

Nhân dịp Xuân mới, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả những người đã, đang làm công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và tất cả những người yêu quý công việc này. Tôi luôn tin rằng, toàn thể cán bộ, hội viên của Hội tiếp tục phát huy truyền thống 25 năm qua, luôn luôn phải làm mới mình để theo kịp với xu hướng mới và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội VI của Hội, góp phần đưa sự học của đất nước ngày càng phát triển. Chúc tất cả chúng ta đều trở thành Công dân số, Công dân học tập và phát triển bền vững trong thế giới phẳng hiện nay. 

Xin trân trọng cám ơn bà!


Lệ Thu/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/chu-tich-hoi-khuyen-hoc-viet-nam-lam-khuyen-hoc-tri-tue-khong-duoc-gia-20220124011702734.htm

  • Từ khóa