Ngày Xuân nghĩ về đạo làm thầy

Thứ 4, 26.01.2022 | 14:32:37
1,041 lượt xem

Tục ngữ có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Do đâu mà người thầy giáo được coi trọng như vậy, thiết nghĩ, bắt nguồn từ đạo làm thầy.

Tượng thầy Chu Văn An ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). (Ảnh: nhandan.vn) 

Không phải ngẫu nhiên những câu tục ngữ, ca dao, hay lời đúc kết của tiền nhân “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”,… lại đi vào cuộc sống hàng nghìn năm của dân tộc, thể hiện thành truyền thống văn hóa “Tôn sư trọng đạo” bao đời. Khẳng định vai trò của người thầy, trong xã hội phương Đông thời xưa “Quân-sư-phụ”. Hình mẫu người thầy luôn đặc biệt được đề cao và trân trọng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sứ mệnh người thầy: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của các thầy, cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang”.

Sự vẻ vang, “Đạo làm thầy” cao cả, dù trong hoàn cảnh nào, thời kỳ nào vẫn vẹn nguyên ý nghĩa. Người thầy, với vai trò, trách nhiệm to lớn vẫn nỗ lực không ngừng khai tâm, mở trí cho lớp lớp học trò.

Trên thế giới nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng có hai nghề được xã hội đặc biệt coi trọng: nghề thầy thuốc và nghề dạy học. Một nghề nắm sinh mạng quyết định sự sống, chết của con người. Một nghề liên quan đến “phần hồn”, quyết định đến sự phát triển nhân cách của con người. Hai nghề ấy, ngay từ bài học nhập môn, người học đã được học cái đức của nghề.

Nói “Lương y như từ mẫu”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” người xưa muốn dạy cho người học: Thầy thuốc như mẹ hiền, và: Học và dạy một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Tiếc rằng, lâu nay người ta chỉ khai thác cái nghĩa dành cho người học mà quên đi một ý nghĩa thứ hai đối với ông thầy: Dạy người ta một chữ, hay dạy nửa chữ cũng phải nhớ đến đạo làm thầy.  

Đạo làm thầy vô cùng lớn lao, sâu sắc mà chỉ trong một bài viết nhỏ không thể diễn tả hết. Chỉ xin được nêu vài điều nhận xét xuất phát từ thực tiễn công việc của cá nhân người viết.

Người thầy giáo dạy học trò của mình đâu phải chỉ có dạy kiến thức, quan trọng hơn là dạy làm người. Phải ứng xử với học trò như với chính mình, đặt mình vào vị trí của học trò mà dạy dỗ. Cái khác, là phải tác động vào con người, vào tâm và trí. Thầy phải yêu trò và chăm lo cho trò như đối với con của mình. Người thầy phải cố gắng gần gũi học sinh, tìm hiểu về hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các em. Tìm hiểu các em đang nghĩ gì, đang vui gì, đang buồn gì và đang mơ ước những gì.

Trong thời hội nhập, trong sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, chắc chắn công việc của một thầy giáo, cô giáo chẳng dễ dàng gì. Người thầy trước tiên phải là tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo... Viên phấn trên tay thầy cô rồi sẽ ngắn dần, mái tóc thầy cô càng nhiều sợi bạc thì học sinh càng được mở rộng thêm về kiến thức, hiểu biết. Cũng từ đó mà hình ảnh người thầy càng in đậm vào tâm hồn của học sinh, nghề dạy học trở thành một nghề cao quý.

Nhưng cũng cần thẳng thắn mà nói rằng, không phải ai làm nghề dạy học cũng là người cao quý. Muốn trở thành người cao quý, mỗi một người thầy phải tự khẳng định mình bằng thực tiễn dạy học và rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân, phải trăn trở suy nghĩ cải tiến phương pháp dạy học, phải giúp các em học giỏi, chăm ngoan. Quãng đời học sinh tuy được qua tay chăm sóc của nhiều thầy cô giáo. Nhưng trong ký ức của các em thường chỉ lưu lại hình ảnh những người thầy giáo mà chúng yêu mến nhất. Chắc chắn đó là những người thầy giáo giỏi, dạy các em hiểu bài, biết gần gũi, cảm thông và chia sẻ cùng các em những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật, biết động viên khích lệ các em vượt lên những khó khăn, giúp các em gặt hái được những thành công trong cuộc đời.

Làm được như vậy đó mới thực sự là những thầy giáo hạnh phúc, mới xứng đáng với niềm tôn vinh đó. Và vị thế thiêng liêng đó hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm và cái tài của bản thân người thầy giáo.

Nghề dạy học đâu chỉ có kiến thức và chuyên môn mà còn cần đến kỹ thuật, nghệ thuật sư phạm tuyệt khéo và hơn hết là phải yêu nghề, tâm huyết với nghề. Và xuyên suốt trong đạo làm thầy là trăn trở và khát khao đem lại hạnh phúc cho thế hệ tương lai!

Làm thế nào để người dạy học có được những phẩm chất trên? Trước hết, đó là sự nỗ lực trau dồi và rèn luyện của mỗi cá nhân người thầy, sau nữa là sự quan tâm của toàn xã hội.     

Để làm được việc này, điều kiện “cần” là giáo dục tránh nhiệm, lương tâm nghề nghiệp cho người dạy học, điều kiện “đủ” để có được những phẩm chất tốt đẹp ấy chính là phải có một chính sách xã hội hợp lý để cho mỗi người dạy học đều yên tâm mà sống với nghề và có được cuộc sống như họ xứng đáng được hưởng.


Phan Nữ La Giang/nhandan.vn

https://nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/ngay-xuan-nghi-ve-dao-lam-thay-683884/

  • Từ khóa