‘Cú hích’ thúc đẩy ứng dụng kỹ năng số, văn hóa số của ngành giáo dục

Thứ 3, 01.02.2022 | 10:04:57
1,038 lượt xem

Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh COVID-19 vẫn là một 'cú hích' thúc đẩy ngành giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.


BÀI TẾT ‘Cú hích’ tạo dựng kỹ năng số, văn hóa số thúc đẩy ngành giáo dục - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường".

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022 về những vấn đề nóng hổi thời gian vừa qua và những giải pháp căn cơ, lâu dài trong thời gian tới của ngành giáo dục.

Xin Bộ trưởng chia sẻ về lĩnh vực được ngành giáo dục ưu tiên chỉ đạo trong năm 2022?

Trong năm 2022, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai một số công việc.

Theo đó, trước mắt, cần triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh; tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài song hành với công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.

Hỗ trợ kịp thời sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quay trở lại hoạt động đào tạo bình thường để góp phần giải quyết được nguồn nhân lực cho năm 2022, 2023.

Ngành giáo dục nước ta đã và đang trải qua một giai đoạn khó khăn chưa từng có, khi dịch COVID-19 khiến cho việc học gặp nhiều xáo trộn. Cấp mầm non nhiều tháng đã không thể đến trường, các cấp học khác chuyển sang học online trong một thời gian dài. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Trong 2 năm ứng phó với dịch bệnh vừa qua, học trực tuyến được triển khai với quy mô và mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Đây là phương thức học tập cần chuẩn bị nhiều điều kiện như nhân lực, hạ tầng, kiến thức, nội dung, học liệu… đồng thời việc triển khai cần đồng bộ, có lộ trình và phương pháp phù hợp.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thầy và trò không thể đến trường thì giải pháp học trực tuyến là giải pháp bắt buộc, dù chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Vậy nên, khó khăn, thách thức trong tổ chức và triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả là khó tránh khỏi từ việc điều chỉnh kế hoạch, phương pháp, nội dung, chuẩn bị hạ tầng truyền thông, trang thiết bị công nghệ, cho đến sự sẵn sàng nhập cuộc của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh, nhất là bậc học mầm non và tiểu học. Cùng với đó, thử thách cũng nặng nề hơn bởi 2 năm qua còn là những năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước yêu cầu cần phải thích nghi với dịch bệnh, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, tập trung làm tốt cả hai việc: Bảo đảm chất lượng và phòng chống dịch. Những quyết sách của ngành nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng với dịch bệnh, đồng thời, trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chuất lượng về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được.

Đặc biệt phải kể đến sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên các cấp học, bậc học trong việc chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, dạy trên truyền hình. Khó khăn càng nhân lên gấp bội phần đối với bậc học mầm non và các lớp đầu của bậc tiểu học. Cùng với đó là sự hỗ trợ của gia đình, cha mẹ, sự chung tay góp sức của toàn xã hội để hoạt động dạy học được đảm bảo an toàn và chất lượng tốt nhất trong khả năng có thể.

Dạy học trực tuyến khó khả thi để triển khai hiệu quả với bậc mầm non và với các lớp đầu của bậc tiểu học. Còn thẳng thắn mà nói thì ở tất cả các cấp học, dạy học trực tuyến khó có thể đạt được hiệu quả như dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, nếu không tìm ra giải pháp giải quyết triệt để thì chúng ta cần xác định lựa chọn giải pháp tốt nhất. Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành các rà soát, thống kê, qua đó sẽ có đánh giá cụ thể về chất lượng dạy và học trực tuyến. Mặc dù khó khăn nhưng suốt 2 năm qua, hình thức dạy học này đã giúp các hoạt động giáo dục không những không gián đoạn mà còn được tiếp nối theo cách phù hợp và hiệu quả nhất có thể.

Theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 đem lại những cơ hội và thách thức như thế nào đối với ngành giáo dục. Đây có phải là động lực giúp cho ngành giáo dục chuyển đổi số nhanh chóng hơn?

Phần lớn hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện trước yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh nên việc triển khai còn bị động, thiếu đồng bộ và nhiều điều kiện cần thiết khác. Các quyết sách và giải pháp của ngành giáo dục trong thời gian qua phải bám sát quyết sách và chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan cũng như diễn biến của dịch COVID-19. Điều kiện khác nhau về hạ tầng truyền thông, điều kiện kinh tế giữa các các vùng miền cũng tạo nên khoảng cách nhất định trong tiếp cận giáo dục, mà ở đó, các em học sinh, nhất là cấp học mầm non, tiểu học thuộc khu vực khó khăn, miền núi hải đảo, thiếu thốn trang thiết bị và hạ tầng truyền thông, cha mẹ mất do dịch bệnh COVID-19... đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.

Phương thức dạy học trực tuyến chưa thể thay thế học trực tiếp và trong thực tế, hoạt động này đang cho thấy những vấn đề bất cập như: Kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học chưa được chuẩn bị bài bản, thống nhất, chưa chuyển đổi phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến, truyền hình. Dạy học trực tuyến không thay thế được học trực tiếp đối với các cháu mầm non và chưa đáp ứng các yêu cầu chất lượng đối với cấp tiểu học. Quá trình học trực tuyến đòi hỏi gia đình học sinh tham gia hỗ trợ nhiều hơn trong khi vẫn phải làm công việc khác. Tâm lý và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng khi phải dành hàng giờ trước màn hình tivi, máy tính để hoàn thành các nội dung học tập…

Với nỗ lực của toàn xã hội và ngành giáo dục trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn, thách thức, dù còn đó những tồn tại cần khắc phục nhưng chúng ta cũng đã đạt được những kết quả tiền đề cho đổi mới dạy học, nhất là dạy học trực tuyến. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện của ngành giáo dục. 

Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh đã là một cú hích thúc đẩy ngành giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

BÀI TẾT ‘Cú hích’ tạo dựng kỹ năng số, văn hóa số thúc đẩy ngành giáo dục - Ảnh 2.

Dịch bệnh được xem là "cú hích" thúc đẩy ngành giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là việc dạy học trực tuyến.

Nói đến chuyển đổi số trong giáo dục, việc này đã được các nhà quản lý ở Việt Nam nhắc tới nhiều năm trước đây. Nhưng thực tế, việc triển khai vẫn còn những trở ngại. Bộ trưởng đã từng nêu rất nhiều cái khó khi chuyển đổi số giáo dục, trong đó có nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số. Vậy theo ông, nhà quản lý hiện nay cần làm gì để thay đổi chuyện ngại thay đổi của chính mình. Là cơ quan lãnh đạo ngành, Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp nào để trở thành đầu tàu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý?

Ngành giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng. Đây là công việc không phải "một sớm một chiều" có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên.

Để thực hiện chuyển đổi số, trước hết từ những người làm công tác quản lý, hoạch định chính sách, tới giáo viên, học sinh, phụ huynh phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng để đưa những tiện ích, lợi thế đó thành hiện thực. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Tiện ích của chuyển đổi số không thể rao giảng là có thể làm thay đổi được tư duy của bất kỳ ai vì chỉ khi tự thân người trong cuộc thấy được tiện ích, lợi thế của nó, họ sẽ nhập cuộc.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số" với mục tiêu thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đề án sẽ được lấy ý kiến tham góp của chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo… trước khi ban hành và tổ chức thực hiện.

Sẽ có nhiều khó khăn đặt ra cho quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành giáo dục, trong đó bao gồm cả việc hình thành và nâng cao nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số cho những người tham gia vào quá trình đó. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình cần có thời gian và lộ trình cụ thể, ngành giáo dục sẽ từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

Chính phủ đã thay đổi cách chống dịch, từ mục tiêu "không Covid" sang thích ứng an toàn. Vậy trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ thay đổi như thế nào trong dạy và học để phù hợp trong bối cảnh mới?

Mong mỏi được đến trường học tập trực tiếp của học sinh, giáo viên là mong mỏi rất chính đáng. Với ngành giáo dục, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương về việc dạy học trực tiếp, mở cửa trường học an toàn. Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Y tế để có hướng dẫn tới từng cơ sở giáo dục về các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Cùng với việc mở cửa lại trường học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi các em trở lại học trực tiếp, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong năm học này.

Thời gian tới có thể sẽ tiếp tục là một giai đoạn khó khăn với ngành giáo dục. Học sinh trở lại trường học, những lỗ hổng về kiến thức của các em sẽ phải được tính toán để bù đắp. Những tổn thương tâm lý, tinh thần của các em cũng sẽ phải được đánh giá đầy đủ để từng bước có giải pháp bù đắp. Bộ GD&ĐT sẽ bám sát tỉnh hình thực tế để chỉ đạo, hướng dẫn sát sao việc dạy và học trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Phương Liên/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/cu-hich-thuc-day-ung-dung-ky-nang-so-van-hoa-so-cua-nganh-giao-duc-102220126104936262.htm

  • Từ khóa