Năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy đảng và chính quyền đã có nhiều giải pháp đồng bộ, nghiêm túc, sáng tạo. Những quan điểm, bài học về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua thực tiễn triển khai tại các địa phương thấm vào tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, ghi dấu ấn và tạo chuyển biến vững vàng, sâu sắc.
Năm 2021 vừa qua là một năm đầy thử thách với cả hệ thống chính trị khi mà đại dịch Covid-19 hoành hành, đe dọa nghiêm trọng đời sống, tính mạng của nhân dân. Đảng, Nhà nước luôn đặt lên cao nhất nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng trong từng thời điểm phải cân nhắc các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu "kép" để ổn định và phát triển. Trong bộn bề công việc, các cấp ủy đảng và chính quyền đã khẩn trương triển khai công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhằm xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ.
Đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng
Như nhiều địa phương khác trong cả nước, năm qua, tỉnh Quảng Bình đối diện nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới mọi mặt đời sống. Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và triển khai nhiệm vụ của năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đạt kết quả tích cực, trong đó có công tác xây dựng Đảng. Theo đồng chí Trần Vũ Khiêm, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, năm 2021, Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ba đề án và hai kế hoạch với nhiều nội dung mang tính đột phá về công tác tổ chức xây dựng Đảng, như: Đề án kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, giai đoạn 2021-2025; Đề án đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch sắp xếp, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng mô hình chi bộ "Năm tốt, bốn không". Cụ thể là: Xây dựng quy chế hoạt động tốt; xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết tốt; giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên tốt; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình tốt; phát triển đảng viên tốt; không để nội bộ mất đoàn kết, thiếu thống nhất; không bị đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; không có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật; không để phát sinh, xảy ra các vụ việc bất ngờ, phức tạp ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, "Năm tốt" là mục tiêu, động lực và cũng là nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ tỉnh. "Bốn không" là quyết tâm chính trị để các cấp ủy, tổ chức đảng nâng cao tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, khuyết điểm. Với mô hình này, bầu không khí dân chủ, đoàn kết được mở rộng, tinh thần trách nhiệm của tập thể và mỗi cá nhân nâng lên. Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện mô hình nhằm phát huy kết quả bước đầu, tạo đà cho năm 2022 đạt được những kết quả nổi bật.
Là tỉnh có đường biên giới dài, Tây Ninh xác định công tác tuyên truyền, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm là một nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, công tác này được đẩy mạnh, dần trở thành phong trào có sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia.
Đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết: Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Tỉnh ủy vẫn tổ chức kịp thời việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; triển khai quyết liệt Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội các cấp. Trong quá trình triển khai, các cấp ủy tích cực nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội để tuyên truyền định hướng, động viên tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng thời xây dựng lực lượng, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả trong lĩnh vực tư tưởng trên không gian mạng. Đến nay, tỉnh đã đưa vào hoạt động 1.385 diễn đàn trên Mocha, Mocha35, Facebook, Zalo với khoảng 341.322 thành viên. Mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn có 1.971 thành viên.
Trong năm 2021, các lực lượng tuyên truyền, đấu tranh trên internet và mạng xã hội đăng tải, chia sẻ 4.080 tin, bài phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xấu độc; gỡ bỏ được 21 tài khoản đăng tải thông tin xuyên tạc, chống phá chế độ. Các hoạt động này đã góp phần tăng "sức đề kháng" của nhân dân trước những thông tin xấu, độc và củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy chú trọng xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên, nhất là ở các xã biên giới. Năm 2021, toàn tỉnh kết nạp 1.022 đảng viên (vượt chỉ tiêu đặt ra là 993); trong đó 20 đảng bộ xã biên giới kết nạp 101 đảng viên (chỉ tiêu là 81). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, đề án nhằm đưa công tác quản lý đảng viên từng bước đi vào nền nếp, như: Kế hoạch phát triển đảng viên nhiệm kỳ 2020-2025, Đề án kéo giảm tình trạng đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Đảng, Đề án hạn chế tình trạng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhờ đó, trong năm 2021, số đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng giảm đáng kể so với năm 2020.
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo
Cùng với việc làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, nhiều địa phương tích cực triển khai những biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có năng lực và phẩm chất, đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao. Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII cùng với các quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và các kết luận về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung... đã thúc đẩy việc nêu cao trách nhiệm và quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác cán bộ.
Tỉnh ủy Tuyên Quang có Quy định số 30-NQ/TU về giao việc đột phá, việc đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Năm 2021, 64 đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao việc đột phá, đổi mới với 221 việc. Trong đó, riêng năm 2021 có 39 việc; việc hằng năm có bốn việc; trong giai đoạn 2021-2022 có hai việc, giai đoạn 2021-2023 có sáu việc và giai đoạn 2021-2025 có 170 việc. Nội dung công việc được giao cụ thể với thời hạn rõ ràng đã có tác động buộc người cán bộ phải lao vào cuộc, trăn trở tìm giải pháp. Ghi nhận từ thực tế cho thấy tiến độ công việc ở các địa phương có sự chuyển biến rõ nét, góp phần thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Theo đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, giao việc đột phá, đổi mới cho từng cá nhân chủ trì và trực tiếp phụ trách thực hiện là dấu ấn quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Quá trình triển khai cũng như kết quả thực hiện giúp cấp trên đánh giá đúng phẩm chất, trình độ, năng lực, khả năng lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ.
Từ hiệu quả thực hiện Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng bộ tỉnh Hà Giang chỉ đạo công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân theo phương thức đổi mới, hướng dẫn gắn với giải đáp, kiểm tra, đôn đốc, gợi ý kiểm điểm, tự kiểm điểm các nội dung cụ thể, bảo đảm toàn đảng bộ thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận số 21-KL/TW. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy có những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; thực hiện kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí, xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên; chú ý luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm. Trong công tác quy hoạch cán bộ, tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ và nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu công tác trong tình hình mới, tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch; trong đánh giá bố trí cán bộ thì chú trọng những người đã kinh qua thực tiễn cơ sở. Tỉnh ủy cũng đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên công tác luân chuyển cán bộ, yêu cầu mỗi đồng chí khi đi nhận nhiệm vụ phải xây dựng chương trình hành động và có cơ chế giám sát, hỗ trợ, đánh giá kết quả thực hiện. Từng cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu được quán triệt phải thấm nhuần phương châm làm việc "gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân". Tỉnh tiếp tục duy trì tốt các chương trình đối thoại chính sách như "Xuống phố, về làng", "Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối thoại với người dân", "Chính quyền đối thoại với dân qua sóng phát thanh" và các hoạt động "Cà phê với doanh nhân"… để tăng cường kênh tiếp nhận, lắng nghe và kịp thời hành động, giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm của toàn Đảng, thể hiện ở việc ban hành kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng, sự triển khai đồng bộ, nghiêm túc của các cấp ủy, chính quyền, các địa phương cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, những quan điểm, bài học về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được cọ xát thực tiễn, thấm vào tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, góp phần làm nên sự chuyển biến vững vàng và sâu sắc, tạo đà bứt phá trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
HẠNH NGUYÊN, MINH ANH và HẢI CHUNG/nhandan.vn