Bản Xín Cái nằm sát biên giới Việt Nam-Trung Quốc có 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Người H’Mông của bản từ bao đời trước sống trong lam lũ, nghèo đói và lạc hậu. Tôi vẫn nhớ cái đói đến quắt ruột chờ cây ngô mọng hạt. Bắp ngô mùa trước mang về treo lên vách bếp, đã ăn từ lúc cây ngô ngoài nương mới trổ cờ.
Ảnh minh họa.
Cả bản lại kéo nhau lên rừng đào củ sắn, củ mài, ăn từ cái đọt đu đủ đến thân cây chuối. Đói ăn nên cả những đứa trẻ cũng phải theo cha mẹ lên rừng, hái nắm cỏ bỏ mồm nhai bị đắng ngằn ngặt khóc nhưng vẫn cố nuốt. Tôi có may mắn là được đi học nội trú, vẫn khổ nhưng còn sung sướng hơn nhiều người. Tốt nghiệp cấp ba, tôi không thể nhập ngũ vì thiếu chiều cao, cân nặng. Tôi buồn lắm trở về quê, vẫn đói nghèo tưởng như không bao giờ tìm ra lối thoát. Các chú, các bác trên Ủy ban nhân dân xã động viên tôi làm trưởng thôn. Lúc đó tuổi đời còn rất trẻ nhưng không thể chối từ vì cả bản chỉ có mình tôi đọc thông viết thạo. Tôi được giao phụ trách nhiều nhiệm vụ từ nông nghiệp, an ninh, cho đến mặt trận, thanh niên, phụ nữ…
Tôi nhớ mãi ngày chi bộ thôn được thành lập. Lúc đó có các cô giáo ở xa mới đến lập điểm trường tiểu học, có các bác, các chú ở xã và cả các anh bộ đội biên phòng cùng đến sinh hoạt. Sinh hoạt đảng tôi mới hiểu được tại sao bản mình cứ nghèo mãi. Càng nghe các đảng viên góp ý về phương pháp, cách làm giúp người dân thoát đói, nâng cao đời sống, tôi càng thấy sáng trong đầu. Tôi nói với người dân, mọi người cũng thấy ưng bụng, và hứa với nhau phải làm giàu cho quê hương, giữ gìn biên cương an ninh, ổn định như nhiệm vụ Đảng giao. Dần dần từng bước nhỏ cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, người dân trong bản đã có thêm con gà, con ngan, rồi đàn bò, đàn dê. Người dân cũng biết cách trồng cây ngô như người dưới xuôi, đấy là phải chăm sóc, bón phân, bắt sâu… chứ không tra hạt, để đấy ngồi chờ cây ngô ra bắp như trước nữa. Mỗi năm nhìn lại càng thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay của bản.
Đến giờ, trẻ con không theo cha mẹ lên nương nữa vì còn bận học. Người dân đã hiểu rằng cái chữ không làm ta no cái bụng nhưng nhờ nó mà bản tìm ra cái lối đi thoát đói, nghèo. Mấy năm trước, ở bản đã có người đi học cao đẳng, có người được đi nước ngoài lao động. Bản có điện lưới quốc gia, internet tốc độ cao, được giao lưu với đồng bào người H’Mông trên khắp cả nước. Ai cũng thấy sáng đầu, sáng dạ. Tôi đã không còn làm trưởng thôn mà bàn giao cho người khác. Sau mấy năm đi làm thuê ở các doanh nghiệp dưới Hà Nội, tôi đã có đủ vốn để tự làm kinh tế hộ gia đình, dù chưa được gọi là giàu có nhưng đã không còn phải lo về cái ăn, cái mặc. Gần đây tôi tham gia câu lạc bộ khèn H’Mông của bản và của xã, tập và biểu diễn các điệu khèn cho mọi người đừng quên văn hóa của ông, cha. Mong Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người H’Mông quê tôi nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung phát triển, vươn lên cùng đồng bào cả nước.
Hạng Mí Toản (Bản Xín Cái, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/dang-da-cham-lo-doi-song-cua-dong-bao-hmong-684723/