Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật họp phiên thứ nhất

Thứ 6, 11.02.2022 | 08:28:01
695 lượt xem

Chiều 10/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp thứ nhất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật họp phiên thứ nhất - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu, ngay từ đầu năm 2022, các thành viên của Hội đồng cần tổ chức quán triệt và triển khai ngay thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng, nhất là trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng và mối quan hệ với các bộ, cơ quan, địa phương - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phiên họp diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng.

Triển khai thực hiện Quyết định nêu trên, Bộ Tư pháp, Cơ quan Thường trực Hội đồng Trung ương đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phân công đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương.

Ngày 11/11/2021, Chủ tịch Hội đồng Trung ương đã ký Quyết định số 115/QĐ-HĐPH phê duyệt Danh sách thành viên Hội đồng Trung ương gồm 39 thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hội đồng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác PBGDPL trong tình hình mới theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Kết luận số 80-KL/TW).

Tại phiên họp này, Bộ Tư pháp đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Hội đồng các cấp thời gian qua và phương hướng hoạt động của Hội đồng giai đoạn 2022-2026, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Theo báo cáo, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập Hội đồng do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cùng cấp làm chủ tịch Hội đồng.

Từ năm 2013 đến nay, với sự tham mưu, tư vấn của Hội đồng Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Đặc biệt, Hội đồng các cấp đã tham mưu cấp ủy tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.

Trên cơ sở kết quả tổng kết, Hội đồng Trung ương đã tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW (Quyết định số 1521/QĐ-TTg) với tinh thần đổi mới toàn diện, đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Hằng năm, Hội đồng Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn Hội đồng các cấp triển khai công tác PBGDPL. Trên cơ sở đó, Hội đồng các cấp đã ban hành các văn bản tham mưu, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý với nội dung trọng tâm được xác định theo nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Hội đồng cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện PBGDPL bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.

Từ năm 2013 đến nay, Hội đồng Trung ương đã hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam với chủ đề phù hợp, có điểm nhấn với nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hiệu quả, thiết thực, qua đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật cho người dân trong xã hội.

Hội đồng các cấp cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác PBGDPL; trong đó chú trọng các giải pháp bảo đảm nguồn lực cho công tác PBGDPL và xã hội hóa công tác PBGDPL.

Báo cáo đánh giá, thời gian vừa qua, Hội đồng các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Kết quả hoạt động của Hội đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của các các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trình bày tham luận và tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng thời gian vừa quan; đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế.

Các thành viên cũng đã thảo luận về định hướng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương giai đoạn 2022-2026 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng; bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với các định hướng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện có hiệu quả các yêu cầu đổi mới về công tác PBGDPL được đề ra trong Kết luận số 80-KL/TW, Quyết định số 1521/QĐ-TTg.

Các tham luận nhấn mạnh sự cần thiết xác định các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng, thành viên Hội đồng, trọng tâm là nguồn lực bảo đảm (con người, kinh phí); cơ chế phối hợp trong công tác PBGDPL; tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong công tác PBGDPL.

Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đổi mới, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL tại các bộ, ngành, địa phương.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật họp phiên thứ nhất - Ảnh 2.

Phiên họp thứ nhất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu, ngay từ đầu năm 2022, các thành viên của Hội đồng cần tổ chức quán triệt và triển khai ngay thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng, nhất là trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng và mối quan hệ với các bộ, cơ quan, địa phương theo đúng tinh thần của Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2022 đã được ban hành.

Các thành viên của Hội đồng cần chủ động có các giải pháp tiếp tục triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 đạt chất lượng cao, báo cáo kết quả với Hội đồng và Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Các thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chú trọng triển khai các hoạt động có tính liên ngành, trọng tâm là các hoạt động tại cơ sở, không chỉ PBGDPL mà còn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để đề xuất Hội đồng quyết định những nội dung cần định hướng truyền thông về chính sách quan trọng trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, như các chính sách về đất đai, đầu tư, kinh doanh, dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thi đua khen thưởng, phòng, chống bạo lực gia đình…  

Để tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nguồn lực dành cho công tác PBGDPL theo hướng phân bổ ngân sách cho công tác này phải căn cứ vào điều kiện, nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực, có tiêu chí ưu tiên rõ ràng, ưu tiên các địa phương chưa cân đối được ngân sách, vùng sâu, vùng xa, đối tượng đặc thù.

Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật và giáo dục công dân theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp; kiểm tra, đánh giá công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ TT&TT chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển dữ liệu trong công tác PBGDPL; hướng dẫn, định hướng việc tăng cường và phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia PBGDPL.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các thành viên Hội đồng thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tích cực phối hợp, tổ chức các đợt cao điểm phổ biến, truyền thông về lĩnh vực pháp luật quan trọng, được xã hội quan tâm khi có đề nghị của cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Ngoại giao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành mình, tăng cường chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ PBGDPL về hội nhập kinh tế quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam.

Các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên CSHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chính xã hội nghề nghiệp khuyến khích các thành viên, hội viên phát huy trách nhiệm xã hội tích cực tham gia tư vấn pháp luật, PBGDPL cho nhân dân tại cơ sở; xây dựng, triển khai các mô hình, cách thức PBGDPL cụ thể thông qua việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác này.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các thành viên Hội đồng và các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức triển khai Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Hội đồng, điều phối hiệu quả các hoạt động để bảo đảm tính kết nối, chia sẻ, phát huy các nguồn lực, tránh trùng lặp, tránh láng phí.


Hải Minh/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/hoi-dong-phoi-hop-pho-bien-giao-duc-phap-luat-hop-phien-thu-nhat-102220210181313408.htm

  • Từ khóa